Câu trả lời cho ‘đại dịch cận thị’: ánh nắng
Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều người “bốn mắt”. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á, đơn cử 96% thanh niên 20 tuổi ở Hàn Quốc cận thị. Lý do? Ít chơi ngoài trời.
Câu trả lời cho ‘đại dịch cận thị’: ánh nắng
Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều người “bốn mắt”. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á, đơn cử 96% thanh niên 20 tuổi ở Hàn Quốc cận thị. Lý do? Ít chơi ngoài trời.
Học sinh trung học cận thị – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Người người “bốn mắt”
Vào thời điểm 1955, tỉ lệ người Hàn Quốc độ tuổi 20 cận thị chỉ ở con số 18%. Vậy mà tới 2011, con số đó đã nhảy vọt lên 96% như kể trên.
Mà đâu chỉ có Hàn Quốc. Cả Hồng Kông, Singapore, Đài Loan đều có tỉ lệ cận thị nằm xung quanh con số 80%.
Ở các khu vực khác trên thế giới, cận thị cũng gia tăng, chẳng hạn từ 25% ở Mỹ trong thập niên 70 của thế kỷ trước lên mức khoảng 40% hiện nay. Nhưng rõ ràng, châu Á vẫn cứ là “điểm nóng cận thị” đáng chú ý nhất.
Từ lâu, người ta vẫn cho rằng thời đại số hóa là thủ phạm gắn “cặp đít chai” lên mắt giới trẻ. Tivi, điện thoại, máy tính…, sự bùng nổ của các thiết bị này khiến con nít và thanh niên thời nay suốt ngày dán mắt vào màn hình, chăm chú đọc, miệt mài chơi.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại có ý kiến khác.
Thiếu thứ không bao giờ thiếu
Hãng truyền thông CNN dẫn lời Ian Morgan, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc phát biểu: “Nếu trẻ con ra ngoài trời đủ mức, chuyện học hành nhiều bao nhiêu cũng không quan trọng. Bọn trẻ sẽ không bị cận thị”.
Học sinh tiểu học cũng cận thị – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Giới chuyên môn cho rằng, trẻ con và thiếu niên rất cần ánh nắng mặt trời trong những giai đoạn quan trọng này, khi nhãn cầu vẫn đang còn phát triển.
Cơ chế ánh nắng mặt trời bảo vệ mắt ra sao vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo. Tuy nhiên, một học thuyết cho rằng, ánh nắng kích thích sự phóng thích dopamine trong võng mạc, một học thuyết khác thì nhận định tia sáng xanh trong ánh nắng mặt trời bảo vệ mắt khỏi cận thị.
Dù thế nào chăng nữa, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Singapore Seang Mei Saw cho rằng giải pháp cực kỳ đơn giản: “Hãy để cho trẻ con được ra ngoài trời, bớt áp lực học hành, cho chúng chút thư giãn”.
Dễ giải quyết như cận thị?
Nhưng đôi khi, con người luôn làm cho chuyện đơn giản trở thành không thể.
Áp lực học hành nặng nề khiến rất nhiều học sinh không còn giờ ra sân chơi – Ảnh: Reuters
|
Áp lực học hành nặng nề tại châu Á lên trẻ con được cho là nguyên nhân khiến tật cận thị bùng nổ ở khu vực này. Học quá nhiều có nghĩa là không có giờ ra sân chơi, là thiếu ánh nắng mặt trời.
Với nhiều bậc phụ huynh, cận thị chỉ là chuyện nhỏ, gắn cặp kính cận hoặc đơn giản hơn, mổ laser là giải quyết gọn nhẹ.
Nhưng giới chuyên môn thì có nhiều quan ngại. Theo lãnh đạo khoa cận thị tại Viện nghiên cứu mắt Singapore thì khi những người cận thị về già, họ đối mặt với nguy cơ cao hơn bình thường bị glaucoma (cườm nước), đục thuỷ tinh thể và bong võng mạc. Tất cả đều là những bệnh lý có thể làm mất thị lực và mù loà.
Muốn dễ hay muốn khó?
Chẳng phải là người ta không nhận ra tình hình thực tế. Ở Trung Quốc, từ năm 1963, Bộ Giáo dục bắt buộc các trường áp dụng chương trình tập mắt cho học sinh. Thế nên ngày ngày, các học sinh ngồi tại bàn học massage khu vực quanh mắt theo chỉ thị này.
Nhưng tính hiệu quả không được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Một bằng chứng dễ thấy nhất: tỉ lệ cận thị ở một số thành phố Trung Quốc lên đến 90%, theo CNN.
“Trung Quốc là một trong những nơi có tỉ lệ cận thị cao nhất hành tinh và là nước duy nhất trên thế giới áp dụng tập mắt”, giáo sư, bác sĩ mắt ở Trung Quốc tên Nathan Condon phát biểu.
Giải quyết chuyện cận thị không đơn giản như nhiều phụ huynh nghĩ – Ảnh: Shutterstock
|
Cũng ở Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra một giải pháp khác mong cải thiện tình hình.
“Lớp học đầy ánh sáng” là một dự án đang được thực hiện tại tỉnh Quảng Đông. Người ta đã làm những lớp học có tường và trần bằng loại nhựa trong, cho phép ánh sáng xuyên qua, tha hồ “đậu lại” trên mắt học sinh ngay cả trong giờ học.
Hàng trăm trẻ em tại một trường tiểu học ở tỉnh Quảng Đông đang được thử nghiệm chương trình này.
Nhà nghiên cứu Morgan tại Đại học quốc gia Úc giải thích: “Đó là một cách để tăng lượng ánh sáng, hy vọng ngăn chặn được tình trạng cận thị và cho phép trẻ con tiếp tục học mà không bị phiền toái gì”.
Nhưng thay đổi cấu trúc trường học như thế này rõ là tốn kém. Chưa kể những rắc rối do việc suốt ngày phải phơi dưới nắng gây ra.
Giải pháp đôi khi rất đơn giản, chỉ là có muốn làm hay không mà thôi.
Trong một chương trình nghiên cứu ở Đài Loan vào năm 2013, giáo viên khóa hết cửa lớp lại trong giờ ra chơi, “lùa” lũ trẻ ra sân, “bắt” chúng phải chơi ở ngoài trời. Khoảng thời gian ở ngoài trời trong một ngày học của mỗi đứa trẻ là 80 phút.
Giới chuyên môn hy vọng rằng nhận thức tốt hơn của phụ huynh và đặc biệt là những người làm công tác giáo dục sẽ cứu được thế hệ tương lai khỏi “đại dịch cận thị”.
Kiều Oanh