09/01/2025

Bắp biến đổi gen: cho trồng rồi lo

– Bắp biến đổi gen đang gây lo lắng về an toàn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu, nguy cơ nông dân lệ thuộc vào các hãng cung cấp hạt giống.

 

Bắp biến đổi gen: cho trồng rồi lo

 

Bắp biến đổi gen đang gây lo lắng về an toàn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu, nguy cơ nông dân lệ thuộc vào các hãng cung cấp hạt giống.



 

Nông dân Nguyễn Hồng Lâm (Đồng Nai) tại mảnh ruộng trồng bắp biến đổi gen chuẩn bị thu hoạch – Ảnh: Trần Mạnh

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chính thức cho trồng bắp biến đổi gen đang gây ra những lo lắng về an toàn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu cũng như nguy cơ nông dân lệ thuộc vào các hãng cung cấp hạt giống.

VN có cần thiết hay nhất thiết phải phát triển cây trồng biến đổi gen không? Đứng về góc độ kinh tế VN, theo tôi, phát triển bắp biến đổi gen là chưa cần thiết
GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc)

Bất chấp lo lắng của người tiêu dùng, tranh cãi của các nhà khoa học trên thế giới về tính an toàn thực phẩm biến đổi gen (GMO), Bộ NN&PTNT mới đây đã cấp chứng nhận cho hai công ty DeKalb (thuộc Monsanto Hoa Kỳ) và Syngenta VN được bán rộng rãi bắp biến đổi gen trên thị trường VN.

Sau khi được cho phép thương mại hoá từ ngày 18-3, đại diện hai công ty DeKalb và Syngenta cho biết sẽ triển khai các mô hình điểm trồng thử nghiệm các giống bắp biến đổi gen tại tất cả các vùng trồng bắp trọng điểm toàn quốc.

Nông dân thăm ruộng bắp biến đổi gen do Công ty Monsanto giới thiệu – Ảnh: T.M.

Chào mời nông dân

Ngày 2-4, gần 500 nông dân khu vực Đông Nam bộ đã tập trung về xã Lăng Minh, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai để trực tiếp xem mô hình trồng bắp biến đổi gen của Công ty DeKalb.

Nhiều quốc gia không chấp nhận cây trồng biến đổi gen

Dù diện tích và sản lượng cây trồng biến đổi gen tăng nhanh chóng trên toàn cầu trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia không chấp nhận loại cây trồng này hoặc chỉ giới hạn một số loại do lo ngại về vấn đề an toàn cho con người và môi trường.

Với việc cho phép các giống bắp của Monsanto và Syngenta trồng phổ biến từ ngày 18-3, VN là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép trồng thương mại các giống cây trồng biến đổi gen.

Châu Âu và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn không chấp nhận cây trồng biến đổi gen. Một số lô hàng của VN vào châu Âu đã buộc phải có chứng nhận không biến đổi gen (nonGMO) và xu hướng này còn tiếp tục trong thời gian tới. Nước Úc chỉ cho thương mại hóa cây bông vải, cải dầu và hoa biến đổi gen nhưng không cho phép trồng các cây lương thực biến đổi gen. Tại Đông Nam Á, VN mới là quốc gia thứ hai cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen sau Philippines.

Ông Nguyễn Hồng Lâm, một nông dân 64 tuổi, được DeKalb chọn để trồng thử nghiệm giống bắp biến đổi gen dẫn mọi người ra ruộng bắp chuẩn bị được thu hoạch.

Chỉ vào những trái bắp thẳng đều trên những thân cây đã khô, ông Lâm cho biết năng suất bắp biến đổi gen trồng lần đầu tiên có thể đạt trên 11 tấn bắp khô/ha, không thua kém gì loại bắp lai có sản lượng cao nhất mà ông đang trồng ở 2ha bên cạnh.

“Nhưng bắp biển đổi gen hơn hẳn bắp lai ở chỗ giảm lượng thuốc trừ sâu, trừ cỏ và công chăm sóc” – ông Lâm cho biết.

Ông Lâm phân tích nếu trồng bắp lai, sau khi gieo hạt 10 ngày phải phun thuốc lần đầu tiên để trừ sâu khoang và thuốc trừ cỏ dại.

