08/01/2025

Biển Đông dậy sóng tại Hội nghị ASEAN

Ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 nóng lên bởi lời kêu gọi của Philippines rằng các nước Đông Nam Á hãy đồng lòng đương đầu với “nước láng giềng phương bắc”.

 

Biển Đông dậy sóng tại Hội nghị ASEAN

 

 

Ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 nóng lên bởi lời kêu gọi của Philippines rằng các nước Đông Nam Á hãy đồng lòng đương đầu với “nước láng giềng phương bắc”.

 

 

 

Biển Đông dậy sóng tại Hội nghị ASEAN  - ảnh 1

Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm trước buổi dạ tiệc vào tối 26.4 – Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 26.4, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo Trung Quốc sắp sửa củng cố quyền kiểm soát ở biển Đông trên thực tế. Ông Rosario nói với các ngoại trưởng ASEAN rằng việc Trung Quốc gấp rút tiến hành bồi đắp phi pháp ở biển Đông là “mối đe doạ có thật và không thể phớt lờ hoặc chối bỏ”.

“Liệu bây giờ có phải là lúc thích hợp nhất để khối ASEAN tuyên bố với người láng giềng phương bắc rằng họ đang đi sai đường và hành động ngang ngược tại biển Đông của họ phải chấm dứt ngay lập tức?”, ông Rosario nói. Ngoại trưởng Philippines khẳng định lúc này là thời điểm ASEAN cần khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, cần phải lên tiếng rằng Trung Quốc đã sai và nên dừng lại.
Tại cuộc họp kín các ngoại trưởng ngày 26.4, tất cả đều bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở biển Đông và cho rằng hành động này vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) gây căng thẳng khu vực. Hành động leo thang trên biển Đông của Trung Quốc như xây dựng phi pháp các hòn đảo nhân tạo, phát triển cầu cảng, sân bay… càng khiến việc tranh chấp trên biển Đông giữa các nước ngày càng phức tạp và nguy hiểm.
Trong khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh các nước cần tôn trọng Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), tự kiềm chế, không được đe doạ hoặc sử dụng vũ lực.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anifah Aman của nước chủ nhà Malaysia tỏ ý muốn né tránh việc công khai phản kháng Trung Quốc. “Chúng ta phải tránh mọi hành động gây phản tác dụng và làm chúng ta thêm cách xa, cả giữa chúng ta với nhau hoặc với Trung Quốc”, ông Anifah nói tại cuộc họp báo cuối ngày 26.4. Theo ông Anifah, ASEAN sẽ mời Trung Quốc tăng cường đối thoại, tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận về những điều khoản để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Malaysia
Chiều 26.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu VN đã tới Kuala Lumpur bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26. Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Datuk Abdul Rahim Bakri, đại diện Bộ Ngoại giao Malaysia, Đại sứ VN tại Malaysia Phạm Cao Phong, Trưởng SOM ASEAN VN Lê Hoài Trung cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán VN tại Malaysia.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, đoàn VN tham dự hội nghị lần này nhằm góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò quan trọng của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 10 nước ASEAN sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; cải tiến tổ chức bộ máy về lề lối làm việc; quan hệ đối ngoại của hiệp hội; vai trò trung tâm của ASEAN; các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý và trao đổi tình hình khu vực và quốc tế.

Triều Tiên muốn làm đối tác với ASEAN
Tại cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị ASEAN, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Othman Hashim cho biết CHDCND Triều Tiên, Na Uy, Ecuador và Mông Cổ đã đề nghị thiết lập quan hệ đối tác chính thức với ASEAN.
Trước đó, ASEAN đã có quan hệ “đối tác đối thoại” với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Thông qua đó, tổ chức gồm 10 quốc gia thành viên này thường xuyên tổ chức các cuộc họp với những nhà lãnh đạo hàng đầu cũng như bộ trưởng thương mại của những nước này bên lề Hội nghị ASEAN.

Thủy Tiên 
(từ Kuala Lumpur)