10/01/2025

Bất lợi visa du lịch

Nguyên nhân nào khiến lượng du khách quốc tế đến VN không tăng mà liên tiếp sụt giảm trong thời gian qua?

 

Bất lợi visa du lịch

 Nguyên nhân nào khiến lượng du khách quốc tế đến VN không tăng mà liên tiếp sụt giảm trong thời gian qua?



 

 

Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với nhân viên công ty du lịch lữ hành và nhân viên tàu Aidaso kiểm tra giấy tờ, làm thủ tục nhập cảnh cho du khách của tàu này vào cảng ở Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 1-2015 – Ảnh: Đông Hà

Chính sách visa du lịch VN, đặc biệt là các thủ tục rắc rối để xin visa là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lượng du khách quốc tế đến VN không tăng mà liên tiếp sụt giảm trong thời gian qua.

Khi nhận định về hiện tượng lượng khách quốc tế đến VN liên tiếp sụt giảm trong mười tháng qua, cơ quan quản lý du lịch cho rằng nguyên nhân chính là do sự sụt giảm mạnh khách du lịch từ Trung Quốc và Nga, trong khi tăng trưởng từ các thị trường khác không bù đắp được.

Theo tôi, điều này mới chỉ đúng một phần. Bởi thực tế cho thấy chính sách visa du lịch mới là nút thắt cực kỳ bất lợi cho sự tăng trưởng của du lịch quốc tế tại VN.

Thủ tục visa rắc rối, danh sách miễn visa còn ít

Khách quốc tế vào VN giảm mạnh và liên tục

Theo Tổng cục Du lịch VN, trong tháng 3-2015 lượng khách quốc tế đến VN ước đạt 617.895 lượt, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp lượng khách quốc tế đến VN giảm.

Tính chung ba tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến VN ước đạt 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ 2014.

Trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không giảm 18%, đường bộ giảm 35,8% so với cùng kỳ 2014. Riêng lượng khách đến từ các thị trường châu Âu giảm 11,1%, khách Nga giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2014…

L.N.

Với gần 8 triệu lượt khách quốc tế vào VN mỗi năm (bao gồm khách đường bộ qua biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, khách đến với mục đích đầu tư, thương mại…), thị trường du lịch quốc tế của VN chỉ bằng một điểm đến Pattaya, thua điểm đến Phuket của Thái Lan.

Với khoảng 25 triệu du khách quốc tế mỗi năm, du lịch Thái Lan mang lại doanh thu 60-65 tỉ USD. Còn Hong Kong, Singapore mỗi năm đón khách du lịch nhiều gấp ba lần VN.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều du khách không chọn VN là do chính sách visa du lịch VN, đặc biệt là thủ tục quá rắc rối.

Đối với khách du lịch, lệ phí visa mấy chục USD không phải nhiều, nhưng các thủ tục rắc rối để xin visa thật sự làm người ta ngại và ưu tiên chọn đi các nước mà họ được miễn visa (hoặc có thể nộp đơn và nhận visa ngay tại cửa khẩu).

Đến nay, ngoài 10 nước Asean – không phải thị trường du lịch lớn vào VN, VN còn miễn visa cho bảy nước khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch).

Trong khi đó, Thái Lan có chính sách miễn visa du lịch cho du khách của 48 nước, Singapore là 124 nước và con số này của Trung Quốc khoảng 80 nước, với thời gian lưu trú khác nhau…

Cũng có ý kiến lo ngại việc mở rộng phạm vi miễn visa du lịch có thể làm tăng các rủi ro an ninh. Trên thực tế, kể cả khi miễn visa cho công dân nước khác, nước nào cũng có quyền từ chối cho nhập cảnh bất kỳ người nào mà họ cho là không phù hợp (kể cả trong ASEAN với nhau).

