08/01/2025

Hội chứng “cháy sạch”

Mùa thi, nhiều phòng khám và văn phòng tư vấn tâm lý thường xuyên đón tiếp những khách hàng học trò có “gương mặt gấu trúc” với đôi mắt thâm quầng hoặc lơ ngơ như “người cõi trên”.

 

Hội chứng “cháy sạch”

 

Mùa thi, nhiều phòng khám và văn phòng tư vấn tâm lý thường xuyên đón tiếp những khách hàng học trò có “gương mặt gấu trúc” với đôi mắt thâm quầng hoặc lơ ngơ như “người cõi trên”. 

 

 

Đặt mục tiêu vừa sức sẽ giúp sĩ tử thoải mái hơn sau những mùa thi – Ảnh: Quang Định

Còn các bậc làm cha mẹ thì đầy lo âu: “Vừa ra khỏi phòng thi môn cuối cùng, con tôi rơi vào tình trạng ngơ ngẩn, thờ ơ. Cứ thế, suốt mấy ngày qua bé không ăn uống, nói năng gì, cứ nằm lì trong phòng”.

Các phụ huynh còn chia sẻ: “Gia đình tôi sợ suốt thời gian qua con học quá tải nên cho con nghỉ ngơi, ăn những món bổ não và động viên con tiếp tục ôn thi vào đại học, nhưng con vẫn không lấy lại được thăng bằng”.

Rồi có người thắc mắc: “Con tôi bị mất ngủ kéo dài, nói năng lung tung, liệu có bị ngộ chữ như người ta nói hay không?”.

Hội chứng “cháy sạch” là gì?

Chứng burn-out là một dạng bệnh tâm thần đáng ngại nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách, kịp thời thì chỉ sau một thời gian thuốc thang và được tư vấn chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bệnh nhân có thể hoàn toàn khỏi bệnh và trở lại làm việc, học tập bình thường.

Nếu để bệnh quá nặng thì khó điều trị khỏi và người bệnh có thể mất hẳn khả năng làm việc, thậm chí khả năng tự chăm sóc bản thân, trong tương lai.

Mỗi năm vào mùa thi, báo chí đưa tin có những sĩ tử bị ngất trong phòng thi, kiệt sức ngủ gục ngay trên trang giấy trắng.

Không ít hồi chuông cảnh báo về sự giải thoát đau lòng của những bạn trẻ do không chịu nổi áp lực đến từ sự kỳ vọng của gia đình và các kỳ thi, mà khi chúng ta nghe được thì đã quá trễ.

Các nước phương Tây từ nhiều năm nay đã liên tục cảnh báo một chứng bệnh lạ được đặt tên là hội chứng “cháy sạch” (burn-out syndrome).

Theo y học, đây là dạng bệnh lý xuất phát từ tình trạng suy nhược thần kinh, thường gặp ở nhóm trí thức.

Người bệnh kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần do áp lực căng thẳng gây ra, bỗng dưng mất hết hứng thú học tập, làm việc cũng như năng lực tranh đua.

Hình tượng burn-out được ví như một bếp lửa, một cây nến đã cháy hết hay một ngọn đèn bị cháy bóng, trở thành tro tàn, lạnh lẽo nhằm diễn tả hình ảnh của một người đã mất hết năng lượng.

Chúng ta có thể hình dung: ở những người có sức sống, dường như bên trong họ luôn cháy lên một ngọn lửa. Nếu ngọn lửa ấy lịm tắt sẽ chỉ còn sự nguội lạnh, trống rỗng, mọi nguồn lực đều trở nên cạn kiệt.

Nguyên nhân chính là do người ấy dồn hết tinh thần, trí lực, tâm huyết và đặt nhiều kỳ vọng vào công việc nghiên cứu, học tập.

Nếu kết quả đạt được mỹ mãn thì không sao, một khi kết quả không như mong muốn, sức khỏe tâm thần của họ sẽ trượt dốc, dù khoảng 80% người bệnh đang có cuộc sống gia đình bình an và gần 70% thậm chí đang tự tin trong công việc.

Những triệu chứng dễ nhận biết

Nếu quan sát con trẻ trong nhà, phụ huynh có thể nhận biết một số dấu hiệu điển hình sau:

– Kiệt quệ cảm xúc. Cảm giác trống rỗng, không có khả năng đón nhận cảm xúc mới, không giãi bày được tâm trạng của mình.

– Mệt mỏi về thể chất. Sự mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần này không được cải thiện ngay cả khi đã được bồi dưỡng, nghỉ ngơi. Đặc biệt, trước đó người bệnh chẳng có dấu hiệu gì báo trước.

Với nhịp sống căng thẳng hiện nay, bệnh càng lúc càng trở nên phổ biến với nhiều đối tượng, không chỉ là học sinh, sinh viên, trí thức. Đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về cơ chế bệnh lý.

Họ chỉ ghi nhận điểm tương đồng của đa số đối tượng này: đều là người có thừa năng lực làm việc và học tập, yêu thích sự hoàn hảo, tính tình tháo vát, đòi hỏi tính chuyên nghiệp đến mức “đỉnh” trong công việc. Dẫu không thua cũng chẳng ai nhận ra thất bại của họ, nhưng họ vẫn không hài lòng với chính mình.

Hội chứng burn-out có tính phổ biến cao nhưng khá nguy hiểm với những người trẻ, nhất là ở tuổi vị thành niên. Vì ở độ tuổi này trí tuệ của các em đang phát triển mạnh, ít kinh nghiệm sống, hầu như chưa được rèn luyện khả năng đón nhận thất bại nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý.

Nếu không có sự thông cảm và trợ giúp có thể dẫn đến trầm cảm, hành động tự tử hoặc để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Có bạn trẻ không chấp nhận kết quả học tập dưới mức mong muốn dù trên thực tế thành tích đạt được đã là rất đáng khen, chỉ vì chính bạn đã đặt mục tiêu ở mức đôi khi vượt quá thực lực của mình (“cháy sạch” ở đây là do mình khêu lên ngọn lửa quá cao hoặc tự “gắp lửa bỏ tay… mình”).

Gia đình và nhà trường hãy giúp các sĩ tử trong quãng đời cắp sách đến trường, đặc biệt trước kỳ “vượt vũ môn”, tìm thấy ý nghĩa của việc học tập cho suốt cuộc đời, luôn sẵn sàng nạp năng lượng cho mình và học cách thua.