08/01/2025

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 10

Bỏ thi nói trong tuyển học sinh chuyên ngữ, cho phép trường ngoài công lập được phép tuyển vượt chỉ tiêu, là những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội.

 

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 10

 

Bỏ thi nói trong tuyển học sinh chuyên ngữ, cho phép trường ngoài công lập được phép tuyển vượt chỉ tiêu, là những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội.



 

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc ThắngHọc sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm học 2015 – 2016, sở tham mưu với UBND thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 bình quân là 40 học sinh (HS)/lớp. Trong đó có 109 trường công lập với 52.060 HS chiếm tỷ lệ 61,4%, trường công lập tự chủ tài chính 1,9%, trung tâm GDTX 8,8%, trường ngoài công lập 17,6%.
6 lý do bỏ thi nói chuyên ngữ
Một trong những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay ở Hà Nội là sẽ bỏ phần thi kỹ năng nói ngoại ngữ trong tuyển sinh vào chuyên ngữ ở các trường THPT chuyên. HS thi chuyên ngữ chỉ phải làm bài thi trên giấy với 2 phần: trắc nghiệm và tự luận.
Có ý kiến cho rằng đây là quyết định mang tính “tụt lùi” của Sở GD-ĐT Hà Nội khi mà toàn ngành và xã hội đòi hỏi phải thay đổi việc dạy và học ngoại ngữ chú trọng đến cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) thay vì chỉ chú trọng thi ngữ pháp như trước đây. Từ năm học 2012 – 2013, Hà Nội được xem là địa phương tiên phong khi đưa kỹ năng nói để tuyển sinh HS chuyên ngữ cấp THPT.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau 3 năm thực hiện thi nói trong tuyển sinh vào lớp 10 chuyên ngữ, có 6 lý do quyết định bỏ phần thi này.
Thứ nhất, việc thay đổi về cấu trúc đề thi có cả phần tự luận và trắc nghiệm nên chỉ cần kiểm tra nghe – đọc – viết là đã có thể đánh giá được về kỹ năng nói của HS. Kế đến, việc bỏ thi nói nhằm giảm bớt áp lực thi cử cho HS dự thi môn chuyên ngữ. Thứ ba, sẽ giảm chi phí cho kỳ thi. Việc có thêm phần thi nói sẽ thêm rất nhiều chi phí từ khâu làm đề, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức coi thi, chấm thi. Thêm nữa, bỏ thi nói cũng loại trừ được những tiêu cực có thể phát sinh. Giáo viên chấm thi nói (qua băng ghi âm) có thể nhận ra giọng nói HS hoặc người thân của mình nên dẫn tới việc chấm sai lệch và cho kết quả không công bằng với tất cả HS. Thứ năm, hiện nay Hà Nội vẫn còn một số ít giáo viên ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu của việc chấm thi nói. Cuối cùng, HS không chỉ học ngoại ngữ trong nhà trường mà học ở nhiều nơi, học với giáo viên nước ngoài nên nếu giáo viên cứ áp đặt cách nói của mình mà chấm cho HS thì có thể sẽ xảy ra tình huống giáo viên chấm chưa chuẩn xác, gây thiệt thòi cho người học.
Cho phép trường ngoài công lập tuyển vượt chỉ tiêu
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi Sở GD-ĐT, cho biết điểm khác biệt so với các năm trước là năm nay sở cho phép các trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập được phép tuyển vượt chỉ tiêu mà sở giao.
Cụ thể, với trường có quy mô tuyển sinh 5 lớp 10 trở xuống sẽ được tuyển vượt chỉ tiêu không quá 20%. Trường có quy mô 6 lớp 10 trở lên thì sẽ tuyển vượt không quá 10%.
Các năm trước, một số trường ngoài công lập có uy tín vẫn tuyển vượt quá chỉ tiêu, trong đó có nhiều HS ngoại tỉnh. Để đảm bảo tính tự chủ nhất định của các loại hình trường này, sở cho phép tuyển vượt chỉ tiêu, miễn là các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, đủ giáo viên, không vượt sĩ số so với quy định…
Năm nay, Hà Nội vẫn duy trì phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển dựa trên kết quả học lực 4 năm THCS. Theo ông Phạm Khắc Lợi, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, chậm nhất đến ngày 10.5 các trường THCS phải hoàn tất việc vào điểm và công nhận kết quả học tập của HS. Cũng theo ông Lợi, đến 15.5, tất cả các trường THCS phải niêm phong sổ điểm chính của khối lớp 9, chỉ khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra thì mới được mở niêm phong.
Tại hội nghị về thi và tuyển sinh do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc sở, lưu ý các năm trước vẫn có đơn thư, phản ánh còn hiện tượng các trường THCS vận động HS có học lực trung bình, yếu không thi vào lớp 10 THPT vì sợ đối tượng này trượt sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường, của phòng GD-ĐT quận, huyện đó. Năm nay, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tuyệt đối không để tình trạng này tiếp diễn. Việc định hướng, phân luồng cho HS bằng cách tuyên truyền nhưng quyết định chọn thi vào loại hình trường THPT hay trường nghề… là quyền của HS.
“Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường ngăn cản các em trong quá trình đăng ký dự thi”, ông Đại nói.
Tư vấn trực tuyến truyền hình: Để đăng ký nguyện vọng chính xác vào lớp 10
Vào 14 giờ 30 ngày 4.5, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình về tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng có kinh nghiệm các trường THPT, THCS sẽ hướng dẫn học sinh cách chọn 3 nguyện vọng chính xác, giải đáp những băn khoăn về đề thi, chế độ hỗ trợ học nghề…
Ban tư vấn gồm: ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT; bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1); ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3); ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1); ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) và đại diện hệ thống Trường quốc tế Á Châu.
Bạn đọc quan tâm có thể đến Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (số 3 Công trường Quốc tế, Q.3) tham dự trực tiếp hoặc đặt câu hỏi tại: www.thanhnien.com.vn
Thanh Niên

