Vì sao ngân sách phải vay dự trữ ngoại hối?
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển.
Vì sao ngân sách phải vay dự trữ ngoại hối?
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển.
Chính phú đưa ra chỉ đạo trên trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2015.
Ông Vũ Đình Ánh – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Vì sao ngân sách lại phải đi vay dự trữ ngoại hối? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, phân tích:
– Chính phủ có nêu ngân sách vay dự trữ ngoại hối để bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Theo tôi, chỉ đạo này đặt ra hàng loạt vấn đề.
Cụ thể, đối với vay để đầu tư phát triển thì cần xem xét lại vì nếu vay để đầu tư phát triển thì sẽ phải vay dài hạn. Trong khi đó, hai tiêu chí cho quản lý ngoại hối là bảo toàn và tính thanh khoản.
Với tính thanh khoản, tôi cho rằng có lo ngại không đảm bảo được khi dự trữ ngoại hối cần thực hiện theo đúng mục tiêu của nó thì khả năng thu hồi khoản vay ngay rất thấp.
Vốn cho vay để đầu tư phát triển phải có thời gian dài mới thu hồi được chứ không thể ngày một ngày hai hay tháng trước tháng sau. Đó là chưa kể đến việc nếu dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay thì lãi suất là bao nhiêu?
Cần phải nói thêm khoản vay mà ngân sách dự kiến sẽ vay từ nguồn dự trữ ngoại hối có tính vào nợ công hay không?
Nếu tính vào nợ công thì tính vào nợ nào, có phải gọi là nợ Chính phủ không vì đây là Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đi vay Ngân hàng Nhà nước mà Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ giữ dự trữ ngoại hối? Theo quy định, có ba khoản được tính vào nợ công là nợ của Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
* Văn bản pháp lý hiện hành quy định ngân sách được vay dự trữ ngoại hối, do đó việc ông lo ngại có quá mức hay không?
– Đúng là tại nghị định 50 năm 2014 có quy định Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước cho nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại sao ngân sách lại phải đi vay mà trường hợp này là vay bằng ngoại tệ. Bởi thông thường người ta phải đi vay bằng ngoại tệ chỉ khi phải trả nợ nước ngoài mà không có nguồn.
Mặt khác là các công trình đầu tư sẽ phải nhập khẩu rất nhiều thì mới phải vay bằng ngoại tệ. Tóm lại, cơ quan quản lý cần phải giải thích tại sao ngân sách phải đi vay bằng ngoại tệ?
Tôi xin nói rõ hơn là tại nghị định 50 quy định rất cụ thể rằng khi có nhu cầu đột xuất, cấp bách thì ngân sách mới vay dự trữ ngoại hối. Điều này được hiểu là việc xảy ra quá bất ngờ mà người ta không thể đối phó, xoay xở được thì mới đi vay. Tôi cho rằng có thể xem đây là đi vay nóng để xử lý tình thế và sẽ trả nợ ngay.
Còn rõ ràng, việc ngân sách đi vay dự trữ ngoại hối để bổ sung vốn đầu tư phát triển không thể nói là nhu cầu đột xuất, cấp bách được.
Về mặt nguyên tắc, dự trữ ngoại hối là phải đảm bảo tính thanh khoản rất lớn. Bởi dự trữ ngoại hối dùng để đối phó với những bất ổn liên quan đến cán cân thanh toán và tỉ giá chứ không phải là quỹ đầu tư.
* Theo ông, để có vốn phục vụ đầu tư phát triển, việc ngân sách vay bằng ngoại tệ từ dự trữ quốc gia có rủi ro gì không?
– Từ trước đến nay, chúng ta vay vốn cho đầu tư phát triển bằng phát hành trái phiếu đồng nội tệ có kỳ hạn 5-10 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ thì có những rủi ro về tỉ giá. Đó là chưa kể vấn đề về thanh khoản khi dự trữ ngoại hối có nhu cầu theo đúng mục tiêu về cán cân thanh toán hay ổn định tỉ giá thì ngân sách sẽ lấy đâu ra ngoại tệ để hoàn trả.
Bên cạnh đó, như ở nhiều nước, ngân hàng trung ương – người cầm dự trữ ngoại hối, có vai trò độc lập với chính phủ. Nên chính phủ mà yêu cầu ngân hàng trung ương cho vay từ nguồn dự trữ ngoại hối thì đảm bảo nguyên tắc là người đi vay và cho vay là độc lập.
Trong khi đó, ở VN, khó nhất trong câu chuyện này ở chỗ người đi vay là Bộ Tài chính và người cho vay là Ngân hàng Nhà nước đều thuộc Chính phủ. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất trong câu chuyện này chính là không có sự độc lập khi quan hệ vay mượn.
* Ông Trương Văn Phước (phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia): Phải đảm bảo nhu cầu thanh toán quốc tế Việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét nghiên cứu cơ chế cho ngân sách được vay ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước, đã được thể chế hóa trong văn bản pháp luật. Đó là pháp lệnh sửa đổi bổ sung pháp lệnh ngoại hối năm 2013, nghị định 50 năm 2014. Thực tế những năm qua cho thấy nhu cầu vốn phát triển kinh tế rất lớn trong khi điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn. Và chúng ta phải cân đối rất nhiều nguồn lực kể cả vay thông qua phát hành trái phiếu trong nước, vay tiền đồng, phát hành trái phiếu ngoại tệ nước ngoài… để phục vụ đầu tư phát triển. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối liên tục tăng một cách ổn định. Chính vì vậy, dự trữ ngoại hối được tính toán sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu thanh toán chi trả để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời mức dôi dư vẫn đảm bảo ngân sách có thể sử dụng đáp ứng các nhu cầu của mình. Điều này đặt ra câu chuyện vay bao nhiêu và vay trong bao lâu? Tôi nghĩ rằng ba cơ quan Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để tìm ra lời giải cho câu hỏi trên kèm theo một ràng buộc rất khắt khe: dự trữ ngoại hối phải là nguồn dự trữ đáp ứng được các nhu cầu thanh toán chi trả quốc tế kịp thời. Bài toán này chúng ta có thể xử lý được. Vì hiện nay kinh tế vĩ mô của chúng ta và tỉ giá hối đoái tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt mức cao là 6,03%. Do đó trên nền cơ sở pháp lý vững chắc và thực tế có nhiều yếu tố thuận lợi, tích cực của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là dự trữ ngoại hối liên tục tăng ở mức ổn định thì việc ngân sách tính toán sử dụng dự trữ ngoại hối là hợp lý. |