Do đó, để thu hút du khách quốc tế, tôi cho rằng ngoài việc mở rộng diện miễn visa du lịch, nên xem xét cải thiện thủ tục xin duyệt cấp visa tại cửa khẩu cho các đối tượng khác với lệ phí visa có thể cao hơn, nhưng du khách không cần phải nộp hồ sơ xin phê duyệt trước thông qua các công ty du lịch như cách làm hiện nay.

Cuối cùng, nên bổ sung kênh nộp hồ sơ và nhận phê duyệt visa qua mạng như nhiều nước khác đã làm.

Đón du khách Nga tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khách Nga vào Việt Nam trong vòng 15 ngày được miễn visa – Ảnh: L.N.

Thiếu đầu tư cho quảng bá du lịch

Ngoài ra, cần phải đầu tư mạnh để nâng chất các hoạt động quảng bá du lịch ở nước ngoài. Thị trường du lịch nằm ở đâu, quảng bá du lịch phải làm đúng ở đó.

Hàng nghìn lễ hội mỗi năm trong nước không có nhiều ý nghĩa và hiệu quả đối với mục đích tăng khả năng cạnh tranh điểm đến của VN với các quốc gia du lịch khác. Thái Lan mỗi năm chi 40-50 triệu USD cho các hoạt động quảng bá du lịch ở nước ngoài trên báo, đài và thông qua 27 văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Singapore, Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chi hàng chục triệu USD/năm cho các hoạt động quảng bá du lịch ở nước ngoài. Campuchia chi ít hơn cho quảng bá du lịch (3,5 triệu USD), nhưng vẫn cao gấp đôi VN (1,5 triệu USD).

Do quảng bá điểm đến quốc gia quá yếu nên hiệu quả quảng bá thương hiệu, dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch nước ta cũng bị hạn chế. Du khách chọn quốc gia điểm đến trước khi họ quan tâm đến dịch vụ của các nhà cung cấp tại điểm đến.

Khi họ chưa lựa chọn VN làm điểm đến du lịch, mọi nỗ lực của các công ty du lịch VN chào bán dịch vụ cho họ đều vô nghĩa. Nước ta cần nhanh chóng kiện toàn một hệ thống quảng bá du lịch quốc gia quy củ, có đủ tiềm lực tài chính và kiến thức chuyên môn.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, cần tạo nguồn kinh phí cho quảng bá du lịch thông qua việc ban hành phí du lịch thu qua các khách sạn, các hãng hàng không quốc tế. Phí du lịch đã và đang tồn tại ở nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ, tại Maldives và một số quốc gia khác.

Việc mỗi du khách phải chi thêm 5-10 USD cho chuyến đi du lịch nước ngoài không làm ảnh hưởng đến quyết định của họ, vấn đề chỉ là thu thế nào cho công bằng và chi thế nào cho minh bạch, hiệu quả.

Ngoài ra, các vấn đề về chất lượng, giá cả, môi trường du lịch, nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông… cũng cần được cải thiện hơn nữa.

Tóm lại, theo tôi, nếu không tháo gỡ được những nút thắt này, ngành du lịch VN khó mà cất cánh, tăng trưởng mạnh được.

* Ông NGUYỄN VĂN TUẤN (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL):

Việc miễn visa không thể giải quyết nhanh được!

Chúng tôi chỉ là cơ quan tiếp nhận và chuyển kiến nghị xem xét miễn visa thêm cho khách tại một số thị trường của Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho Chính phủ.

Sau khi chúng tôi trình kiến nghị này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 92 giao Bộ Công an và Bộ Ngoại giao xem xét. Do đó, vấn đề này hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, câu chuyện này không phải giải quyết nhanh được. Chúng tôi cũng mong muốn visa phải thuận lợi, đơn giản và miễn được càng nhiều nước càng tốt, nhưng việc xem xét kiến nghị này còn phụ thuộc nhiều yếu tố và cần có lộ trình.

V.V. TUÂN ghi

* Bà NGUYỄN THỊ KHÁNH (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM):

Tiếp tục kiến nghị miễn visa cho 12 thị trường

Hiệp hội đã gửi kiến nghị cho Bộ VH-TT&DL đề nghị Chính phủ sớm xem xét miễn visa thêm các thị trường: Úc, New Zealand, Thuỵ Sĩ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Latvia, Estonia.

