08/01/2025

Doanh nghiệp ôtô lại đòi giảm thuế

Ngày 27-4, tại buổi đối thoại với doanh nghiệp ôtô, Bộ Công thương cho biết sẽ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngành ôtô trong thời gian tới.

 

Doanh nghiệp ôtô lại đòi giảm thuế

 

Ngày 27-4, tại buổi đối thoại với doanh nghiệp ôtô, Bộ Công thương cho biết sẽ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngành ôtô trong thời gian tới. 




 

 

Lắp ráp ôtô tại một doanh nghiệp – Ảnh: L.Nam

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ ngành ôtô.

Dù khẳng định thị trường ôtô VN năm 2014 tăng trưởng 35%, cao hơn cả Thái Lan, nhưng ông Phạm Anh Tuấn, vụ phó Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, thừa nhận ngành công nghiệp ôtô VN đến nay chỉ mới ở lắp ráp giản đơn.

Nhiều ưu đãi cho các dòng xe ưu tiên

Để tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô VN, theo ông Tuấn, thời gian tới sẽ có chính sách ưu đãi cho ba dòng xe ưu tiên là: xe tải nhỏ đa dụng và xe khách tầm trung, ngắn; xe đến chín chỗ kích thước nhỏ, giá rẻ, tiêu thụ ít năng lượng; xe chuyên dùng như chở bêtông, xe nông dụng đa chức năng…

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp sản xuất ba dòng xe trên nếu đáp ứng các điều kiện sẽ được ưu tiên hỗ trợ chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại theo chương trình thương mại quốc gia, đặc biệt tổ chức, cá nhân mua xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ đa chức năng sẽ được hỗ trợ…

Ngoài ra, dự án đầu tư sản xuất ba dòng xe ưu tiên cũng sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, phát triển từ Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ quốc gia…

Theo ông Tuấn, dù lộ trình thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm, đến năm 2018 còn 0% nhưng với các hiệp định thương mại tự do khác, VN vẫn giữ thuế nhập khẩu trung bình xe nguyên chiếc là 50% từ năm 2019.

“Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung khuyến khích các dự án công suất tối thiểu 100.000 xe/năm” – ông Tuấn khẳng định.

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải, thừa nhận thị trường ôtô VN thời gian qua là CKD (nhập khẩu linh kiện về lắp ráp), doanh nghiệp nào đầu tư mạnh về CKD, làm tốt phân phối, dịch vụ, tổ chức sản xuất thì phát triển.

Chỉ còn khoảng ba năm là tới thời điểm thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN sẽ còn 0%, do đó ông Dương đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại năng lực phát triển của các doanh nghiệp và phải “đánh giá nghiêm túc, chứ cứ nghe báo cáo, báo cáo không phải là chính xác”.

Theo ông Dương, doanh nghiệp nào cần hỗ trợ thì phải làm dự án rõ ràng. “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 7-2014 nhưng đến nay chưa có định hướng chính sách cụ thể để doanh nghiệp triển khai” – ông Dương nhắc.

Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch Công ty Vinaxuki, bức xúc cho rằng chính sách của VN thời gian qua chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư. Theo ông Huyên, doanh nghiệp chỉ cần chính sách rõ ràng và công bằng.

Thế nhưng, các chính sách đối với ngành ôtô làm doanh nghiệp mất lòng tin do nhiều chính sách hỗ trợ nhưng không thực thi. Ông Huyên cho biết đã quyết định đầu tư vào ôtô bởi hi vọng sẽ được ưu đãi vốn vay theo chính sách dành cho ngành cơ khí.

Tuy nhiên, dù đầu tư công nghệ cao nhưng doanh nghiệp này đã không được vay vốn ưu đãi theo quy định… “Đến bây giờ không được gì. Phải bán 5.000 tấn sắt vụn” – ông Huyên nói.

Nên giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nội?

Để phát triển công nghiệp ôtô VN, ông Trần Bá Dương cho rằng VN phải có thuế nhập khẩu linh kiện phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể duy trì sản xuất khi thuế xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm dần về 0%.

Theo ông Dương, Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện và “dự án sản xuất lớn, có tỉ lệ nội địa hóa, xuất khẩu được… thì nên có ưu đãi”, bởi không nước nào trong ASEAN mở toang cánh cửa mà tất cả đều có hàng rào bảo hộ.

Ngoài ra, ông Dương đề nghị Bộ Tài chính nên xem lại thuế tiêu thụ đặc biệt bởi xe lắp ráp bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá xe xuất xưởng, bao gồm cả lợi nhuận nhà sản xuất.

Trong khi đó xe nhập nguyên chiếc lại tính thuế trên giá xe nhập về, chưa có phí marketing, lợi nhuận… Ông Dương khẳng định ông không sợ thuế nhập khẩu giảm xuống 30% hay 0% mà “sợ nhất chuyển giá”.

Ông Bùi Ngọc Huyên cũng đề nghị thuế tiêu thụ đặc biệt nên đánh vào phụ tùng nhập khẩu. “Nếu doanh nghiệp VN sản xuất ra phụ tùng vẫn bị đánh thuế thì rất thiệt” – ông Huyên nói.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Yoshihisa Maruta – tổng giám đốc Toyota VN – khẳng định về dài hạn công nghiệp ôtô VN là có tiềm năng.

Theo ông Yoshihisa Maruta, trong khi ngành sản xuất trong nước chưa đủ cạnh tranh thì đã gặp thuế bằng 0%, nên chính sách hỗ trợ là hết sức quan trọng để bảo vệ được ngành sản xuất trong nước đến khi quy mô thị trường đủ lớn.

Giải thích lý do không tăng được tỉ lệ nội địa hóa, ông Yoshihisa Maruta cho rằng với sản lượng đang sản xuất khó có thể nâng tỉ lệ nội địa hoá, dù từng nhà sản xuất luôn nỗ lực giảm chi phí sản xuất qua việc nâng nội địa hóa.

“Muốn phát triển công nghiệp ôtô VN và cạnh tranh được với quốc gia lân cận, cần tăng dung lượng thị trường, không phải sản lượng chung mà sản lượng từng mẫu xe” – ông Yoshihisa Maruta nói.

Tuy nhiên, theo ông Đào Phan Long – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, chính bản thân doanh nghiệp VN phải làm công nghiệp ôtô cho mình thay vì trông chờ các doanh nghiệp nước ngoài.

“Các chính sách ưu đãi chỉ nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nào đã làm ăn được, không thể toàn dân làm ôtô. Các doanh nghiệp cũng cần hợp tác với nhau” – ông Long nói. 

Doanh nghiệp ôtô “chết” trước khi được hưởng ưu đãi

Ông Hồ Mạnh Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty Honda VN, cho rằng với dân số lý tưởng, tốc độ phát triển GDP thuận lợi, VN hoàn toàn có thể phát triển ngành công nghiệp ôtô. 

Tuy nhiên đến năm 2018, thuế nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% trong khi VN định hướng phát triển các dòng xe nhỏ và hiện đại, phải nhập linh kiện từ các nước phát triển nên sẽ phải chịu thuế lớn.

Do đó ông Tuấn đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô từ các thị trường khác. 

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng VN đang ưu đãi doanh nghiệp các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi các dự án mới đầu tư thường lỗ, mất 5-10 năm thu hồi vốn. Do đó chờ đến khi được hưởng ưu đãi thuế này, nhiều doanh nghiệp có thể đã “chết” rồi…  

CẦM VĂN KÌNH