Mỹ tăng cường sức mạnh vũ khí laser
Sau khi được tăng công suất, vũ khí laser thế hệ mới của Mỹ có thể bắn hạ máy bay không người lái lẫn tàu thuyền.
Mỹ tăng cường sức mạnh vũ khí laser
Sau khi được tăng công suất, vũ khí laser thế hệ mới của Mỹ có thể bắn hạ máy bay không người lái lẫn tàu thuyền.
Chuyên san Aviation Week & Space Technology dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ dành khoản ngân sách trị giá 371 triệu USD để đẩy mạnh phát triển vũ khí laser trong năm nay. Quyết định này được đưa ra sau khi Tập đoàn General Atomics khẳng định đã thử nghiệm thành công vũ khí laser (LaWS) thế hệ 3 với sức mạnh gấp 5 lần các loại LaWS đời cũ.
Từ năm 2008, Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) trực thuộc Lầu Năm Góc đã hợp tác với General Atomics để theo đuổi dự án Hệ thống laser lỏng năng lượng cao phòng thủ khu vực. Mục tiêu của dự án đầy tham vọng này là tạo ra những loại vũ khí “như trong phim viễn tưởng” có khả năng bắn hạ rốc két, tên lửa, tàu chiến và cả các mục tiêu trên mặt đất với độ chính xác cao và chi phí thấp.
Vào năm ngoái, chương trình LaWS đạt được bước tiến lớn khi một ống phóng được lắp đặt trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce và các cuộc thử nghiệm đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Theo tạp chí Wired, chỉ trong vòng 2 giây, chùm tia laser vô hình từ tàu USS Ponce đã bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) do thám loại nhỏ và tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu là 100%.
Ngoài ra, lợi thế của LaWS là có thể bắn liên tục với chi phí cực kỳ thấp so với các loại vũ khí tân tiến như tên lửa và bom thông minh. Khẩu pháo laser gắn trên tàu USS Ponce chỉ có giá 32 triệu USD và chỉ tốn chi phí 1 USD/lần bắn, theo Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu hải quân Mỹ Matthew Klunder.
Tuy nhiên, các loại LaWS đời cũ vẫn có điểm yếu là sức công phá thấp. Tia laser của tàu USS Ponce chỉ có công suất 30 kW và vẫn chưa thể chặn được tên lửa đối hạm, cũng như chỉ đủ “gãi ngứa” cho chiến đấu cơ và chiến hạm thực thụ. Ngoài ra, độ chính xác còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, bụi, hơi nước trong không khí. Một hạn chế khác là cho tới nay, ống phóng chỉ có thể gắn trên các tàu chiến có độ choán nước “khủng” như USS Ponce nên độ linh hoạt chưa cao.
Đời mới, sức mạnh mới
Theo những tuyên bố mới nhất từ General Atomics thì tất cả những điểm yếu nói trên đều được khắc phục với LaWS thế hệ 3 đang được phát triển trong khi chi phí vận hành hầu như không tăng. Các chuyên gia đã thành công trong việc tăng công suất chùm tia laser lên đến 150 kW, đủ sức bắn chặn ngư lôi lẫn các đội tàu cao tốc cỡ nhỏ còn UAV không thể nào chịu nổi loại vũ khí này. “Các cuộc thử nghiệm mới đã xác nhận chất lượng đặc biệt của vũ khí laser thế hệ 3”, một lãnh đạo General Atomics hồ hởi nói với Aviation Week & Space Technology.
Mặt khác, kích thước và trọng lượng của hệ thống cũng được thu gọn rõ rệt so với các thế hệ trước, có thể được sử dụng trên các tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường, chiến đấu cơ, máy bay do thám hoặc thậm chí là UAV. Vũ khí hoạt động bằng pin lithiumion nhỏ gọn và có thể được sạc nếu cạn năng lượng. Sắp tới LaWS thế hệ mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên tàu khu trục USS Paul Foster ở ngoài khơi TP. Oxnard, bang California với tham vọng đẩy công suất chùm tia lên tới 300 kW.
Bên cạnh đó, trước những bước tiến liên tục của LaWS trên biển, Lầu Năm Góc quyết định đầu tư nghiên cứu loại vũ khí này cho xe bọc thép và các loại xe quân sự khác để chiến đấu trên bộ chống UAV cũng như các nhóm vũ trang đối địch. Theo báo mạng IB Times, hệ thống sẽ bao gồm ống phóng gắn trên một xe quân sự Humvee, trong khi các bộ cảm biến được lắp đặt trên 2 chiếc Humvee khác, giúp phát hiện và bắn hạ UAV ở tầm thấp. Đến nay, quân đội Mỹ đã chi khoảng 11 triệu USD cho chương trình này cũng như tiến hành các cuộc thử nghiệm với chùm tia công suất 10 kW, với mục tiêu sẽ tăng lên 30 kW trong thời gian tới.
Danh Toại