29/11/2024

Ác mộng tham nhũng của tổng thống Brazil

Sau cuộc biểu tình đông khoảng 600.000 người hôm 12-4, Đài CNN chạy tít: “Dân Brazil biểu tình đòi luận tội tổng thống”.

 

Ác mộng tham nhũng của tổng thống Brazil

 

 Sau cuộc biểu tình đông khoảng 600.000 người hôm 12-4, Đài CNN chạy tít: “Dân Brazil biểu tình đòi luận tội tổng thống”.




 

 

Người dân phản đối ở Sao Paulo với những khẩu hiệu kêu gọi “Dilma từ chức đi!” – Ảnh: Reuters

Biểu tình phản đối bà Dilma Rousseff từng xảy ra nhiều lần trong nhiệm kỳ trước của bà, vì lý do kinh tế và để phản đối việc chi tiêu quá độ cho Cúp bóng đá thế giới. Còn lần này là để điều tra về vai trò của bà trong vụ tham ô ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Uy tín bà Dilma giảm nặng do vụ Petrobras làm lộ ra những 13 thượng nghị sĩ, 22 nghị sĩ, hai thống đốc bang cùng viên tổng quản lý tài chính Đảng Người lao động cầm quyền và cả một lô viên chức phủ tổng thống. Họ bị cáo buộc đã nhận “lại quả” của Petrobras 4 tỉ USD suốt 10 năm.

Mất nhiều uy tín

Giữa việc dân chúng xuống đường đòi luận tội tổng thống và việc bà Dilma Rousseff có phải ra đi hay không vẫn còn xa.

Theo một thăm dò dư luận công bố hôm 11-4, có 63% dân chúng trả lời thuận tình luận tội nữ tổng thống, song cũng có đến 64% cho rằng điều này sẽ không xảy ra.

Dẫu sao thì uy tín của bà tổng thống đã giảm sút một cách thê thảm, từ hơn 50% phiếu ủng hộ vào cuối tháng 10 năm ngoái giờ chỉ còn 13% tỉ lệ tín nhiệm trong thăm dò dư luận mới nhất.

Tổng cộng 53 viên chức sẽ phải ra tòa, còn bà Dilma bị cho là có dính líu do lúc đó làm chủ tịch tập đoàn này.

Thật ra vụ Petrobras với khoảng 4 tỉ USD mới chỉ là “móng tay” của họa tham nhũng ở Brazil. Theo tạp chí Forbes (28-11-2013), tổn thất từ tham nhũng năm 2013 ở Brazil ước tính khoảng 53 tỉ USD.

Nếu chỉ nói tham nhũng “ăn” hết bao nhiêu tiền là không nhìn thấy đủ thực trạng dân chúng đã bị cướp mất bao nhiêu phúc lợi xã hội thay vì được hưởng.

Một nghiên cứu của Liên đoàn các ngành công nghiệp bang Sao Paulo cho biết tổn thất do tham nhũng ở Brazil hằng năm vào khoảng 1,38-2,3% GDP đất nước này (2.253 tỉ USD, năm 2012).

Số tiền 53 tỉ USD bị đánh cắp đó nếu dùng để xây thêm bệnh viện sẽ tăng gần gấp đôi số giường bệnh từ 367.397 lên 694.409 giường, còn nếu dùng để xây nhà thì sẽ có 2,9 triệu hộ không phải lâm cảnh “vô gia cư”, hoặc có thể xây được những 277 sân bay cho đất nước rộng đến hơn 8,5 triệu km2 quá cần đi lại bằng máy bay.

Thất thoát là thế, nhưng cũng cần nhìn thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả ở Brazil. Năm ngoái Brazil chỉ xếp hạng 69 trên danh sách chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế và chính cảnh sát Brazil đã phanh phui vụ tham ô bạc tỉ USD ở Petrobras.

Ở xứ sở samba, bộ máy cảnh sát hoạt động độc lập nên toàn tâm phục vụ nhân dân chứ không phục vụ đảng cầm quyền, dù là Đảng Người lao động hay Đảng Dân chủ xã hội. Tác chiến với cảnh sát còn có tổng kiểm toán nhà nước cùng hoạt động chống tham nhũng một cách độc lập.

Thế cho nên, năm 1992 tổng thống Fernando Affonso Collor de Mello mới bị truất phế vì tham nhũng chỉ hai năm sau khi nhậm chức. Lần đó, ngay lập tức Quốc hội Brazil sửa hiến pháp rút nhiệm kỳ tổng thống năm năm còn bốn năm để tránh nguy cơ “ở lâu mọc rễ”.

Trong vụ tham nhũng đang bị phanh phui lần này, cảnh sát và các cơ quan điều tra đã phát giác ra tính “hệ thống” của vụ việc: các nhà thầu chính lẫn các nhà thầu phụ “tự động” nâng khống 3% hóa đơn xây dựng để lấy số tiền dôi ra đó chia cho các “sếp”, và rằng Petrobras đã không chỉ “đút” đảng cầm quyền mà còn “đút” cho cả thủ lĩnh Aecio Neves đảng đối lập – coi như “cửa” nào Petrobras cũng “đặt” cả.

Chính nhờ tính độc lập đó mà giờ đảng cầm quyền phải thúc thủ nhìn 52 quan chức đảng mình ra tòa. Thậm chí Tổng thống Rousseff chỉ biết chối rằng đã chẳng hay biết gì về vụ “chia” 3% này, còn Bộ trưởng tư pháp José Eduardo Cardozo thì ú ớ than rằng “tham nhũng có chừa bất cứ một định chế nào đâu!”.

DANH ĐỨC