09/01/2025

Báo cáo hạnh phúc: Việt Nam xếp hạng 75

ừ khi ra mắt năm 2012, Báo cáo hạnh phúc thế giới chứng minh rằng sự hài lòng và hạnh phúc là những chỉ số quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước …

 

Báo cáo hạnh phúc: Việt Nam xếp hạng 75

 

Từ khi ra mắt năm 2012, Báo cáo hạnh phúc thế giới chứng minh rằng sự hài lòng và hạnh phúc là những chỉ số quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước và nên là một mục tiêu quan trọng trong chính sách nhà nước.




 

 

Thuỵ Sĩ vươn lên dẫn đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới – Ảnh: Reuters

Năm nay, báo cáo hạnh phúc thứ ba, công bố ngày 23-4 cho thấy sự thay đổi trong mức độ hạnh phúc của 158 quốc gia trên thế giới.

Báo cáo hạnh phúc thế giới 2015 đi trước ba cuộc đàm phán cấp cao và hướng thế giới đến việc xây dựng và phát triển một chương trình nghị sự toàn cầu, mà trong đó thước đo hạnh phúc là một yếu tố thiết yếu.

Thước đo của sự tiến bộ

“Khát vọng của xã hội là sự phát triển của mỗi thành viên của xã hội. Bản báo cáo này cung cấp các bằng chứng về cách thức đạt được sự hạnh phúc trong xã hội.

Hạnh phúc không thể chỉ đạt được bằng tiền mà còn là sự công bằng, tính trung thực, sự tin tưởng và một sức khoẻ tốt” – giám đốc Viện Trái đất thuộc ĐH Columbia (Mỹ) Jeffrey Sachs cho biết.

Theo ông Sachs, những bằng chứng trên sẽ rất hữu ích cho tất cả các quốc gia khi theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững mới.

Bản báo cáo hạnh phúc của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (SDSN) dựa trên các phân tích của giới chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, khoa học thần kinh, thống kê quốc gia và mô tả thước đo của hạnh phúc có thể được sử dụng một cách hiệu quả để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia.

Tương tự như các báo cáo của những năm trước đây, Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2015 cho thấy xu hướng trong dữ liệu đánh giá như thế nào là một quốc gia hạnh phúc thật sự.

Với thang điểm từ 0-10, các cuộc khảo sát trên người dân ở hơn 150 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2012-2015 cho thấy chỉ số hạnh phúc trung bình là 5,1/10.

Tuy nhiên bản báo cáo năm nay lần đầu tiên đã phân chia dữ liệu bởi giới tính, tuổi tác và khu vực. Báo cáo tìm ra những khác biệt đáng chú ý, một số khác biệt lớn hơn những gì mà các báo cáo trước đây từng phát hiện.

Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2015 chỉ ra rằng ở mức độ cá nhân và quốc gia, tất cả các thước đo hạnh phúc bao gồm các cảm xúc và sự định giá cuộc sống đều ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những đặc tính của các tổ chức và các quy tắc tiêu chuẩn của xã hội xung quanh.

Những điều này bao gồm gia đình và tình bạn ở cấp độ cá nhân, sự hiện diện của niềm tin và sự đồng cảm ở cấp độ khu vực và cộng đồng. Sức mạnh và đặc tính của các tiêu chuẩn xã hội bao quát sẽ xác định chất lượng cuộc sống bên trong và giữa các quốc gia, các thế hệ.

Việt Nam ở thứ hạng 75

Thông qua bản báo cáo hạnh phúc, SDSN hi vọng có thể khuyến khích chính phủ các nước tiến hành đo lường và cải thiện hạnh phúc của người dân nước họ.

“Không có chìa khoá duy nhất để hạnh phúc. Tất cả các quốc gia đã làm nhiều cách. Để trở nên giàu có? Điều đó là tốt nhưng không đủ. Một xã hội đáng tin tưởng cùng một chính phủ ít tham nhũng, một xã hội nơi mà con người luôn rộng lượng và tình nguyện – đó là những điều quan trọng để dẫn đến hạnh phúc” – ông Sachs nhận định.

Thậm chí nếu chúng ta không sống tại một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới thì việc đến thăm những nơi hạnh phúc này cũng có thể cho chúng ta nếm trải cảm giác hạnh phúc mà người dân địa phương cảm thấy mỗi ngày.

Trong bảng xếp hạng năm 2015, Thuỵ Sĩ với những con đường rải sỏi cùng những kiến trúc kỳ vĩ thời Trung Cổ và sôcôla ngon tuyệt đã vượt qua Đan Mạch để vươn lên vị trí dẫn đầu danh sách 158 quốc gia nằm trong khảo sát.

Đứng thứ nhì là Iceland. Vẻ đẹp văn hoá hoà quyện với vẻ đẹp thiên nhiên đã giúp quốc gia nhỏ bé này tạo bước đột phá khi vươn lên hạng nhì từ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng năm trước đó.

Thay thế vị trí thứ ba của Thuỵ Sĩ trong năm 2014, năm nay Đan Mạch chiếm hạng ba trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất. Tuy nhiên khi nhìn những con người Đan Mạch hạnh phúc thì có thể thấy rõ họ không mấy quan tâm đến việc rớt hạng này.

Na Uy và những thành phố không bao giờ tắt nắng là một trong những địa điểm thú vị cho những người yêu thích hoạt động ngoài trời.

Điều đặc biệt tại Na Uy là trong những tháng mùa hè Mặt trời không bao giờ lặn tại một số khu vực, cùng với thiên đường ẩm thực của thủ đô Oslo là những điểm cộng giúp quốc gia này chiếm vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng.

Đứng thứ năm trong bảng xếp hạng là Canada – một sự kết hợp giữa phong cách châu Âu, sự nhạy cảm và lịch sử cùng với những kỳ quan thiên nhiên to lớn của Bắc Mỹ. Năm nay Mỹ xếp hạng 15, trong khi Anh ở vị trí 21.

Tại châu Á, Singapore hạng 24, Đài Loan hạng 38, Indonesia hạng 74, Việt Nam hạng 75, trong khi Trung Quốc đứng ở hạng 84. Những quốc gia chót bảng xếp hạng là Afghanistan (153), Syria (156) và Togo (158).

Sáu biến số quan trọng

Báo Science Daily cho biết sáu biến số quan trọng giải thích 3/4 sự thay đổi điểm số trung bình quốc gia hằng năm giữa các quốc gia là: GDP thực tế bình quân đầu người, tuổi thọ, có ai đó để nương tựa, tự do lựa chọn các quyết định trong cuộc sống, sự rộng lượng và ít nạn tham nhũng.

CNN cho biết những người sống ở các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có tuổi thọ lâu hơn và nhận nhiều sự hỗ trợ của xã hội hơn. Bản thân sáu biến số trên tại những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới đều ở mức cao.

Thủ tướng của Bhutan – một đất nước nhỏ nhưng nổi tiếng là một đất nước hạnh phúc – đã đệ trình ý tưởng về Ngày hạnh phúc thế giới lên Liên Hiệp Quốc năm 2011.

Nhận thức rằng “hạnh phúc và sự hài lòng là mục tiêu toàn cầu và khát vọng trong cuộc sống người dân trên khắp thế giới”, năm 2012 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 20-3 hằng năm là Ngày hạnh phúc thế giới.

ANH THƯ