11/01/2025

Không nên dùng dự trữ ngoại hối để cho vay

Lần đầu tiên Chính phủ đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển. Đề xuất này đang gây ra những tranh luận trái chiều nhưng đa số đều cho rằng quá rủi ro.

 

Không nên dùng dự trữ ngoại hối để cho vay

 

 

Lần đầu tiên Chính phủ đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển. Đề xuất này đang gây ra những tranh luận trái chiều nhưng đa số đều cho rằng quá rủi ro.

 

 

Không nên dùng dự trữ ngoại hối để cho vayĐầu tư phát triển là các khoản vay dài hạn – Ảnh: Lê Hiếu
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét, dù lần đầu tiên nhưng đây là một đề xuất không lạ. Bởi Nghị định 50 của Chính phủ (ban hành ngày 20.5.2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) đã cho phép sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của nhà nước. Theo đó, dự trữ ngoại hối là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu nhà nước được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp quản lý.
Căn cứ theo quy định này, việc ngân sách có thể vay từ dự trữ ngoại hối là không hề trái luật. Điều này cũng được ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, từng đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, dẫn ra và dựa vào đó Chính phủ có quyền sử dụng dự trữ ngoại hối cho vay.
Rủi ro cao
 
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đặt vấn đề: “Tại sao Chính phủ cần ngoại tệ? Nếu cần sao Chính phủ không đi mua ngoại tệ trên thị trường? Việc vay mượn cho thấy Chính phủ cần tiền hơn là cần ngoại tệ. Và sau khi vay xong (nếu vay được), tiêu dùng trong nước thì không thể dùng ngoại tệ, việc bán ngoại tệ ra sẽ gây áp lực lên tỷ giá, làm lên giá đồng nội tệ, ảnh hưởng đến cán cân thương mại của VN. Từ đầu năm VN đã thâm hụt khoảng 3 tỉ USD. Nếu xảy ra, NHNN buộc phải mua vào ngoại tệ để ổn định tỷ giá, tạo ra một cái vòng luẩn quẩn”.
 
 

Không trái luật, nhưng theo TS Vũ Đình Ánh, vay nợ từ dự trữ ngoại hối là Chính phủ tự vay chính mình. Như vậy chẳng khác gì việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ngoài ra, theo ông, tiêu chí như thế nào được coi là nhu cầu đột xuất hay cấp bách của nhà nước vẫn chưa rõ, nhưng vay đầu tư phát triển khó thể nằm trong diện này. Đó là chưa kể, việc cho vay (nếu có) còn phải “thoả” được 3 nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối của Nghị định 50. Thứ nhất là bảo toàn, nghĩa là bảo đảm an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước. Thứ hai là thanh khoản. Thứ ba là sinh lời cho quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, lịch sử quản lý nợ công, quản lý đầu tư công gây thất thoát lớn cho thấy mức độ rủi ro của việc vay nợ là cao, đảm bảo bảo toàn vốn cho quỹ dự trữ là thách thức lớn.

