Chỉ muốn hơn bạn
Cô bé 15 tuổi có mái tóc thật ngắn, là một trong bốn học sinh nữ của Trường giáo dưỡng số 4. Em có vóc dáng mảnh mai và giọng nói thật nhẹ: “Chỉ vì con muốn hơn các bạn thôi”.
Chỉ muốn hơn bạn
Cô bé 15 tuổi có mái tóc thật ngắn, là một trong bốn học sinh nữ của Trường giáo dưỡng số 4. Em có vóc dáng mảnh mai và giọng nói thật nhẹ: “Chỉ vì con muốn hơn các bạn thôi”.
Em M.T.T. trong trường giáo dưỡng – Ảnh: Hoàng Điệp |
Chỉ vì muốn hơn các bạn mà cô bé ấy không biết bao nhiêu lần lấy trộm tiền của mẹ. Rồi bị mẹ đánh mắng, em uy hiếp bạn để lấy tiền đi bao bạn cùng nhóm ăn uống, thậm chí cho bạn mượn cả tiền để đi chơi.
Ngỡ ngàng
M.T.T. là con của một gia đình khá giả tại quận 12, TP.HCM. Cả ba và mẹ T. đều tham gia công việc kinh doanh buôn bán. Khi còn ở nhà, mỗi ngày đi học T. được mẹ cho 50.000 đồng tiêu vặt. Tôi hỏi: “Con tiêu những gì?”. Em kể: “Con ăn quà thôi, nhưng không phải ăn một mình con mà con còn mua cho các bạn nữa”.
Bởi mẹ T. trông cửa hàng buôn bán cả ngày và chị về nhà vào buổi trưa để lấy cơm ra ngoài cửa hàng để ăn nên con bé chỉ gặp mẹ một lát lúc ấy và một tí vào buổi tối. Thậm chí nó bảo có ngày mẹ không kịp nói chuyện với con câu nào.
Thế là có hôm con bỏ học đi chơi với bạn, buổi tối cũng tụ tập với các bạn. 50.000 đồng một ngày không đủ tiêu vặt, dù đám bạn chơi cùng có đến sáu đứa nhưng không đứa nào được mẹ cho ngần ấy tiền một ngày.
Biết mẹ buôn bán có tiền, con bé bắt đầu lấy tiền của mẹ đi bao bạn. Đầu tiên chỉ vài trăm ngàn sau tới vài triệu. Đến khi mẹ phát hiện thì vừa la mắng vừa đánh đòn.
Khi cả nhà biết T. lấy trộm tiền nhiều lần đã cảnh giác với em hơn. T. nghĩ ngay ra việc lấy tiền của bạn. “Con mượn tiền của bạn nhiều lần rồi con không trả. Con có doạ con sẽ đánh bạn nếu không đưa tiền. Lần cuối cùng con chat với bạn qua Facebook, con nói nếu không đưa tiền thì mấy bữa nữa đừng có thi”.
Anh P., bố em T., nói không bao giờ anh tưởng tượng được con gái mình lại có thể bắt nạt bạn trong trường để lấy tiền. Chưa bao giờ vợ chồng anh để con thiếu thốn bất kể thứ gì.
Thậm chí nhà ở xa nhưng anh vẫn xin cho con học ở trường tốt trong trung tâm và hằng ngày anh là người đưa rước con. Là con gái duy nhất trong nhà, T. bị đôi chút thiệt thòi hơn các bạn và anh em trong nhà về phần hình thức và sức khoẻ nên anh chị luôn tìm cách bù đắp cho con mọi thứ tốt nhất.
“Ở trường cháu học khá, cũng không thấy thầy cô phản ảnh gì về việc cháu chơi với bạn xấu nên vợ chồng tôi rất yên tâm, cho đến ngày công an vào tận nhà mời hai bố con lên phường” – anh P. xót xa kể.
Trong khi ngồi làm việc với công an, anh P. mới biết tổng cộng T. đã lấy của bạn số tiền hơn 2 triệu cùng những lời đe dọa qua Facebook. Những lần mượn tiền trước cũng được lưu lại trong những cuộc chuyện trò trên mạng.
Vậy là phụ huynh của bạn đã đi báo công an phường khi thấy con mình có dấu hiệu bị cưỡng đoạt tài sản. “Bữa đó, mẹ bạn đưa bạn lên phường trình báo rồi công an xuống nhà nói con lên phường làm việc. Các chú đưa con đi trước, ba con đi sau, ba vừa đi vừa la” – T. kể.
Sau đó là việc T. phải ngồi tại công an phường từ trưa đến chiều viết cho xong bản tường trình, rồi ba chở T. về.
