08/01/2025

Gắn camera theo dõi có hiệu quả?

Camera là “từ khoá” được đề cập nhiều mỗi khi xảy ra một câu chuyện nóng, gây xôn xao dư luận xã hội. Và hầu hết các giải pháp đưa ra đều dính dáng đến camera, xem camera như là một phần của giải pháp để giải quyết vấn đề.

 

Gắn camera theo dõi có hiệu quả?

 

Camera là “từ khoá” được đề cập nhiều mỗi khi xảy ra một câu chuyện nóng, gây xôn xao dư luận xã hội. Và hầu hết các giải pháp đưa ra đều dính dáng đến camera, xem camera như là một phần của giải pháp để giải quyết vấn đề.




 

 

Camera được gắn tại trường học – Ảnh: Như Hùng

Camera theo dõi đã được xem như một hình thức “răn đe”. Các trường học, trung tâm, bệnh viện, sân bay, nhiều cơ quan, đường phố… cũng đã được gắn camera, nhưng vì sao bạo hành và các hình thức nhũng nhiễu người dân khác vẫn xuất hiện?

Ông Trần Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng – cho rằng vì tình trạng nhũng nhiễu đã thành “nết” nên camera không còn hiệu quả nữa.

Ông Tuấn nói:

– Camera là thiết bị ghi nhận hình ảnh, lắp đặt với mục tiêu theo dõi thường xuyên phát hiện những vấn đề không mong muốn xảy ra ở khu vực được quan tâm. Khi biết có camera được lắp đặt, người ta sợ bị phát hiện xử phạt nên sẽ điều chỉnh hành vi của mình vào khuôn khổ, ứng xử đúng theo quy định chung, theo luật pháp.

Tuy nhiên khắp nơi treo camera có nghĩa là nguy cơ vi phạm luật pháp diễn ra rất phổ biến, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc phát hiện xử lý sẽ rất khó khăn nếu không có bằng chứng khách quan là hình ảnh.

Vì thế khi có điều kiện, người ta đưa camera vào theo dõi, nhưng việc theo dõi sẽ rất khó có hiệu quả nếu nhũng nhiễu đã thành “nết” và biết cách che giấu.

“Quen mất nết đi rồi!”

* Việc treo camera khắp nơi, theo ông, có ý nghĩa gì hay không khi bạo hành vẫn xảy ra tại cơ sở chăm sóc trẻ thiệt thòi, nhiều cán bộ công chức vẫn bị người dân phàn nàn là nhũng nhiễu, người vi phạm luật giao thông không giảm, thưa ông?

– Có camera theo dõi mà tình trạng trên vẫn cứ xảy ra thể hiện treo camera chẳng có tác dụng gì cho việc ngăn chặn những vấn đề trên. Hoặc là các bằng chứng do camera cung cấp đã không được sử dụng để xử lý vấn đề, hoặc là có sử dụng để xử lý nhưng chế tài không đủ sức mạnh răn đe với người vi phạm.

Cũng có thể xảy ra tình huống khác, đó là những người làm việc ở môi trường này đã rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm trí nên không phân biệt được hành vi của mình là vi phạm luật pháp.

Điều này tôi nói ra cho đủ thôi, chứ đâu ra tỉ lệ rối nhiễu tâm trí cao như thế ở nhân viên công vụ, hoặc là môi trường ở đó đang tồn tại những yếu tố rất bất thường đến mức ai làm việc ở đó đều không điều chỉnh được hành vi của mình, đến mức trước sau gì cũng sẽ dẫn đến những hành vi xấu như bạo lực (với trẻ), tham nhũng (với cán bộ công chức).

* Có người cho rằng đặt camera để phòng nhũng nhiễu, nhưng ở đâu cũng phải đề phòng thì có phải là mất lòng tin? Làm sao triệt tiêu được cái xấu ở những nơi bị người ta mất lòng tin?

– Nói mất lòng tin chưa phù hợp lắm, nói “mất nết” mới đúng. Nhũng nhiễu của nhân viên thi hành công vụ là hành vi xấu, không thể chấp nhận đối với một xã hội có chuẩn mực đạo lý.

Nhưng khi hành vi xấu, vi phạm luật pháp này lại diễn ra ở khắp nơi, nhân viên công vụ nào cũng có thể mắc phải, đến mức đặt camera để có bằng chứng xử lý cũng không có tác dụng răn đe, chứng tỏ cái xấu đã được mặc nhận ở những đối tượng này!

Họ chấp nhận mang cái xấu này, chấp nhận nguy cơ bị phát hiện, xử lý! Tâm lý của họ như vậy phải giải thích rằng “quen mất nết đi rồi!”.

