28/11/2024

“Phân lô, bán nền” bãi biển

Đó là tình trạng đang diễn ra tại bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ (Ninh Thuận).

 

“Phân lô, bán nền” bãi biển

 

Đó là tình trạng đang diễn ra tại bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ (Ninh Thuận).




 

 

Nhà hàng Vi Hồng xây dựng trong công viên biển Bình Sơn án ngữ ngay lối ra vào bãi tắm công cộng của người dân, du khách - Ảnh: M.Trân
Nhà hàng Vi Hồng xây dựng trong công viên biển Bình Sơn án ngữ ngay lối ra vào bãi tắm công cộng của người dân, du khách – Ảnh: M.Trân

Bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ dài 6km, từ phường Mỹ Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm) đến thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) là một trong những bãi biển đẹp ở Nam Trung bộ. Trong đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, không ít du khách ngỡ ngàng trước cảnh bãi biển thơ mộng bị biến mất, thay cho bãi cát và rừng phi lao mênh mông trước đây là những khu du lịch, khu đô thị, nhà hàng chen nhau.

Cắt xén bãi biển

15 năm trước (năm 2000), tỉnh Ninh Thuận thu hồi 8ha đất lâm nghiệp thuộc bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ do Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa quản lý, giao Công ty TNHH Hoàn Cầu để trồng, bảo vệ rừng và đầu tư khu vui chơi giải trí. Đây là bước khởi đầu cho việc “bức tử” rừng phi lao, chiếm cứ bãi biển để xây dựng khu resort có tường kín biệt lập, người dân muốn xuống biển tắm phải đi đường vòng.

Đến năm 2006 UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi ba dự án du lịch quy mô 17ha tại bãi biển Ninh Chữ do Công ty thương mại – dịch vụ – du lịch Paven (TP.HCM) làm chủ đầu tư. Một năm sau, phần đất này được cắt ra 6ha, giao lại cho Công ty TNHH đầu tư thương mại Phú Thuận (TP.HCM) hơn 6ha nhưng bị công ty “treo” mấy năm liền.

Đến năm 2010, khi bị thanh tra về tình hình quản lý, sử dụng đất đai thì chủ dự án mới triển khai xây 11 bungalow rồi ngưng luôn. Ông Hàng Duy Dân, nhân viên bảo vệ công ty này, cho biết đến nay khu du lịch của Phú Thuận đã qua bốn chủ mà vẫn còn dang dở.

Chạy dọc bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ còn có hai dự án khác là khu du lịch Đông Dương và khu du lịch Bàu Trúc 2 được tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư, giao thuê đất từ bảy năm qua nhưng cũng triển khai cầm chừng, xây dựng khu nhà hàng, resort rồi bỏ đó.

Người dân gần các khu du lịch này bức xúc bởi dự án “ngâm” nhiều năm, khiến bãi biển Ninh Thuận bị chia cắt. Vào mùa nắng, hàng chục ngàn người dân bị dồn vào bốn bãi biển nhỏ nhoi, không còn được thoải mái tắm trên một bờ biển kéo dài 6km.

Trước tình hình này, năm 2009 bà Hoàng Thị Út Lan – chủ tịch UBND Ninh Thuận lúc bấy giờ – quyết tâm giữ lại 24,5ha bãi biển tại phường Mỹ Bình – một bãi biển thông thoáng còn sót lại để xây dựng công viên biển Bình Sơn. Những tưởng như vậy tỉnh sẽ không giao đất cho bất cứ một dự án du lịch nào tại đây. Nhưng đến tháng 9-2010 (sau khi bà Lan nghỉ hưu), dự án khu đô thị du lịch biển của

Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thành Đông được khởi công trên khu đất này trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Theo đó, tỉnh đã cắt 5ha bãi biển Bình Sơn cấp cho Công ty Thành Đông xây dựng khu phố thương mại. UBND tỉnh Ninh Thuận giải thích đây là giải pháp “đổi đất lấy hạ tầng” để đầu tư cho công viên biển Bình Sơn.

Bãi tắm tiếp tục teo tóp

Công viên biển Bình Sơn tiếp tục không được yên dù chỉ còn lại 19,5ha. Năm 2011, công viên này lại bị cắt thêm 4,5ha để giao cho dự án nhà hát San Hô của một công ty truyền thông. Dự án nhà hát San Hô được khởi công ngày 9-12-2011 quy mô 2.000 chỗ ngồi, dự kiến hoàn thành một năm sau đó. Sau khi khởi công thì dự án nhà hát này chỉ nằm trên giấy. Tháng 2-2013, UBND tỉnh Ninh Thuận phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án và giao phần đất định làm nhà hát cho Công ty Thành Đông làm hồ sơ thiết kế một công trình khác.

Riêng công viên biển Bình Sơn, sau khi khánh thành thì được tạm bàn giao cho UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm quản lý. Ở đây bỗng dưng xuất hiện nhà hàng Vi Hồng rộng lớn chắn ngay bãi tắm trong khuôn viên công viên. Nhà hàng nằm ngay lối ra vào bãi tắm công cộng, gây cảnh ùn tắc xe máy, người ra vào phải chen lấn nhau. Cách bãi tắm này hơn 1km có bãi tắm Bưu điện Bình Sơn cũng vừa bị yêu cầu ngưng hoạt động để thay thế bằng nhà hàng King rộng lớn.

Lãnh đạo Ninh Thuận nói gì?

Sáng 8-5, ông Lê Văn Bình – phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận- cho biết UBND tỉnh rất kiên quyết đối với các dự án khu du lịch chậm triển khai nhiều năm. Nếu các dự án trên không thực hiện đúng cam kết thì tỉnh thu hồi dự án giao cho nhà đầu tư khác.

Đối với nhà hàng King, ông Bình cho biết nó thuộc dự án Khu du lịch của Công ty TNHH du lịch Hoàn Mỹ được cấp phép từ sáu năm trước, giờ mới bắt đầu xây dựng. “Về nhà hàng Vi Hồng nằm trong Công viên biển Bình Sơn, án ngữ lối ra vào tắm biển của người dân, UBND tỉnh sẽ làm việc với UBND TP Phan Rang-Tháp Chàm trong vài ngày tới”- ông Bình nói.

Trong khi đó, kiến trúc sư Đỗ Thành Nhân (quê ở Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết xu hướng quy hoạch hiện đại là chuyển các công trình xây dựng ra nằm bên ngoài đường vành đai ven biển để trả lại không gian thiên nhiên, thông thoáng cho bãi biển, không ai quy hoạch khách sạn, khu đô thị trên bãi biển như ở Ninh Thuận.

MINH TRÂN