Đây là những thị trường khách rất tiềm năng của du lịch VN, du khách đến từ các thị trường này chịu chi tiêu nhiều, thời gian lưu trú dài… Việc miễn thị thực cho họ sẽ góp phần thu hút lượng lớn khách quốc tế đến VN trong thời gian tới.

Đây sẽ là những thị trường nguồn quan trọng thúc đẩy nhu cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách quốc tế, tăng tổng thu từ khách du lịch và tạo việc làm, cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch VN so với các điểm đến trong khu vực.

* Ông LÊ HOÀNG KHÁNH LONG (phó giám đốc Công ty du lịch Exxotissimo VN):

Nên bỏ visa

Đối với những khách chuẩn bị trước cho chuyến đi du lịch VN, việc miễn visa cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Nhưng với du khách bỗng nhiên có ý định đến VN du lịch, việc buộc phải có visa sẽ là trở ngại lớn.

Chẳng hạn, những du khách muốn có một kỳ nghỉ ngắn hoặc đã có kế hoạch đi du lịch trước đó nhưng thay đổi vào phút chót, lúc này điểm đến nào dễ dàng trong thủ tục nhập cảnh sẽ có lợi thế.

Tôi cho rằng điểm đến VN đang trở nên không hấp dẫn với rào cản visa phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó, cần phải bỏ visa với một số thị trường khách tiềm năng như khách châu Âu.

* Ông HOÀNG HỮU LỘC (chủ tịch HĐTV Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist):

Miễn visa sẽ là điểm cộng cho du lịch VN

Nhiều khách ở một số nước châu Âu, Úc, New Zealand vẫn quan tâm nhiều đối với điểm đến VN, muốn chọn VN để đi du lịch.

Nếu du khách đến từ các thị trường này được miễn visa, lợi thế này còn tăng hơn nữa với các thị trường du lịch tiềm năng đã có đường bay trực tiếp. Việc miễn visa sẽ giúp du khách lên kế hoạch cho chuyến đi dễ dàng và thuận lợi hơn.

Chi phí không quan trọng lắm nhưng thủ tục phức tạp sẽ không làm du khách cảm thấy thoải mái khi chọn đến VN. Về cơ sở hạ tầng, nếu so với Thái Lan, Malaysia… VN còn thua xa nên việc miễn visa sẽ là một điểm cộng cho điểm đến VN.

* Bà BÙI VIẾT THUỶ TIÊN (giám đốc Công ty du lịch Asian Trails):

Thủ tục nên nhanh, đơn giản

12 thị trường mà Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị miễn visa đều là những thị trường có tiềm năng rất tốt cho du lịch VN.

Tuy nhiên, theo quan điểm riêng tôi, không cần thiết phải bỏ phí visa hoặc miễn visa cho các du khách này. Điều cần thiết là làm sao để quy trình lấy visa thật sự dễ dàng và nhanh chóng, khách khi đến sân bay có thể xin visa vào VN du lịch nhanh chóng và thuận tiện.

Chẳng hạn, có thể làm thủ tục xin visa trực tuyến (visa online) nhanh, đơn giản và dễ dàng. Khi đã quyết định đến VN, việc chi thêm vài chục USD để làm visa cũng không phải là yếu tố quá lớn.

Tuy nhiên, quy trình thủ tục và thời gian xin visa quá lâu, phức tạp sẽ làm du khách nản lòng và điều này sẽ khiến điểm đến VN chẳng có gì hấp dẫn, nhất là khi các nước xung quanh đã làm điều này vô cùng dễ dàng.

Số tiền thu được từ visa có thể tái đầu tư để làm quy trình cấp visa trở nên ngày càng thông thoáng, dễ chịu và hiệu quả.

LÊ NAM ghi

 

LƯƠNG HOÀI NAM (nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN)