09/01/2025

Kinh tế thị trường ‘màu sắc Triều Tiên’

Nền kinh tế bí ẩn của CHDCND Triều Tiên được cho là đang có những chuyển động ngầm hết sức sôi động theo hướng ngày càng cởi mở.

 

Kinh tế thị trường ‘màu sắc Triều Tiên’

 

 

Nền kinh tế bí ẩn của CHDCND Triều Tiên được cho là đang có những chuyển động ngầm hết sức sôi động theo hướng ngày càng cởi mở.

 

 

 

Cầu Hữu nghị nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: AFP

Cầu Hữu nghị nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên – Ảnh: AFP

Từ lâu, dư luận thế giới tin rằng những biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và LHQ góp phần khiến kinh tế Triều Tiên suy sụp. Tình trạng này bị cho là càng trở nên tồi tệ hơn từ khi Trung Quốc, đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên, ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ trừng phạt nước láng giềng sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hồi đầu năm 2013. Tuy nhiên, nhiều bài viết của báo giới phương Tây về hoạt động kinh doanh và chi tiêu của người Triều Tiên cho thấy quan niệm trên có thể là sai lầm.

“Kinh tế thị trường”
Theo tờ The Washington Post, ở thành phố Đan Đông của Trung Quốc giáp giới với Triều Tiên hiện có hàng chục nhà máy do Bình Nhưỡng vận hành, sản xuất quần áo cùng nhiều mặt hàng khác để xuất khẩu sang cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những sản phẩm này được ghi là “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đã mang lại nguồn tài chính không nhỏ cho Triều Tiên.
Một quản lý nhà máy dệt may Triều Tiên họ Kim ở Đan Đông khẳng định với The Washington Post ông không có vướng mắc gì khi “phục vụ” cho những nước thù địch như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật và nhấn mạnh chỉ quan tâm đến việc làm sao để có lợi nhuận tối đa cho đất nước. Hiện có khoảng 13.000 người đang làm việc ở Đan Đông. Theo ông Kim, trong nhà máy của ông, công nhân có mức lương 300 USD (hơn 6,4 triệu đồng)/tháng. Họ giữ 1/3 lương và gửi phần còn lại về cho chính quyền.
The Washington Post còn dẫn lời nhiều doanh nhân tại Đan Đông nhận định nền kinh tế Triều Tiên thực chất đang hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Thậm chí, nhiều công ty nhà nước đã được trao quyền tuyển và sa thải công nhân, điều mà trước đây bị cho là không thể hình dung nổi, và hoạt động kinh doanh theo cách mà họ thấy là tốt nhất.
Bên cạnh đó, người Triều Tiên được cho là ngày càng mạnh dạn chi tiêu. “Mặt hàng ngày càng đa dạng, những địa điểm mua sắm cho người dân cũng tăng lên. Tôi thấy nhiều người sẵn sàng bỏ ra 500 USD để mua điện thoại di động”, một du khách thường xuyên đến Bình Nhưỡng cho Reuters hay. Cùng với mức tăng thu nhập, hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong thị trường chợ đen lẫn các cửa hàng nhà nước.
Những diễn biến trên được đánh giá là dấu hiệu thay đổi lớn kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền vào cuối năm 2011. Hồi tháng 2, tờ Chosun Ilbo dẫn thông báo từ Chương trình lương thực thế giới và Tổ chức Lương nông LHQ cho hay dù gặp hạn hán trong năm 2014, sản lượng lương thực của Triều Tiên vẫn đạt 5 triệu tấn gạo, bắp và đậu, mức cao nhất kể từ thập niên 1990. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hyundai của Hàn Quốc dự đoán kinh tế miền Bắc trong năm nay sẽ tăng trưởng 7%, mức “cực kỳ khác thường” đối với một nền kinh tế bị cho là bắt đầu sụp đổ từ giữa thập niên 1990.
Cơn sốt notel
Theo Reuters, một biểu tượng khác cho quá trình thay đổi ở Triều Tiên là sự xuất hiện của một thiết bị giải trí truyền thông đa năng có thể dùng để nghe nhạc hay xem lén các bộ phim bị cấm. Được gọi là notel, từ do người dân Triều Tiên tự nghĩ ra bằng cách kết hợp giữa “notebook” (máy tính xách tay) và “television” (ti vi), chiếc máy này do Trung Quốc sản xuất có giá 50 USD. Nhãn hiệu được ưa chuộng nhất là Sansung với logo có phần tương tự Samsung. Notel được dùng để xem DVD hoặc các nội dung được lưu trữ trong thiết bị USB. Reuters dẫn một số nguồn tin từ Triều Tiên tiết lộ 50% số người ở các thành thị sở hữu notel.
Máy notel rất được ưa chuộng tại Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters

Máy notel rất được ưa chuộng tại Bình Nhưỡng – Ảnh: Reuters

Sau một thời gian dài trôi nổi trên thị trường chợ đen, notel được hợp pháp hóa hồi năm ngoái và có mặt trên kệ của các cửa hàng quốc doanh. Người mua phải đăng ký với chính quyền và máy sẽ được kết nối với đài truyền hình, truyền thanh nhà nước để nhà chức trách có thể kiểm soát nội dung, theo trang tin Daily NK ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể mua được notel ở chợ đen để lén nghe nhạc pop Hàn Quốc, xem phim truyền hình của miền Nam lẫn phim Hollywood bằng đĩa lậu hoặc chép vào USB. Reuters dẫn lời một người Triều Tiên đào tẩu họ Lee kể: “Notel đủ nhỏ để giấu trong chăn hay trong tủ quần áo. Người ta thường “ngụy trang” bằng cách để sẵn một đĩa phim Triều Tiên trong máy rồi cắm USB vào xem phim Hàn Quốc. Với thiết bị này, không còn lo đang xem giữa chừng thì bị cúp điện hay kiểm tra”.
Một người đào tẩu khác thì tiết lộ trong năm ngoái, ông đã tuồn 18.000 máy từ Trung Quốc vào Triều Tiên. Phóng viên Reuters cũng đã tìm tới một thương gia ở thành phố biên giới Diên Cát của Trung Quốc để hỏi về giá bán sỉ notel và người này lập tức vồn vã chào mời: “Anh muốn gửi sang Triều Tiên à? Bao nhiêu cái? Lời lắm đó!”.

Văn Khoa