Quà bạn đọc Tuổi Trẻ đến Nepal
Trong hai ngày 6 và 7-5, số tiền bạn đọc báo Tuổi Trẻ quyên góp cho các nạn nhân trong trận động đất ở Nepal đã được trao cho các gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn và mất hết nhà cửa sau thảm hoạ.
Quà bạn đọc Tuổi Trẻ đến Nepal
Trong hai ngày 6 và 7-5, số tiền bạn đọc báo Tuổi Trẻ quyên góp cho các nạn nhân trong trận động đất ở Nepal đã được trao cho các gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn và mất hết nhà cửa sau thảm hoạ.
PV báo Tuổi Trẻ (bìa trái) tặng quà của bạn đọc báo cho người dân Nepal sau trận động đất (ảnh chụp sáng 7-5) – Ảnh: Prabal Saakha |
Tôi không biết nói gì hơn, từ tận đáy lòng tôi cảm ơn những người bạn Việt Nam xa xôi đã dang tay giúp đỡ chúng tôi |
Ông Thakur Acharya – một người dân Nepal |
Gần hai tuần đã trôi qua ở Nepal sau trận động đất lịch sử hôm 25-4, thủ đô Kathmandu đã đông đúc hơn mặc dù nhiều cửa hàng chưa mở cửa lại hoàn toàn. Theo chính quyền Nepal, tính đến nay số người thiệt mạng được ghi nhận là 7.759 người và số người bị thương là hơn 16.000 người.
Tuy nhiên, Kathmandu không phải là nơi thiệt hại nặng nhất. Thủ đô của Nepal có nhiều nhà cửa kiên cố nên số nhà bị sập tại đây không quá nhiều. Trong khi đó, ở các làng bên ngoài Kathmandu và những nơi khác, nhiều gia đình đang phải sống trong lều trại gần hai tuần qua vì nhà cửa của họ giờ đây chỉ là đống gạch vụn.
Mất nhà đã đành, có người mất luôn cả nguồn sinh nhai từ chính ngôi nhà họ sống. Họ là số ít trong rất nhiều gia đình cần đến sự giúp đỡ trong lúc này.
Phóng viên Tuổi Trẻ trao quà cho cụ bà Radha Devi Shrestha, 90 tuổi, ở Bhaktapur Ảnh: Prababl Saakha |
Hành động nhanh chóng
Chiều 7-5, chị Võ Thị Kim Cương, chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam ở Kathmandu, đáp chuyến bay hạ cánh xuống Nepal, đem theo số tiền bước đầu 5.000 USD mà bạn đọc báo Tuổi Trẻ quyên góp cho các nạn nhân động đất.
Số tiền tuy không nhiều trong hoàn cảnh Nepal lâm vào khủng hoảng như hiện nay nhưng là tấm lòng của người Việt Nam, thể hiện tinh thần tương thân tương ái vốn có, phần nào giúp được các nạn nhân trang trải chi phí trong cuộc sống sắp tới khi ngôi nhà của họ chưa được xây lại. Số tiền 5.000 USD được trao cho 20 gia đình khó khăn ở các làng bên ngoài Kathmandu.
Mỗi gia đình nhận được một phần quà trị giá 50 USD và 200 USD tiền mặt (tương đương 20.000 rupee Nepal).
Chuyện mua quà gì cho các gia đình nạn nhân trong hoàn cảnh này cũng được thảo luận kỹ từ Việt Nam với phóng viên Tuổi Trẻ đang tác nghiệp tại Nepal.
Doanh nhân người Nepal Prabal Saakha, người hỗ trợ nhiệt tình chuyến cứu trợ của báo Tuổi Trẻ, gợi ý nên mua mền cho các nạn nhân bởi trong lúc này ở Nepal trời trở lạnh vào ban đêm. Màn chống muỗi lớn dạng lều có thể xếp gọn cũng là món đồ cần thiết đối với các gia đình nạn nhân trong một tháng tới.
Đó là thời điểm mùa mưa đến và màn chống muỗi sẽ giúp họ không mắc bệnh trong tình cảnh phải sống trong lều ngoài đường.
Một vật dụng khác cũng rất hữu ích là đèn điện dùng năng lượng mặt trời. Anh Prabal nói sống trong lều ngoài trời vào ban đêm sẽ không có điện và đèn dùng năng lượng mặt trời sẽ giúp họ thắp sáng lều vào ban đêm. Những thứ khác như bình nước giữ ấm và cặp lồng (cà mèn) sẽ giúp họ đựng đồ ăn thức uống hợp vệ sinh, tránh các bệnh về tiêu hoá.
