Nhập vàng và xuất gạo
Năm 1988 VN rúng động với những thảm cảnh nghèo đói. Chính phủ phải đau đáu trách nhiệm chạy gạo cho dân ăn. Thế mà sang năm 1989 nền nông nghiệp VN như “bước ra từ giấc mơ”.
Nhập vàng và xuất gạo
Năm 1988 VN rúng động với những thảm cảnh nghèo đói. Chính phủ phải đau đáu trách nhiệm chạy gạo cho dân ăn. Thế mà sang năm 1989 nền nông nghiệp VN như “bước ra từ giấc mơ”.
Hơn 30 năm, nhắc lại lý do nhập vàng, sau khi phải vét ngân khố bán ra 40 tấn, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành trầm ngâm kể: “Cuối những năm 1980, VN lạm phát 780%, thực tế còn cao hơn. Người dân đói, phải độn cả bo bo, rau khoai. Tiền mất giá chóng mặt, miếng ăn đồng bào càng teo tóp. Tình hình này cứ kéo dài thì thế nào?”.
Vào thời khó khăn Việt Nam phải vay gạo của Indonesia. Nay thì mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng trăm tấn gạo sang Indonesia – Ảnh: T.Đạm |
Thương vụ nhập vàng
Ông Thành kể cuối năm 1987 có cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Chính phủ trình bày biện pháp nhằm tháo gỡ tình hình khó khăn.
Về lương thực thì xuất Nam, nhập Bắc cho nhanh và giảm phí vận tải. Xóa bỏ các trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ, cho thị trường hàng hoá lưu thông. Nhập khẩu và kinh doanh vàng để lấy vàng làm “kim bản vị” góp phần giảm lạm phát…
“Tôi vẫn nhớ sau hai ngày thảo luận, nhiều giải pháp được thông qua, riêng chuyện nhập vàng bị ách lại. Nó làm nhiều người bất ngờ, kể cả một số cán bộ cấp cao. VN vừa phải vét vàng đi bán trả nợ, lo miếng ăn, giờ lại bàn chuyện nhập vàng. Có gì đó mâu thuẫn không?”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận hội nghị cũng không đá động gì đến vàng. Những người khác cũng không có ý kiến gì.
“Hồi ấy nhiều người vẫn nghĩ vàng bạc là gì to tát, tư sản quá, có phù hợp cho nhà nước xã hội chủ nghĩa làm kinh doanh không. Tôi khẳng định có gì ghê gớm đâu. Hồi còn kháng chiến chống Pháp, tôi biết một gia đình chỉ bán trầu cau ở miền Nam mà cũng mua dành được cả đấu vàng chôn gốc cây. Sau năm 1975 tôi vào chơi, họ vẫn còn giữ được 30 lượng vàng. Dân mình ai chẳng muốn có tí vàng phòng thân. Thật sự vàng là hàng hoá quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát đồng tiền”.
Không nản chí, hôm sau ông Thành tiếp tục thuyết phục ông Phạm Hùng. Sau đó cả hai trình bày lại với ông Nguyễn Văn Linh. Chỉ 15 phút họp trong phòng riêng, ông Linh đồng ý ngay. Khi tiễn khách về, ông Linh còn nói với ông Thành: “Tôi với anh cùng Hai Hùng chịu trách nhiệm với trung ương. Thành cứ làm, nhưng không cần phổ biến rộng”.
Ông Thành về bàn tiếp với tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Lữ Minh Châu (lúc ấy chưa gọi là thống đốc) và định phân trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp làm. Tuy nhiên, cuối cùng thương vụ đặc biệt này được giao cho Bộ Ngoại thương do ông Đoàn Duy Thành phụ trách.
Mọi thủ tục được tiến hành khá nhanh. Tổng công ty Xuất nhập khẩu kỹ thuật dầu khí Petechim của Bộ Ngoại thương “mở đường” nhập chuyến đầu tiên làm kinh nghiệm. 15 tấn vàng được đơn vị nhập về từ Hong Kong. Món hàng đặc biệt này được chuyển trên máy bay về TP.HCM.
Các doanh nghiệp, tư nhân xếp hàng đăng ký mua loại vàng thỏi này về chế lại vàng lượng để bán lẻ. Tỉ lệ lời lãi của chuyến kinh doanh này rất cao. Nhà nước thu được ngân sách.
Đồng tiền gây lạm phát trên thị trường cũng hút bớt vào loại hàng hoá đặc biệt này. Các thương vụ kế tiếp được nhanh chóng tiến hành. TP.HCM và các tỉnh phía Nam cử người ra Bộ Ngoại thương để xin quota nhập vàng.
“Tôi còn nhớ trong khi miền Nam tranh kiếm suất nhập vàng thì miền Bắc chỉ có Hà Nội xin nhập 10 tấn. Tuy nhiên thủ tục vay tiền, mở L/C chậm trễ đến sáu tháng mới xong. Chuyến đầu chỉ có 900kg vàng thỏi được chở bằng tàu biển từ Hong Kong về cảng Hải Phòng. Chính ông Trần Tấn, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo trực tiếp.