Đà Nẵng: Nhiều chế độ tuyển thẳng HS giỏi
Năm nay, Đà Nẵng có nhiều chế độ dành cho HS tuyển thẳng vào lớp 10. HS khuyết tật có giấy xác nhận do hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cấp, đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục thuộc thành phố; HS đoạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi quốc gia năm lớp 9 về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… do Bộ GD-ĐT tổ chức; HS dân tộc thiểu số có hộ khẩu tại xã Hòa Bắc và Hòa Phú, HS người Kinh có hộ khẩu thôn Tà Lang, Giàn Bí (Hòa Bắc) được tuyển thẳng vào THPT Phạm Phú Thứ hoặc THPT Ông Ích Khiêm; HS thôn Hòa Vân chuyển vào P.Hòa Hiệp Bắc năm 2012 được tuyển thẳng vào Trường THPT Nguyễn Trãi hoặc THPT Liên Chiểu; HS khuyết tật học hòa nhập tại THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được tuyển thẳng vào THPT Nguyễn Thượng Hiền. Ngoài ra, HS giỏi các quận sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường THPT trên địa bàn.
TP.HCM: Đổi mới cách ra đề
Năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 11 – 12.6, sớm hơn 10 ngày so với những năm trước. Điểm đặc biệt quan trọng trong kỳ tuyển sinh năm nay là đổi mới cách ra đề theo hướng tăng cường khả năng vận dụng của thí sinh, trong đó, ngữ văn sẽ là môn có sự đổi mới mạnh mẽ nhất.
Với môn ngữ văn, yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp từ 20 – 30% và yêu cầu vận dụng cao từ 70 – 80% trên tổng số điểm của bài thi. Đề thi môn này có những vấn đề thời sự để thí sinh thể hiện chính kiến của mình.
Bình Định: Sau ngày 10.5 công bố chỉ tiêu tuyển sinh
Ngày 27.4, Sở GD-ĐT Bình Định cho biết các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT sẽ được công bố chính thức sau ngày 10.5. Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có chỉ tiêu tuyển sinh không quá 290 HS vào 7 lớp chuyên và 1 lớp không chuyên. HS dự thi vào các trường Quốc học Quy Nhơn và THPT Trưng Vương; THPT số 3 Phù Cát và Nguyễn Hữu Quang; THPT Hoài Ân và Nguyễn Bỉnh Khiêm được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng (nguyện vọng 1 tại trường đó và nguyện vọng 2 ở trường còn lại).
Cần Thơ, Cà Mau: Tuyển sinh theo 2 hình thức
Cần Thơ áp dụng thi tuyển đối với các trường THPT công lập thuộc 4 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và Trường THPT Thực hành sư phạm (trực thuộc Trường ĐH Cần Thơ). Sau khi có kết quả thi, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng sẽ tuyển sinh trước. Những thí sinh không trúng tuyển sẽ được chuyển kết quả thi để xét tiếp nguyện vọng 2, 3 cùng lúc với số thí sinh chỉ tham gia thi tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn. Các trường còn lại áp dụng hình thức xét tuyển.
Ở Cà Mau, Trường chuyên Phan Ngọc Hiển sẽ tổ chức thi tuyển dự kiến ngày 16 – 17.6, thí sinh sẽ thi 4 môn: toán, văn, ngoại ngữ và môn chuyên. Có 13 trường thi tuyển hai môn văn và toán, 19 trường, 8 trung tâm GDTX xét tuyển vào lớp 10.
Bến Tre: Thi vào trường chuyên phải qua vòng sơ tuyển
Thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Bến Tre phải thi 4 môn: văn, toán, tiếng Anh và môn chuyên. Thí sinh phải trải qua vòng sơ tuyển vào ngày 11.6 (nhận đơn đăng ký dự thi từ 1 – 10.6). Đối với các trường THPT không chuyên, thí sinh thi 3 môn gồm văn, toán và môn thứ ba sẽ thông báo sau.
Thanh Niên

Tuệ Nguyễn