Người nước ngoài bị truy lùng ở Nam Phi
Sợ hãi, lo lắng, giận dữ và phản kháng bằng nhiều cách là những gì mà người nước ngoài nhập cư tại Nam Phi đang cảm nhận trong những tuần qua.
Người nước ngoài bị truy lùng ở Nam Phi
Sợ hãi, lo lắng, giận dữ và phản kháng bằng nhiều cách là những gì mà người nước ngoài nhập cư tại Nam Phi đang cảm nhận trong những tuần qua.
Người nước ngoài nhập cư ở Nam Phi trang bị vũ khí tự bảo vệ mình – Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã phải lên tiếng kêu gọi kiềm chế khi ít nhất sáu người đã thiệt mạng trong hai tuần leo thang bạo lực bài ngoại vừa qua tại các thành phố Durban, Johannesburg và Pietermaritzburg…
Đài CNN cho biết hàng ngàn người Somalia, Ethiopia, Malawi nhập cư đã buộc trú tạm trong các trại tị nạn và đồn cảnh sát hôm 16-4, sau khi những đám đông người Nam Phi giận dữ với dao rựa lùng sục trên đường phố. Và ngược lại, một số người nước ngoài trang bị vũ khí như dao rựa để tự vệ càng gây không khí thù hằn.
Bài ngoại hôm nay có thể dễ dàng trở thành tội ác diệt chủng ngày mai. Hãy dừng lại ngay! |
Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe JONATHAN MOYO |
Làn sóng bài ngoại
Tổ chức từ thiện Gift of the Givers cho biết có khoảng 8.500 người đã trốn chạy đến các trại tị nạn hoặc các đồn cảnh sát trong tuần này bởi tình trạng bạo lực đáng báo động. Con số này chưa bao gồm những người bỏ nhà sang tị nạn tại nhà bạn bè hoặc người thân.
Cảnh sát tại khu vực Actonville ở Johannesburg, theo AFP, buộc phải dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông lên đến hàng trăm người phản đối người nhập cư, trong khi các cửa hàng có chủ là người nước ngoài tại khu Jeppestown bị người dân địa phương tấn công suốt đêm 15 đến rạng sáng 16-4.
Nhưng cũng đã có hàng ngàn người nhập cư diễu hành hòa bình xuyên thành phố Durban để kêu gọi chính phủ có biện pháp bảo vệ người nhập cư tốt hơn. Người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Phản đối bài ngoại!” và “Châu Phi thống nhất” trong một sự kiện có sự tham gia của cư dân, học sinh, các lãnh đạo chính trị và tôn giáo địa phương.
Tuy nhiên, theo AP, cũng có đến hàng trăm người dân tụ tập lại để sỉ nhục và chế giễu những người tham gia diễu hành.
“Chúng tôi đang cố gắng chung sống hòa bình với những người đến từ các quốc gia châu Phi, nhưng bây giờ họ bỏ đi rồi” – ông Eric Machi, 34 tuổi, một trong những người diễu hành, cho biết. Theo ông Machi, mọi chuyện bắt đầu từ buổi tối muộn khi những kẻ tấn công la hét, ném đá cũng như đập phá một số ngôi nhà trong khu vực nơi ông ở và cho người nước ngoài thuê.
Nhiều cửa hàng tại trung tâm Johannesburg đóng cửa trong ngày 15 và 16-4 sau những lời đe dọa từ mạng xã hội và các tin nhắn văn bản. Chủ cửa hàng quần áo người Somalia ở Johannesburg là ông Ali Abdi buộc phải rời cửa hàng và ngủ qua đêm tại một trại tị nạn ở Durban trước tình trạng bất ổn trong khu vực.
“Việc đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không phải vì một lý do duy nhất. Một số do thù ghét người nước ngoài, đặc biệt là người châu Phi. Một số khác là vì ghen tị” – ông Ali Abdi nhận định.
“Bạo lực gây sốc”
“Chúng ta đã chứng kiến những vụ bạo lực gây sốc và không thể chấp nhận được nhắm vào người nước ngoài. Không thể viện cớ thất vọng hoặc giận dữ để biện minh cho hành động tấn công người nước ngoài và cướp phá cửa hàng của họ” – Tổng thống Zuma chỉ rõ.
“Chúng tôi kêu gọi bình tĩnh, chấm dứt bạo lực và kiềm chế. Cảnh sát được chỉ đạo làm việc suốt đêm để bảo vệ các công dân, người nước ngoài và bắt giữ những người cướp bóc” – ông Zuma thông tin thêm.
Tổng thống Zuma cam đoan với quốc hội ông muốn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra những cuộc tấn công bạo lực, bao gồm nhập cư bất hợp pháp cũng như các cáo buộc nhiều người nhập cư phạm tội.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trong khi một số người nhập cư bị bắt vì những tội trạng khác nhau, điều đó không có nghĩa là nên dán nhãn tội phạm cho tất cả người nước ngoài” – ông Zuma nhấn mạnh.
“Có những căng thẳng tại nhiều khu vực khác nhau của đất nước giữa người dân địa phương và những người nước ngoài, nhưng sự vô pháp luật sẽ không được dung thứ” – ủy viên cảnh sát quốc gia – tướng Riah Phiyega tuyên bố.
Cảnh sát tại thành phố Pietermaritzburg, cách Durban 80km cũng kêu gọi lãnh đạo các cộng đồng dân cư giúp giảm xung đột và cảnh báo những tin đồn sai sự thật về các cuộc tấn công bạo lực có thể tăng thêm nỗi sợ hãi cho công dân nước ngoài sống và làm việc tại Nam Phi.
Kinh tế kém gây bất ổn Ước tính tăng trưởng kinh tế Nam Phi chỉ tăng 1,5% trong năm 2014 và tỉ lệ thất nghiệp khoảng 25%, nặng nhất ở nhóm lao động trẻ. Bạo lực chống lại người nhập cư nước ngoài tại Nam Phi khá phổ biến khi những người thất nghiệp bản địa đổ lỗi cho những người nước ngoài đã cướp mất công ăn việc làm của họ. Đầu năm nay, tình trạng bạo lực bài ngoại cũng đã xảy ra tại Soweto do thất vọng trước việc thiếu cơ hội việc làm cho nhiều người trẻ tuổi ở địa phương. Trong năm 2008, có 62 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công bạo lực bài ngoại ở các quận huyện của Johannesburg. Hầu hết nạn nhân là người Zimbabwe. Trong cuộc tấn công thảm khốc này, cảnh sát Nam Phi đã bắt giữ hơn 200 người với các cáo trạng khác nhau từ cưỡng hiếp, giết người, cướp của và trộm cắp. |