Sau 30 ngày kể từ lúc gieo hạt, nông dân phải phun thuốc lần thứ hai để trừ sâu đục thân và trừ cỏ dại. Trong khi đó, nếu trồng bắp biến đổi gen không phải phun thuốc trừ sâu và chỉ phải phun thuốc trừ cỏ một lần ở thời điểm 30 ngày sau gieo hạt.

“Như vậy, nhờ không phải phun thuốc trừ sâu, giảm thuốc trừ cỏ và công làm thì mỗi hecta nông dân tiết kiệm được 2-3 triệu đồng” – ông Lâm tính toán. Sau khi nghe phía Công ty DeKalb giới thiệu, nông dân Nguyễn Minh Tâm đến từ xã Sông Nhơn (huyện Đức Linh, Bình Thuận) cho biết sẽ dùng loại bắp này cho vụ mới nếu giá bán hạt giống phù hợp. “Tất nhiên giá giống bắp biến đổi gen sẽ cao hơn bắp thường, nhưng nếu cao quá chúng tôi cũng không mua”.

Ông Nguyễn Hồng Chính, giám đốc đối ngoại của Công ty DeKalb, cho biết do đặc điểm thổ nhưỡng, năng suất và chi phí ở từng quốc gia khác nhau nên công ty sẽ có chính sách phù hợp với từng nước.

Thông thường, công ty sẽ lấy khoảng 25-30% giá trị tăng thêm mà bắp biến đổi gen đem lại cho nông dân. “Tức là nếu bắp biến đổi gen giúp tăng thu nhập của nông dân thêm 100 đồng so với bắp lai thì khoảng 25-30 đồng sẽ được tính vào giá hạt giống” – ông Chính cho biết.

Hiện Công ty DeKalb đang triển khai trên 100 điểm trồng thử nghiệm bắp biến đổi gen với nông dân trên toàn quốc để tính toán giá trị cộng thêm mà bắp biến đổi gen đem lại cho nông dân so với bắp lai để từ đó tính giá bán.

Dự kiến đến quý 4-2015 bắp biến đổi gen của Monsanto sẽ được bán đại trà cho người dân sử dụng. Ông Ngô Lành, giám đốc thương mại kỹ thuật Công ty Syngenta VN, cũng cho biết ngay đầu tháng 4, Syngenta cùng với đối tác phân phối bắt đầu giới thiệu lô hạt giống bắp biến đổi gen đầu tiên vào thị trường VN trước khi phân phối ra toàn quốc.

Nhân viên công ty cung cấp giống hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng bắp ở Đồng Tháp – Ảnh: CTV

“Bán bia kèm mồi”, bán giống kèm thuốc

Theo các chuyên gia nông nghiệp, giống bắp biến đổi gen thường được nông dân các nước chấp nhận cho thương mại hoá đón nhận trong thời gian đầu bởi có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với bắp thường ở khả năng kháng sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ.

Tuy nhiên, theo thời gian những ưu điểm này sẽ giảm dần trong khi tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn không chấp nhận cây trồng biến đổi gen và thực phẩm biến đổi gen.

Ngày 20-3, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (thuộc Tổ chức Y tế thế giới) đưa ra danh mục một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có thể có nguy cơ gây ung thư trong đó có chất glyphosate. Đây là thành phần chính của các loại thuốc trừ cỏ trong canh tác giống bắp biến đổi gen mà các công ty như Monsanto và Syngenta đang cung cấp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Chính, những thông tin như trên đang được các nhà khoa học nhiều nơi trên thế giới kiểm chứng và nhiều nhà khoa học đã không đồng tình với kết luận đó. “Bản thân glyphosate đã được các cơ quan chức năng đánh giá là hoá chất trừ cỏ an toàn và không có khả năng gây ung thư” – ông Chính nói.

Đặc biệt, theo một số chuyên gia nông nghiệp, nông dân không thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ có thành phần khác cho cây giống bắp biến đổi gen, vì sẽ gây chết cả cỏ và bắp. Một chuyên gia cho rằng về lý thuyết, nông dân có thể mua bất kỳ hoá chất diệt cỏ nào có gốc glyphosate để canh tác nhưng với việc độc quyền hạt giống, các công ty sẽ yêu cầu người dân phải mua luôn thuốc trừ cỏ của họ theo kiểu “bán bia kèm theo mồi”.

