08/01/2025

Honda VN chưa nộp ngân sách 200 tỉ đồng

Cơ quan thuế đã truy thu, yêu cầu nộp bổ sung và phạt Công ty Honda VN (HVN) gần 400 tỉ đồng. HVN mới nộp ngân sách 182 tỉ đồng, còn khoảng 200 tỉ đồng.

 

Honda VN chưa nộp ngân sách 200 tỉ đồng

 

Cơ quan thuế đã truy thu, yêu cầu nộp bổ sung và phạt Công ty Honda VN (HVN) gần 400 tỉ đồng. HVN mới nộp ngân sách 182 tỉ đồng, còn khoảng 200 tỉ đồng.




 

 

Lắp ráp xe máy tại Nhà máy Honda VN – Ảnh: LÊ NAM

Chiều qua 26-4, trao đổi với Tuổi Trẻ thông tin về việc xử lý nợ thuế của Công ty Honda VN (HVN) mà báo chí đề nghị Bộ Tài chính trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 25-4, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết năm 2014, cơ quan thuế đã thanh tra HVN.

Qua đó, cơ quan thuế đã truy thu, yêu cầu nộp bổ sung và phạt doanh nghiệp này gần 400 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến nay HVN mới nộp ngân sách 182 tỉ đồng. Số tiền truy thu và phạt mà HVN còn phải nộp là khoảng 200 tỉ đồng nữa. 

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cơ quan thuế và HVN vẫn đang tranh luận về thời điểm áp dụng ưu đãi thuế cho HVN căn cứ trên giấy phép đầu tư của liên doanh này. Năm 1998, HVN bán ra thị trường những chiếc xe máy Super Dream đầu tiên được liên doanh này nhập khẩu linh kiện CKD và lắp ráp, nên theo HVN, thời điểm tính ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phải từ thời điểm này đến năm 2013.

Nhưng theo Bộ Tài chính, năm 1997, HVN có quota nhập khẩu 2.000 bộ linh kiện CKD xe Dream từ Thái Lan để lắp ráp dòng xe máy này chuẩn bị bán ra thị trường nên phải tính thời điểm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 1997, điều đó có nghĩa thời gian ưu đãi thuế của HVN phải kết thúc từ năm 2012.

Từ đây xảy ra tranh cãi về khoản thuế mà HVN phải nộp sau khi ưu đãi thuế căn cứ trên giấy phép đầu tư không còn hiệu lực. Đại diện HVN cho rằng việc nhập 2.000 bộ linh kiện xe Dream là để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện công nhân của liên doanh nên Bộ Tài chính không thể áp dụng thời điểm ưu đãi tính thuế từ năm 1997 mà phải là năm 1998.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, phó tổng giám đốc thứ nhất HVN Hồ Mạnh Tuấn cho rằng đã có hiểu nhầm trong việc thanh tra thuế ở HVN với việc thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai lỗ và chuyển giá.

Ông Tuấn khẳng định việc thanh tra của cơ quan thuế với HVN là hình thức thanh tra theo kế hoạch, định kỳ chứ không liên quan đến vấn đề chuyển giá. Liên quan đến số tiền nợ thuế của HVN mà cơ quan thuế thông báo, ông Tuấn cho biết trong các năm 2013 – 2014 HVN đã thanh toán đầy đủ nhưng vẫn chưa đồng ý với số tiền nợ thuế khoảng 200 tỉ đồng mà Bộ Tài chính thông báo.

Ông Tuấn cho biết cả hai bên cũng chưa thống nhất được số tiền nợ thuế mà HVN phải thực hiện vì đã có những bất đồng trong việc hiểu và áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp giữa HVN và cơ quan thuế. Hai bên vẫn đang tranh luận về hai cách áp thuế này nên chưa thể đi đến thống nhất số tiền thuế phải đóng.

“Chúng tôi đang cần cấp cao hơn có thẩm quyền để giải thích và đưa ra quyết định cuối cùng về số tiền thuế còn nợ này” – ông Tuấn thông tin.

Vị lãnh đạo Bộ Tài chính khi trao đổi với Tuổi Trẻ công nhận khoản tiền HVN chưa nộp trên thực tế Bộ Tài chính đã xem xét kiến nghị của HVN hai lần, tuy nhiên HVN vẫn chưa chịu nộp và đề nghị cần có ý kiến cấp cao hơn.

Vì vậy, hiện Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng. Theo vị lãnh đạo trên, bộ này sẽ có biện pháp cần thiết, nghiêm minh để buộc HVN phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. 

Về vấn đề trên, GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặt câu hỏi: Nếu Bộ Tài chính và cơ quan thuế truy thu, xử phạt đúng thì tại sao đã một năm rồi mà khoản tiền thuế 200 tỉ đồng đó vẫn chưa được HVN nộp vào ngân sách? Phải chăng có chuyện cơ quan quản lý “ngại” doanh nghiệp lớn?

Để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Mại đề nghị chính sách pháp luật cần được thực hiện theo đúng quy định.

LÊ NAM – LÊ THANH – CẦM VĂN KÌNH