08/01/2025

Làm sao giảm gánh nặng viện phí?

Thông tin “Viện phí sẽ tăng” (Tuổi Trẻ ngày 8-4) đã làm tăng nỗi lo âu của người bệnh, nhất là những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

 

Làm sao giảm gánh nặng viện phí?

 

 Thông tin “Viện phí sẽ tăng” (Tuổi Trẻ ngày 8-4) đã làm tăng nỗi lo âu của người bệnh, nhất là những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). 

 

 

 

Đóng viện phí tại Bệnh viện K (Hà Nội) – Ảnh: Việt Dũng

Chúng tôi giới thiệu các ý kiến bàn cách giảm bớt gánh nặng viện phí cho người bệnh.

* Bà Nguyễn Thị Đương (63 tuổi ở Hậu Lộc, Thanh Hoá, điều trị ung thư vú tại Bệnh viện K):

Chất lượng phục vụ phải tăng

Hiện nay tôi được thanh toán BHYT 80%, nhưng với mức chi trả hiện tại tôi đã phải chật vật với các loại phí ngoài bảo hiểm và các phí sinh hoạt trong thời gian điều trị khác, nên khi biết thông tin sẽ tăng viện phí tôi cảm thấy lo.

Tôi vẫn đồng tình với việc tăng viện phí nhưng mong muốn Nhà nước tính toán lần tăng viện phí này sao cho hợp lý để giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân khó khăn như tôi. Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Nếu tăng viện phí thì phải đảm bảo đầy đủ giường nằm, chăn màn cho chúng tôi vì hiện tại chúng tôi phải nằm ghép 2-3 người một giường rất bất tiện.

Nhiều khi tôi phải ra cầu thang ngủ để nhường giường cho những bệnh nhân nặng hơn, nhưng ở cầu thang vừa lạnh vừa bị muỗi đốt, mua giường gấp hoặc chăn màn để tránh muỗi thì bệnh viện không cho, hoặc khi phát hiện được thì tịch thu của chúng tôi.

* Chị Phạm Thị Thu Thuỷ (40 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Chưa có điều kiện mua BHYT

Hằng ngày tôi rửa chén tại một quán bún nhỏ gần nhà, tối đi phụ việc nhà cho một người khác. Nếu đi làm đầy đủ các ngày trong một tháng, tôi nhận được 4,5 triệu đồng.

Chồng tôi là thợ sơn nước, công việc bấp bênh, ngày có việc mới kiếm được 120.000 đồng.

Gia đình tôi còn có con nhỏ 8 tuổi đang đi học. Thu nhập của vợ chồng tôi khá bấp bênh nên chỉ tập trung cho những khoản chi tiêu bắt buộc cho cuộc sống như tiền cho con đi học, tiền sữa cho con, tiền ăn trong gia đình, điện, nước…

Từ nhiều năm nay tôi và chồng tôi đều không mua BHYT vì không có tiền. Những lúc bệnh, tôi không đến bệnh viện khám mà thường ra nhà thuốc mua uống. Nếu sắp tới viện phí tăng thì chúng tôi cũng đành chịu.

Mua BHYT cho hai vợ chồng giờ cũng mất cả triệu đồng, thôi thì lúc nào mắc bệnh sẽ tính tiếp.

* Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Tăng viện phí nên song hành với BHYT toàn dân

Việc tính đúng tính đủ giá viện phí là cần thiết. Tuy nhiên, viện phí tăng trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những người cận nghèo, thậm chí những người có thu nhập trung bình nếu không mua BHYT, nhất là khi những người này chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo như viêm gan siêu vi B, ung thư… sẽ rất khó khăn trong chi trả viện phí.

Nhiều người dân đã gặp khó khăn trong chi trả viện phí từ lần tăng viện phí một vài năm trước. Hiện vẫn còn nhiều người dân chưa mua được BHYT, nếu tiếp tục tăng viện phí sẽ làm người dân càng khó khăn hơn trong quá trình điều trị bệnh.