Hồi ấy đường 5 Hà Nội – Hải Phòng lại hay bị cướp bóc có vũ khí. Đội bảo vệ phải tính toán đánh lạc hướng. Một lộ trình vòng đặc biệt được thực hiện từ Hải Phòng qua Nam Định ra quốc lộ 1 để về Hà Nội.
Đường xa hơn, nhưng khó ai ngờ xe hàng đặc biệt như vậy lại đi thêm đường vòng”- ông Thành kể thêm xe chở 900kg vàng về đến Hà Nội thì đã giữa đêm, phải tạm dừng ở ngay trụ sở UBND thành phố trong sự bảo vệ chặt chẽ của công an.
Sau đó, chính ông Thành đã góp ý: “Có gần 1 tấn vàng cứ cho vào xe Uoát quân đội chạy một mạch từ Hải Phòng về Hà Nội, rồi gửi ngay vào ngân hàng, làm gì phải đi đường vòng cho người ta thêm nghi ngờ”.
Tổng cộng đến tháng 4-1990, VN đã nhập khoảng 160 tấn vàng, không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, mà còn góp phần rất quan trọng hạ cơn sốt lạm phát từ 780% vào năm 1986 xuống còn 67% năm 1990.
Ông Lê Văn Triết, nguyên bộ trưởng thương mại trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ – Ảnh: Q.V. |
“Làn gió đổi mới phả đến từng cánh đồng”
“Hồi cả nước còn chìm ngập trong đói kém, tôi có anh tài xế rất lém. Tranh thủ lúc sáng sớm, anh xếp hàng đi mua rau muống cho vợ con ở Hà Nội. Anh đã mua được một bó tiêu chuẩn, lại quay vòng ra sau xếp hàng để mua thêm bó nữa. Mấy bà phát hiện la làng.
Anh cười hề hề trả lời: “Có gì đâu. Tôi mua cho hôm nay, mua cho ngày mai, mua cho mai sau”- nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết vẫn nhớ nhiều kỷ niệm buồn cười và khó quên như vậy. Một kinh nghiệm máu xương cho dân tộc.
Ngay năm 1988 VN còn phải nhập nửa triệu tấn lương thực. Xã hội rúng động với những thảm cảnh nghèo đói như “Cái đêm hôm ấy đêm gì” ở Thanh Hoá. Chính phủ vẫn phải đau đáu trách nhiệm chạy gạo cho dân ăn. Thế mà sang năm 1989 nền nông nghiệp VN như “bước ra từ giấc mơ”: sản xuất được 24,4 triệu tấn lúa.
Ông Lê Văn Triết (lúc ấy là thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại) đến gõ cửa Chính phủ xin xuất gạo. Chính ông Phạm Hùng hỏi: “Ông điên à? Mới năm rồi còn nhập gần nửa triệu tấn lương thực cứu đói, sao năm nay lại xuất? Còn việc Chính phủ giao bán 200.000 thùng dầu thô để lấy đôla nhập gạo về, các ông lo xong chưa?”.
“Tôi nắm tình hình vựa lúa miền Tây rồi, năm nay dư gạo ăn. Mình xuất gạo dư lấy đôla nhập phân bón và các nguyên liệu khác”- ông Triết trả lời.
Ông Phạm Hùng im lặng, rồi nói để xem lại. Bất ngờ, ngay tối hôm sau đích thân ông Phạm Hùng gọi điện kêu ông Triết sang. Vừa thấy mặt ông Triết, ông Phạm Hùng nói ngay: “Tôi nắm tình hình rồi. Các anh lo xuất gạo ngay đi”.
Nhiều chuyện như “giấc mơ” từ địa phương. Các trạm thu mua mới năm trước còn vác súng AK ép dân làm nghĩa vụ bán lúa nhà nước. Sang năm 1989, dân ùn ùn chở lúa tới bán theo giá thỏa thuận nhiều đến mức trạm trưởng phải bỏ trốn vì không còn kho trữ. Ông Triết nhớ 1,4 triệu tấn gạo xuất đầu tiên được lấy từ Long An, Tiền Giang, An Giang…
Thị trường xuất là Philippines và một số quốc gia khác. Là giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang thời kỳ này, ông Nguyễn Minh Nhị kể: “Làn gió đổi mới xóa bỏ nền nông nghiệp tập thể đã lập tức phả đến từng cánh đồng. Nông dân được trả ruộng, trả máy cày, tự do mua bán. Sản lượng lúa An Giang từ 500.000 tấn năm 1976 tăng lên cả triệu tấn ngay trong vụ mùa năm 1989-1990. Nông dân được bán theo giá thỏa thuận, công ty thu mua không kịp. Gạo An Giang góp phần ngay trong lô xuất đầu tiên”.
Giấc mơ ấm no thành sự thật, xuất phát từ chính thực tiễn thúc đẩy đường lối đổi mới. Cùng với hàng loạt thay đổi tư duy điều hành kinh tế – xã hội như bước ngoặt nông nghiệp đã giúp VN giã từ bo bo.
Và chén cơm người dân đã đầy hơn…