09/01/2025

Phận nghèo nương tựa lẫn nhau

Nhiều người trong nhóm ăn cơm mà rưng rưng nước mắt vì lâu lắm rồi mới lại có cảm giác được sống trong một gia đình nhiều tình yêu thương tới vậy.

 

Phận nghèo nương tựa lẫn nhau

 

Nhiều người trong nhóm ăn cơm mà rưng rưng nước mắt vì lâu lắm rồi mới lại có cảm giác được sống trong một gia đình nhiều tình yêu thương tới vậy.


 

 

Anh Lê Minh Tú (phải) và ông Sầm Hiệp Thanh tranh thủ phút nghỉ trưa để hỏi han lẫn nhau – Ảnh: K.Nam

“Mình không có nhiều tiền, mình đến với họ là để làm bạn, để hiểu họ, lắng nghe và san sẻ với họ” – chị Nguyễn Thị Công Ngọc Hoàng, sáng lập viên của nhóm tương trợ những người khuyết tật bán vé số dạo ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tâm sự.

Anh Lê Minh Tú (30 tuổi, ngụ hẻm 286 đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang, Rạch Giá) vốn là thợ hồ. Cách đây 10 năm anh bị tai nạn ngã giàn giáo, liệt hai chân. Một năm sau ngày gặp nạn anh lấy vợ, có được đứa con thì vợ anh bỏ nhà đi.

Để được yêu thương, đùm bọc

Được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang tặng chiếc xe lắc, anh Tú lấy đó làm phương tiện đi bán vé số dạo từ sáng sớm tới tối mịt mới tạm đủ cho hai cha con đắp đổi qua ngày. Dư được đồng nào thì mua thuốc trị chứng suy tuỷ hết đồng đó. “Ngày nào cũng lầm lũi đi bán có một mình. Lúc ốm đau, bệnh hoạn, bị lừa đổi vé số giả, thậm chí bị giật cả cây vé số chỉ biết ứa nước mắt bất lực” – anh Tú kể lại.

Sẽ xin giấy phép và dạy nghề cho người khuyết tật

Chị Nguyễn Thị Công Ngọc Hoàng cho biết đang tích cực liên hệ với chính quyền địa phương để xin giấy phép hoạt động cho nhóm. Chị Hoàng dự kiến sẽ đặt tên nhóm là “Những người bạn nhỏ”. Chữ “nhỏ” được chị Hoàng giải thích là mình chỉ cố gắng làm những việc nho nhỏ cho người kém may mắn hơn mình.

Ở TP Rạch Giá, ngoài anh Tú còn có hàng chục mảnh đời khuyết tật hành nghề bán vé số dạo bằng xe lắc, xe lăn tay. Người thì bị tai nạn, người bị tật từ nhỏ, nhưng họ có điểm chung là đều nghèo và phần nhiều sống cảnh neo đơn.

Ông Sầm Hiệp Thanh, bị liệt một chân từ nhỏ bán vé số dạo bằng xe lắc tay, cho biết khoảng tháng 7-2013, sau một thời gian gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của một số người khuyết tật bán vé số, chị Nguyễn Thị Công Ngọc Hoàng nảy ra ý tưởng và gợi ý thành lập nhóm để mọi người có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

“Sau khi lập nhóm, cô Hoàng thuê một căn nhà nhỏ làm địa điểm họp mặt để mọi người thăm hỏi lẫn nhau. Lần họp mặt đầu tiên cô Hoàng tự tay nấu bữa cơm gia đình. Nhiều người trong chúng tôi ăn cơm mà rưng rưng nước mắt vì lâu lắm rồi mới lại có cảm giác được sống trong một gia đình nhiều tình yêu thương tới vậy” – ông Thanh xúc động nói.

Theo ông Thanh, những buổi họp mặt còn là dịp để anh chị em trong nhóm hỏi han coi có ai ốm đau, bệnh hoạn gì để góp tiền hỗ trợ. Của ít lòng nhiều, được cái ai cũng nhiệt tình đóng góp tùy theo khả năng của mình, có người chỉ góp được 5.000 đồng nhưng cũng rất vui.

Không chỉ có vậy, theo anh Tú, sau khi vào nhóm mọi người tự nhiên bắt đầu nghĩ tới người khác. Trước đây thỉnh thoảng có người cho quà (thường là mì gói) thì của ai người nấy nhận. Nay mỗi lúc được tặng quà mấy anh chị em đều hỏi xem nếu có thêm được chút nào cũng sẽ gom về chia cho cả nhóm.

Cho đi tấm lòng, nhận về nghị lực sống

Anh Tú chia sẻ trước đây nhiều anh em bán vé số mỗi khi có chuyện buồn chỉ biết đi nhậu, thậm chí có người uống rượu quá hoá ghiền, ngày nào không có rượu là chịu không nổi. Nhưng từ khi vô nhóm, mỗi lúc buồn phiền đều có người gặp gỡ, hỏi han, an ủi kịp lúc.

Nhờ vậy mà nhiều anh em bớt suy nghĩ bi quan, chán nản, cảm thấy lạc quan và muốn sống tốt hơn.

Chị Hoàng tâm sự rằng mình tham gia các hoạt động công tác, từ thiện xã hội đã lâu. Từng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, có những mảnh đời cùng cực tưởng chừng tuyệt vọng. Nhưng từ tận cùng nghèo khó, khổ đau, rất nhiều người sau khi được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ đã nỗ lực vươn lên hết sức kỳ diệu.

Có người bị mù nhưng chơi nhạc rất hay, học vi tính thành thạo tới mức đi dạy lại cho người sáng mắt. Có người khuyết tật thiếu tay, thiếu chân nhưng ngày nào cũng đi về hàng chục cây số để mưu sinh, tích luỹ để rồi quay trở lại giúp đỡ những người kém may mắn như mình.

Anh Tú cho hay suốt một thời gian dài, anh chị em được tặng xe lắc, xe lăn tay, được giúp vốn đi bán vé số mỗi ngày đều tự nguyện để dành ra 10.000 đồng, đến cuối tháng đem đủ 300.000 đồng góp cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo để tiếp tục mua xe lắc, xe lăn tay cho những người khuyết tật còn thiếu.

“Mình nghĩ là mình đang cho đi, nhưng không hẳn, vì cuộc sống luôn công bằng như một lẽ tự nhiên. Mình cho đi tình thương và sự san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, thì chính họ cũng đã cho lại mình bài học quý giá về tình người, nhất là về nghị lực phi thường trước muôn vàn nghịch cảnh” – chị Hoàng nói.

KHOA NAM – NHƯ NGỌC