Trong thực tế có những bệnh nhân ung thư bỏ điều trị vì không thể chi trả cho những kỹ thuật đắt tiền.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, lộ trình tăng viện phí cần phải đi song hành với lộ trình BHYT toàn dân, vì khi càng nhiều người dân tham gia BHYT thì việc tăng viện phí càng ít bị ảnh hưởng.

Trong khi nước ta đang phấn đấu đến năm 2020 mới có 80% người dân tham gia BHYT mà áp dụng tăng viện phí ngay trong năm 2015 liệu có phù hợp?

Thêm vào đó, tăng viện phí có tăng rõ rệt chất lượng điều trị, phục vụ bệnh nhân vẫn là câu hỏi được nhiều người dân quan tâm.

Dù hiện nay các bệnh viện cũng đang có những nỗ lực để tăng chất lượng dịch vụ như phòng khám bệnh khang trang hơn, gắn máy lạnh ở phòng khám…, nhưng tăng viện phí để tăng chất lượng điều trị, phục vụ như bệnh nhân mong đợi chỉ trong một thời gian ngắn là không hề dễ dàng.

* Ông Nguyễn Nam Liên (vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế):

Huy động nhiều nguồn vốn để mua BHYT

Về cơ bản, điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến 23,7 triệu người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên hiện nay mới có 40% người cận nghèo có thẻ BHYT, dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh thành sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, Bộ Y tế đã huy động một số dự án ODA, kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm… để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, cố gắng huy động người cận nghèo tham gia BHYT.

Để hạn chế tác động đối với người bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá thẻ, để người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, đồng thời giảm mức đóng BHYT khi tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, những người phải cùng chi trả 20% phí khám chữa bệnh và nhóm không có thẻ BHYT bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên quan điểm chung khi ban hành chính sách này (điều chỉnh giá dịch vụ y tế – P.V) là để khuyến khích người dân tham gia BHYT, vì thực tế hiện nay giá thẻ thấp, chi trả thấp nên nhiều người không thuộc diện hỗ trợ mua thẻ BHYT không tham gia bảo hiểm mà bỏ tiền túi ra chi trả. Khi điều chỉnh giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT.

* Bà Tống Thị Song Hương (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế):

Áp dụng nhiều hình thức vận động

Hiện nay còn khoảng 29% dân số chưa tham gia BHYT. Mỗi nhóm đối tượng cần có cách vận động khác nhau. Như nhóm người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa mà chủ sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm, hiện nay các quy định xử phạt có đầy đủ rồi, phải quyết liệt để huy động nốt 50% người lao động chưa tham gia bảo hiểm.

Đối với nhóm lao động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – thương binh và xã hội có hướng dẫn để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm cho họ.

Với nhóm tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, năm 2015 này với hướng dẫn bổ sung mới của Bảo hiểm xã hội VN sẽ duy trì được những người đã tham gia bảo hiểm, tiếp tục vận động những người còn lại tham gia trong thời gian tới.

Riêng với nhóm người cận nghèo, trong số 4 triệu người chưa có BHYT thì nhóm người cận nghèo sống ở 61 huyện nghèo nhất nước, những người mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 100% phí tham gia BHYT.

Hiện đã có 20/63 tỉnh dùng ngân sách hỗ trợ 30% phí mua BHYT (70% còn lại do ngân sách nhà nước chi trả), khoảng 10 tỉnh thành hỗ trợ 10-15% phí. Như vậy có trên 40 địa phương người cận nghèo phải đóng từ 10-30% phí BHYT, phần còn lại đã có ngân sách nhà nước và địa phương chi trả.

Tuy nhiên phát triển người tham gia bảo hiểm trong nhóm này chậm một phần vì người cận nghèo ít thông tin, công tác tuyên truyền cũng chưa tốt nên họ chưa biết được lợi ích của BHYT, bởi nếu phải đóng 30% phí cũng chỉ có 200.000 đồng/năm. 

L.ANH ghi

LAN ANH – THUỲ DƯƠNG – QUỲNH LIÊN ghi