Chuyến cứu trợ cũng được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính những người Nepal. Những nhân viên trong Tập đoàn Saakha của anh Prabal tình nguyện đi theo xe chở đồ cứu trợ để trợ giúp dẫn đường và xách những món quà là tình cảm của người dân Việt Nam gửi gắm đến người dân Nepal. Tập đoàn Saakha cũng hỗ trợ xe đi lại cho chuyến cứu trợ lần này.
Cụ ông Biku Narayan Shrestha, 99 tuổi, rất xúc động khi nhận quà từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Prabal Saakha |
Gần như trắng tay sau động đất
Tại làng Badikhel bên ngoài thủ đô Kathmandu, nhiều nhà cửa của người dân bị đổ sập hoàn toàn. Tại nơi mà người dân sống chủ yếu nhờ vào nghề nông như ở đây, nhà cửa cũ kỹ được xây từ rất lâu bằng gạch và bùn đất.
Những ngôi nhà yếu như thế không thể chống chọi được cơn giận dữ của thiên nhiên. Những nhà còn đứng được thì hư hại đến mức chỉ còn cách đập đi xây lại. Gia đình ông Thakur Acharya là một trong số đó.
Quanh năm sống bằng nghề nông với thu nhập chỉ chừng 1.000 USD/năm (tức chưa đầy 100 USD/tháng), số tiền có được chỉ đủ để nuôi năm miệng ăn gồm ông, mẹ ông, vợ và hai con gái. Khi nhà ông bị đổ sập, gạch đá đã vùi lấp một phần vụ mùa của gia đình. Khi còn hai tháng nữa là đến vụ mùa mới, ông chẳng còn tâm trí đâu để làm nông.
Ưu tiên trước mắt là cả gia đình phải gắng gượng tìm cách xây một nơi trú tạm bởi an cư mới lạc nghiệp. Trước mắt, vụ mùa tới ông không còn trông chờ gì vào việc thu hoạch.
“Tôi không biết nói gì hơn, từ tận đáy lòng tôi cảm ơn những người bạn Việt Nam xa xôi đã dang tay giúp đỡ chúng tôi” – ông nói và cho biết với số tiền 200 USD dành cho gia đình mình cộng với các khoản quyên góp từ các mạnh thường quân khác, trước mắt ông sẽ xoay xở để xây một mái ấm mới.
Mặc dù mất hết nhà cửa, vụ mùa sắp tới không còn hi vọng, trong ánh mắt ông và những người trong gia đình vẫn là sự lạc quan vốn có của người Nepal.
Trường hợp của cụ ông Biku Narayan Shrestha lại là một câu chuyện kỳ diệu khác. Cụ ông đã 99 tuổi này thoát chết kỳ diệu trong trận động đất ngày 25-4. Nhà ông ở Sakhu bên ngoài Kathmandu bị sập một mảng tường lớn và ông bị rơi từ tầng 3 xuống đống đổ nát. May sao, ông không thiệt mạng nhưng bị thương nặng ở chân cùng các vết thương ở đầu, tay và mình.
Hiện ông đang được điều trị tại Bệnh viện Sushma Koirala ở Sakhu. Cụ ông 99 tuổi này không nói được gì mấy nhưng thỉnh thoảng vẫn nở nụ cười trên môi. Gia đình ông nói sẽ dùng hết số tiền mà bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao tặng để tập trung chữa trị cho ông. Riêng ngôi nhà của họ phải đập đi xây lại từ đầu vì không còn thể ở được nữa.
Cụ bà Radha Devi Shrestha, 90 tuổi, ở Bhaktapur cũng là một nạn nhân thảm hoạ. Khi động đất xảy ra, cụ được con cháu đưa ra khỏi nhà nhưng trong lúc xuống cầu thang do quá hoảng loạn, cụ bị ngã gãy tay. Hiện cụ đang bó bột tạm đợi bác sĩ theo dõi sức khoẻ rồi tiến hành mổ.
Bác sĩ nói sức khỏe cụ quá yếu, chưa thể mổ được. Nhà cụ bị sập hoàn toàn nên giờ cụ phải sống nhờ người họ hàng. Con trai cụ cảm ơn tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và nói với số tiền có được, anh sẽ tập trung chữa trị cho cụ.