08/01/2025

Hàng Việt gian nan giữ sân nhà

Trong khi hơn 60.000 tấn hành tím của bà con nông dân Sóc Trăng ế ẩm, rớt giá đến mức phải mở chiến dịch “hành tím nghĩa tình” để tiêu thụ, thì tại các chợ hành tím Trung Quốc vẫn ổn định ở giá cao.

 

Hàng Việt gian nan giữ sân nhà

 

 

Trong khi hơn 60.000 tấn hành tím của bà con nông dân Sóc Trăng ế ẩm, rớt giá đến mức phải mở chiến dịch “hành tím nghĩa tình” để tiêu thụ, thì tại các chợ hành tím Trung Quốc vẫn ổn định ở giá cao. Cuộc chiến giữ thị phần của hàng Việt với hàng Trung Quốc và các nước trong khu vực giảm thuế theo lộ trình hội nhập chưa bao giờ cam go như hiện tại.

 

 

Nông sản Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn về các chợ đầu mối ở VN, cạnh tranh khốc liệt với hàng nội Nông sản Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn về các chợ đầu mối ở VN, cạnh tranh khốc liệt với hàng nội – Ảnh: Nguyễn Mi

Rau, củ, quả Trung Quốc chèn ép

Hiện giá bán lẻ hành tím của chiến dịch “hành tím nghĩa tình” đang ở mức 13.000 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với khi bắt đầu. Thế nhưng, tại các chợ bán lẻ như Ông Địa, Thiên Phước, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), theo khảo sát của PVThanh Niên sáng 23.4, giá bán lẻ hành tím xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) vẫn ở mức 12.000 – 14.000 đồng/kg.

 
 

Thua vì thiếu tính ổn định

 

Theo một chủ hàng tên Toàn ở chợ đầu mối Hóc Môn, hàng Việt bảo quản khó hơn hàng TQ. “Hành tây TQ phơi khô trữ được lâu, trong khi hành tây Đà Lạt sấy không đều, nên hàng trữ hay bị hư hỏng. Đó là chưa nói nguồn hàng nông sản của TQ có quanh năm, nông sản Việt lại làm theo mùa vụ. Hành tím đợt này cũng vậy, được mùa nên giá giảm nhưng hết mùa giá cao gấp 5 – 7 lần, trong khi hành tím TQ  giá ổn định hầu như quanh năm”, ông Toàn nhận xét.

 

 

Tại chợ Ông Địa, giá hành tây Đà Lạt từ 20.000 – 25.000 đồng giảm còn 7.000 đồng/kg trong khi hành tây TQ vẫn đứng ở mức giá 8.000 – 9.000 đồng/kg và tiêu thụ rất tốt vì được các quán ăn, nhà hàng chuộng do củ lớn, có lợi khi chế biến. Ngồi ngay đầu đường dẫn vào chợ Ông Địa, bà Thanh, đã bán tỏi hành 3 năm nay, nói: “Hành tây Đà Lạt dạo này mới rẻ và nhiều nên lượng khách mua tăng lên, chứ trước đây giá trên 20.000 đồng/kg người ta thích mua hành tây TQ hơn”. Bà Thanh chỉ vào mớ hành tây Đà Lạt với tấm bảng 7.000 đồng/kg nói tiếp: “Tui mới năn nỉ bà Hảo bán cơm bụi mua giùm, bả chê củ nhỏ không lợi, sang hàng bên kia mua hành TQ rồi”. Đúng lúc này, có khách đến hỏi mua tỏi TQ giá 30.000 đồng/kg. Vị khách giải thích: “Gia vị củ thì hàng nào cũng như nhau, trong khi giá bán tỏi VN cao gấp 6-7 lần tỏi TQ, làm sao cạnh tranh nổi”. Tỏi cô đơn của Lý Sơn tại sạp hàng của bà Thanh được bán giá 190.000 đồng/kg, nhưng theo lời bà thì “chỉ bỏ vài lạng tỏi cô đơn để “làm kiểu”, nếu khách hàng hỏi mình cũng có mà bán chứ tiêu thụ mạnh và bán có lời vẫn là tỏi TQ”.