“Dịch vụ của dân”

* Những dịch vụ công là những nơi hay phải đặt camera nhất. Theo ông, phải làm gì để trả lại đúng bản chất cho nơi này?

– Như tôi đã phân tích ở trên, cái xấu nhũng nhiễu ở dịch vụ công đã trở thành “nết” của các công chức, nếu muốn sửa thì phải tuân thủ theo nguyên tắc “sửa nết”. Nhớ là các cụ đã dạy rằng để cái xấu trở thành “nết” thì sửa khó lắm! “Đánh (cho) chết (cái) nết không chừa” mà.

Trường hợp này, cần xác định là cái nết xấu này chỉ xảy ra ở dịch vụ công! Người nhiễm nết này không phải “từ hồi bé thơ” mà đã “tuổi trưởng thành”, sau khi học hành xong đi vào môi trường làm việc công, và bị nhiễm nết xấu nhũng nhiễu từ cái “môi trường công” này.

Vậy cách tốt nhất, theo tôi, là phải chuyển các dịch vụ công này trở thành “dịch vụ của dân”, thay hẳn cái môi trường, cái gốc nuôi dưỡng cái xấu thì chắc chắn sẽ sửa được “nết” nhũng nhiễu.

* Hiện tượng nhũng nhiễu hay có khi là bạo hành gây mất lòng tin đang xảy ra ở đâu? Và gốc gác của vấn đề này là gì?

– Những nơi mà nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ không cân bằng thì dễ xảy ra nhũng nhiễu. Như trường học chẳng hạn, ai chẳng muốn xin cho con vào trường tốt mà số lượng trường tốt (có khi chỉ tốt cơ sở vật chất hoặc điều kiện chăm sóc trẻ chẳng hạn) thì có hạn thôi.

Hay ở dịch vụ khám chữa bệnh thì hiện nay ai chẳng biết là càng lên tuyến trên càng quá tải, nhu cầu của người dân rất cao mà số lượng giường bệnh, bệnh viện bao nhiêu năm nay mới chỉ tăng được chút ít. Rồi dịch vụ xin việc làm, đi lại… cũng dễ xảy ra nhũng nhiễu.

Cái gốc của vấn đề là nó đang được vận hành chưa phù hợp, chưa minh bạch, còn người vận hành nó thì như tôi nói đã bị nhiễm nết xấu, vì bỗng dưng trở thành người có quyền.

Ngay cô cán bộ ở phường có khi cũng nói năng gắt gỏng, mặt mũi kém tươi vui với người dân dù cô ấy đang đại diện thực hiện dịch vụ công. Đó là bỗng dưng cô ấy có “quyền” mà chưa được giáo dục rằng cô đang cung cấp dịch vụ để được trả lương.

Ông Trần Tuấn – Ảnh: Mạnh Tiến

* Như ông nói là cần đưa các dịch vụ công thành dịch vụ của dân, điều đó sẽ giúp ích gì để xóa đi những nguy cơ gây nhũng nhiễu, bạo hành, bực mình ở các dịch vụ công hiện nay?

– Đó là chuyển dịch vụ công thành hình thức tư nhân vận hành hoặc dịch vụ phi lợi nhuận. Nhũng nhiễu ở các dịch vụ công hiện nay bản chất là hình thức tham nhũng, gây khó dễ cho người dân để vòi vĩnh mà đã tạo những hình ảnh rất xấu khi người dân nghĩ về người đang làm dịch vụ công.

Nhưng nếu chuyển sang tư nhân vận hành, hoặc các dịch vụ phi lợi nhuận thì đã chuyển từ quyền lực của nhà nước sang hình thức dịch vụ, theo hướng người dân trả mức phí nhất định và được nhận dịch vụ ở mức độ chất lượng có cạnh tranh, hài lòng người ta mới đến.

Tôi không nói là khi chuyển sang tư nhân vận hành không có nghĩa không còn bắt chẹt lẫn nhau, nhưng lúc đó là vai trò giám sát và thực thi của cơ quan pháp luật, xử lý thật nghiêm hành vi bắt chẹt người dân. Và khi đã có các dịch vụ công cùng cạnh tranh nhau thì ai cũng muốn cung cấp dịch vụ chất lượng thật tốt để thu hút nhiều người đến làm dịch vụ. Lúc đó sẽ tự khắc hết nhũng nhiễu mà không cần phải treo camera như một hình thức giám sát nhưng hiệu quả thấp như hiện nay.


LAN ANH thực hiện