Theo TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, diễn biến chính của việc Chính phủ muốn vay đầu tư từ nguồn dự trữ ngoại hối có nguyên nhân lớn từ việc luôn bội chi ngân sách. Đồng thời gần đây, lượng vốn ODA cam kết giải ngân đang cần vốn đối ứng, nên Chính phủ cần một lượng ngoại tệ.
Không nên cho vay
Theo các chuyên gia, hầu hết các quốc gia quản lý dự trữ ngoại hối đều phục vụ cho các mục tiêu cơ bản, gồm thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá, duy trì tính thanh khoản của thị trường ngoại hối, dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp mang tính quốc gia. Vì vậy đề xuất vay đầu tư phát triển là không ổn trên nhiều phương diện.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải chờ đợi làm rõ trong đề xuất này, chẳng hạn việc cụ thể hóa các phương thức vay trả nợ, cơ chế cho vay trả nợ như thế nào, thời hạn bao lâu, quy mô vay bao nhiêu, phát hành công cụ tài chính vay nợ ra sao, lãi suất tính như thế nào… Theo ông, một số quốc gia có đưa ra phương cách để sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ hiệu quả, chẳng hạn như đi đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, nếu đúng theo khái niệm dự trữ ngoại tệ của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) thì không thể cho vay, và việc cho vay nằm ngoài chức năng của quỹ dự trữ ngoại hối của một quốc gia.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, khẳng định không có định nghĩa nào cho dự trữ ngoại hối đi tài trợ vốn đầu tư phát triển quốc gia. Ý định vay mượn dự trữ ngoại hối để đầu tư không ổn trên nhiều phương diện. Ở phương diện lý luận, quỹ dự trữ ngoại hối là dùng cho mục tiêu khác, một trong những mục tiêu đó là ổn định tỷ giá, ứng phó với các rủi ro tấn công tiền tệ, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. Giai đoạn năm 2009 – 2010, tình hình tỷ giá cực kỳ căng thẳng, một số phân tích cho thấy VN đã chịu rủi ro của cuộc tấn công tiền tệ. Trước năm 2008, dự trữ ngoại hối VN có lúc lên đến 22 – 23 tỉ USD, sau giai đoạn đó, nguồn dự trữ xuống thấp, chỉ còn khoảng 10 – 12 tỉ USD. Điều đó cho thấy, để ứng phó tình hình “dầu sôi lửa bỏng”, NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ cực kỳ lớn để bình ổn thị trường.
Ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ
Theo NHNN, dự trữ ngoại hối của VN tính đến năm 2014 khoảng 35 tỉ USD, mức này gọi là tạm an toàn nhưng chưa phải dư dả. Vấn đề nằm là dự trữ ngoại hối có được từ thặng dư tài khoản vãng lai, cán cân thương mại, dòng vốn FDI… Trong khi lâu nay, VN luôn thâm hụt cán cân thương mại. Còn thặng dư tài khoản vốn là từ nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào, là dòng tiền đầu tư tạm thời mà trong tương lai có thể họ sẽ rút vốn, chuyển lợi nhuận, cổ tức… Chính vì vậy, NHNN luôn phải mua ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối khi các luồng vốn đổ vào VN nhằm duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và bán ra khi các khoản vay đến hạn trả nợ; hoặc có hiện tượng đảo chiều của các luồng vốn ngắn hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Đây là lý do quan trọng mà theo TS Phạm Thế Anh, không thể trông cậy vào dự trữ ngoại hối mà chi tiêu hay cho vay. Hơn nữa, quỹ dự trữ ngoại hối khó thể nói là lớn hay nhỏ mà quy mô này phụ thuộc vào nhu cầu thanh toán quốc tế của quốc gia đang ngày càng tăng lên, cần dự trữ ngoại hối để thanh toán, trả cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, những khoản nợ vay đến hạn… Nếu không đủ ngoại tệ thanh toán, có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất là phá giá đồng nội tệ, mất khả năng thanh khoản. “Vay đầu tư phát triển là những khoản vay dài hạn, trong khi nếu vay từ quỹ dự trữ ngoại hối, nếu được, chỉ được ngắn hạn. Ở hầu hết các nước, việc vay mượn thường là những trường hợp như Chính phủ rơi vào nguy cơ vỡ nợ, phá sản, hoặc trường hợp cần thiết kích thích kinh tế mạnh mẽ”, TS Anh nói.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng đồng ý là bản chất nguồn dự trữ ngoại hối là khoản nợ phải trả cho khu vực nước ngoài, vì vậy cho vay càng không ổn. Thêm nữa, vay để đầu tư phát triển thì phải là nhu cầu vay dài hạn. Trong khi vay từ dự trữ ngoại hối, Chính phủ phải trả lại cho NHNN để ứng phó với thị trường và an ninh tiền tệ.

Hồng Sương