“Khi ấy người ta nói với tôi là không sao đâu, cháu còn con nít. Tôi nghĩ không sao rồi mình mang tiền khắc phục hậu quả và xin lỗi gia đình bên đó. Tôi cũng nghĩ cháu còn trẻ con, lại mới vi phạm, chắc không sao đâu. Nào ngờ…” – chị H., mẹ của T., khóc nức nở khi kể lại chuyện.
Trong giờ học thực hành sửa xe máy – Ảnh: Việt Hùng |
Phải chuyển nhà
Chị H. nói chị có mấy đứa con, anh chị em T. đứa nào cũng đẹp người, mỗi T. bị chút khiếm khuyết về hình thức nên gia đình thương T. lắm. Chị kể: “Nhưng liệu có phải bởi cháu thấy mình không được như bạn bè nên mặc cảm và phải dùng tiền để lấy lòng bạn bè hay không? Đó là câu hỏi tôi đặt ra khi cháu lấy tiền để bao bạn”.
Cả hai vợ chồng làm kinh doanh nên gia đình chị H. cũng có đồng ra đồng vào: “Tôi thấy tiền trong két hay bị hụt, mỗi xấp vài trăm ngàn, nhưng không dám kêu với ông xã vì có lần định than vãn thì ổng nói chắc tôi tính rồi quên chứ mất đi đâu”.
Cho tới khi chị tình cờ bắt gặp T. trong phòng, cọc tiền bị rút vẫn chưa kịp cất đi, két sắt vẫn còn đang mở. “Lúc ấy cháu tái mặt, khóc lóc nói với tôi là con biết sai rồi, mẹ đừng nói với ba nghe, con xin lỗi” – chị H. kể. Đó là lần cuối cùng T. lấy tiền của mẹ nhưng lại bắt đầu cho việc lấy tiền của bạn ở trường…
…Sau khi nói chuyện trong trường giáo dưỡng, biết nhà chúng tôi không xa nơi mẹ mình buôn bán, T. nhắn: “Dì nói với mẹ con đừng lo gì cho con, con biết con sai nên con sẽ cố gắng học tập và mong sớm được trở về nhà.Thời gian ở trong trường con đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm sai của mình”.
Chị H. khi nghe những lời nhắn ấy đã không thể ngừng khóc. Chị kể khi cháu đi rồi, hàng xóm nhiều người hỏi T. đâu, chị không dám nói với người ta là cháu đang phải học tập trong trường giáo dưỡng mà phải nói đi du lịch và chữa bệnh. Riết mấy hôm rồi người ta không thấy lại hỏi tiếp, vậy nên vợ chồng chị không ở nhà cũ nữa mà dọn sang chỗ ở mới.
Ba của T. cũng kể: Từ khi cháu vào trường rất hay viết thư về nhà cho cha mẹ và người thân. Cháu cũng nói không bao giờ nghĩ có ngày mình lại phải vào trường giáo dưỡng vì những suy nghĩ và việc làm nông nổi đó. Cháu cũng hứa khi nào ra trường về nhà sẽ nấu thật nhiều món ăn ngon cho cha mẹ, sẽ học tập và làm lại từ đầu.
Tôi cũng chỉ mong sớm được đón cháu về để bù đắp cho cháu. Phần cháu sai, chừng ấy thời gian đủ để cháu nhận ra rồi. Chỉ mong cháu đủ bản lĩnh. Và vợ chồng tôi đã sẵn sàng để cùng cháu làm lại”.
Hồ sơ vi phạm của T. tại Trường giáo dưỡng số 4 cho thấy: vào ngày 23-11-2013, T. điện thoại cho bạn là N.T.V. (ngụ tại quận 12, TP.HCM) để mượn số tiền 1 triệu đồng. V. nói không có tiền nên bị T. hăm doạ sẽ đánh và dùng dao lam rạch mặt. Do sợ nên V. đã lấy tiền của gia đình để đưa cho T. hai lần. Sau đó công an phường đã lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với T. Ngày 1-12-2013, T. tiếp tục nhắn tin đòi mượn tiền của V. với số tiền là 1 triệu đồng nhưng V. bảo không có, sau đó T. tiếp tục doạ khiến V. sợ hãi nên tiếp tục lấy tiền của gia đình đưa cho T.. Sau đó T. bị công an đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Ngày 7-12, T. tiếp tục đến trường mà V. đang học yêu cầu đưa tiền, nếu không thì sẽ gặp đâu đánh đó. Do hoảng sợ V. tiếp tục đưa cho T. 700.000 đồng. Ngày 25-12 UBND quận 12 (TP.HCM) họp hội đồng tư vấn và thống nhất đưa T. vào trường giáo dưỡng. |
_________