Nguy cơ phụ thuộc

Theo GS Nguyễn Quốc Vọng – Đại học RMIT Úc, những tranh cãi về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen cũng như các hóa chất dùng kèm theo loại cây trồng này chưa bao giờ kết thúc kể từ khi loại cây trồng này được nghiên cứu và thương mại hóa hơn 20 năm qua.

Nhiều nhà khoa học cho rằng bắp biến đổi gen an toàn như bắp lai nhưng nhiều quan điểm khác cho rằng thực phẩm GMO là không an toàn. Trong đó có ý kiến cho rằng nhiều khả năng khi công nghệ tương lai phát triển hơn, chúng ta sẽ phát hiện những nguy cơ từ thực phẩm biến đổi gen.

“Chuyện đó để tương lai trả lời, nhưng VN có cần thiết hay nhất thiết phải phát triển cây trồng biến đổi gen không?” – GS Nguyễn Quốc Vọng đặt câu hỏi.

Theo ông Vọng, đứng về góc độ kinh tế VN, phát triển bắp biến đổi gen là chưa cần thiết. Thứ nhất, một khi đã phụ thuộc vào cây trồng biến đổi gen, nông dân và quốc gia sẽ phụ thuộc vào loại cây trồng này.

Với những lợi thế như tăng năng suất, giảm chi phí, giảm công chăm sóc… cây trồng biến đổi gen sẽ nhanh chóng chiếm gần như 100% diện tích bắp ở một quốc gia. Như thế, nguồn giống của nông dân và quốc gia sẽ phụ thuộc vào một số nhà cung cấp. Các nhà sản xuất bắp lai trong nước sẽ bị xóa sổ.

Thứ hai, theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, con vật nào ăn thực phẩm biến đổi gen sẽ biến thành con vật biến đổi gen. Như vậy, liệu sản phẩm chăn nuôi của VN, đặc biệt là thuỷ sản gồm tôm và cá tra VN, có thể vào được EU và Nhật Bản, hai thị trường lớn nhất của VN nhưng lại không chấp nhận thực phẩm biến đổi gen, hay không?

Cũng theo ông Vọng, cách đây vài năm một công ty xuất khẩu bánh phồng tôm của VN vào Nhật đã bị trả hàng và tạm ngưng xuất khẩu vì nước này phát hiện sự kiện biến đổi gen trong sản phẩm của họ. Khi đó nhà xuất khẩu còn cho rằng VN không cho phép trồng và kinh doanh thực phẩm biến đổi gen.

Nhưng nay việc trồng bắp biến đổi gen đã được thông qua chính thức bằng văn bản, VN sẽ không thể viện cớ đó được nữa. “Bằng việc chấp nhận trồng bắp biến đổi gen, VN đã trao cho các đối thủ xuất khẩu nông sản của mình một cơ hội lớn để cạnh tranh. Ví dụ Thái Lan, đất nước chưa chấp nhận thực phẩm GMO, họ sẽ nói tôm của họ xuất khẩu mà không dùng thức ăn GMO thì VN sẽ gặp khó”.

Việt Nam đã dùng thực phẩm biến đổi gen từ lâu? 

Trao đổi với các doanh nhân Việt kiều hồi đầu năm nay, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết VN chấp nhận cây biến đổi gen bởi đây là một tiến bộ của khoa học thế giới, có thể giúp VN nâng cao năng suất cây trồng, giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Ông Phát cho biết mỗi năm VN nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina… về để chế biến thức ăn gia súc và làm thực phẩm, đó toàn là thực phẩm biến đổi gen.

Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho biết phần lớn đậu nành nhập khẩu về VN để chế biến dầu ăn, nước đậu nành hay đậu phụ toàn là hàng biến đổi gen. Các cơ quan chức năng dù biết nhưng không quản lý được và cũng không thông tin cho người tiêu dùng biết. “Biết nhưng làm gì có đủ máy móc, công nghệ và nhân lực để kiểm tra, giám sát và quản lý” – ông Lịch nói.

TRẦN MẠNH