Bà Biên, chủ quán bánh ướt nóng nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.Tân Bình, nhận xét: “Bán hàng ăn mà mua hành tỏi VN không lời vì củ nhỏ khó chế biến mà giá cao hơn hàng TQ”. Đó cũng là lý do cà rốt TQ được nhiều chủ nhà hàng, quán ăn chuộng. Tại chợ Tân Phước, cà rốt Đà Lạt giá 20.000 đồng/kg trong khi cà rốt TQ 15.000 đồng/kg mẫu mã đẹp hơn hẳn. Theo ông Thành, bán hàng rau củ quả tại chợ này: “Nhiều bà nội trợ từ chối hàng TQ, nhưng người ít tiền hay các quán ăn nhà hàng vẫn chuộng cà rốt, bông cải TQ vì giá rẻ mà mẫu mã đẹp hơn. Nếu nông sản Việt có mẫu mã tốt và giá mềm hơn thì đã không lo bị chèn ép bởi hàng TQ”.

Dưới góc độ nhà cung cấp, bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản cho một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn tại TP.HCM, nhận xét: “Không chỉ dưa hấu bị chi phối khi xuất sang TQ, nông sản Việt ngay trên sân nhà cũng bị chèn lấn bởi chính sản phẩm cùng loại từ TQ, dù chất lượng của họ kém hơn nhiều so với hàng nội địa”.

Thông tin từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trung bình mỗi ngày khoảng 30% nông sản TQ đổ về chợ. Đặc biệt, có nhiều mặt hàng gần như “thao túng” thị trường như súp lơ, táo, bom, hành tây…

Phí, thuế, chính sách… đè hàng nội

Thất thế trên sân nhà của nông sản Việt đầu tiên là do giá cao hơn khá nhiều so với hàng TQ. Lấy dẫn chứng với mặt hàng hành tím, bà Nguyễn Thị Hiếu phân tích: Thông tin của nhóm thiện nguyện “hành tím nghĩa tình” cho thấy, họ mua đợt 2 tại ruộng hành của nhà nông với giá 9.000 đồng, nhưng chỉ bán ra 13.000 đồng/kg tại TP.HCM, trong khi giá bán tại siêu thị cùng ngày lên tới 19.000 -20.000 đồng/kg, cao hơn gấp rưỡi giá thực tế. Tương tự, giá cà rốt bà Hiếu mua tại vườn ở Đà Lạt, sau khi cộng các chi phí như vận chuyển, làm sạch rau, bảo quản, hàng đến nơi tập kết để chuyển về siêu thị cũng chỉ có giá từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, nhưng giá bán trong siêu thị 20.000 – 22.000 đồng/kg. “Cao gấp đôi theo tôi tìm hiểu chủ yếu gồm chi phí vận chuyển, trữ hàng, khấu trừ hàng bị hư hỏng hao hụt do dập nát…”, bà Hiếu nói.

Bình luận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng nông sản nói riêng và hàng hóa VN nói chung khó cạnh tranh được với hàng TQ bởi bị hổng nghiêm trọng ở khâu phân phối và cả sản xuất. “Vấn đề này không mới và chúng ta đã đề cập từ nhiều năm qua. Song tôi thấy việc tiết kiệm tối đa chi phí, đưa hàng hóa thẳng từ trang trại đến cái giỏ bà nội trợ của chúng ta đang có lỗi hệ thống ghê gớm. Lỗi hệ thống phân phối, lỗi trong quy hoạch sản xuất khiến hàng hoá phân bổ không đồng đều, giá từ tháng trước sang tháng sau đôi khi đội lên gấp mấy lần là không chấp nhận được”, ông Thành nói.

Ở góc nhìn sâu hơn, TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng chính sách thuế dành cho xuất khẩu của VN đã khiến doanh nghiệp nội địa không chú trọng đến thị trường trong nước. Cụ thể, thuế suất nhiều mặt hàng xuất bằng 0, không nộp thuế và còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước bán hàng ở thị trường nội địa lại không được hưởng chính sách ưu đãi như vậy. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để xuất khẩu “sướng” hơn bán ở thị trường nội địa, nên thị trường của hơn 90 triệu dân dễ dàng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. “Chẳng hạn mặt hàng gạo, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo được miễn thuế GTGT, nhiều chi phí đầu tư không được tính vào giá thành sản phẩm. Nên thực tế VN đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Còn doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ gạo trong nước lại chịu mức thuế VAT 5%. Chính vì vậy, ngay ở đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng gạo VN lại đang cạnh tranh chật vật với gạo nước ngoài nhập khẩu. Xu hướng người dân đô thị chọn mua gạo nhập khẩu ngày càng lớn”, TS Bùi Trinh nói.

Nguyên Nga – Ng.Trần Tâm