Đường cao tốc kết nối vựa lúa ĐBSCL
Hàng loạt dự án đường cao tốc ở khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đang khẩn trương xúc tiến để khởi công trong năm 2015 nhằm kết nối các địa phương trong khu vực và với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường cao tốc kết nối vựa lúa ĐBSCL
Hàng loạt dự án đường cao tốc ở khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đang khẩn trương xúc tiến để khởi công trong năm 2015 nhằm kết nối các địa phương trong khu vực và với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sơ đồ kết nối các đường cao tốc phía Nam Đồ hoạ: V.cường |
Trong năm nay sẽ khởi công dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Như vậy, tuyến đường cao tốc TP.HCM đi Trung Lương (đã đưa vào sử dụng tháng 10-2010), từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (đã khởi công lại vào tháng 2-2015) đang tiếp tục chuyển động kết nối về TP Cần Thơ – trung tâm của vùng ĐBSCL.
TP.HCM về Cần Thơ: 1 giờ 45 phút
Theo ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM, thuộc Bộ Giao thông vận tải – GTVT), đầu tháng 4-2015, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 24km sẽ được trình Bộ GTVT và Thủ tướng xem xét phương án tài chính đầu tư dự án.
Mặc dù dự án vẫn còn trong giai đoạn làm thủ tục, nhưng hiện nay có nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia đầu tư dự án này theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao).
Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Thế nhưng suốt nhiều năm qua, dự án giậm chân tại chỗ vì không có nhà đầu tư tham gia.
Nguyên nhân chính là vốn đầu tư dự án quá lớn, trong khi đó phương án tài chính thu hồi vốn không khả thi.
Ông Minh cho biết vấn đề chính để hấp dẫn nhà đầu tư là phải có phương án tài chính phù hợp. Do đó, lần này dự án đã thu hẹp quy mô mặt đường rộng 13,75m cho hai làn ôtô lưu thông với tốc độ 80 km/giờ với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, thay vì quy mô xây dựng mặt đường rộng 27,5m cho bốn làn ôtô khiến vốn đầu tư cao hơn gấp đôi như trước đây.
Để khuyến khích các nhà đầu tư, Cửu Long CIPM đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn đầu tư sau mở rộng đường cao tốc này lên bốn làn xe và hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp.
Nếu có nhiều doanh nghiệp tham gia dự án sẽ tổ chức đấu thầu BOT. Trường hợp ít doanh nghiệp sẽ chỉ định nhà đầu tư BOT, theo đó quý 4-2015 khởi công và dự án sẽ hoàn thành trong năm 2018.
“Như vậy, cùng với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (khởi công tháng 2-2015, dài 51,5km) đang có sáu nhà đầu tư xây dựng dự kiến cũng hoàn thành vào cuối năm 2018, khi đó đường cao tốc từ TP.HCM về đến Cần Thơ, là đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút, thay vì mất 3 giờ 30 phút đến 4 giờ như hiện nay” – ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chung Khánh – tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT – cho biết đơn vị đang xúc tiến lập dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (cầu Mỹ Thuận hiện hữu dành cho xe đi trên quốc lộ 1) bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang – Vĩnh Long dành cho ôtô đi đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được một số doanh nghiệp đề nghị đầu tư theo hình thức BOT. Ban quản lý dự án 7 đang đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công và hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 trong năm 2018 cùng lúc với dự án Trung Lương – Mỹ Thuận.
Hình thành đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây
Cũng trong quý 4-2015 sẽ khởi công dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Cần Thơ và Kiên Giang) dài khoảng 55km.
Theo Cửu Long CIPM, đến nay Chính phủ Hàn Quốc đã chấp thuận tài trợ 200 triệu USD cho dự án và vốn đối ứng của VN là 94 triệu USD. Dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi trong tương lai trở thành đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Theo ông Dương Tuấn Minh, mặc dù đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi được xây dựng giai đoạn trước mắt cho hai làn xe lưu thông nhưng thiết kế nền đường là đường cao tốc. Bởi vì tuyến đường này sẽ kết nối với hai công trình có quy mô lớn đang được triển khai thi công là cầu Vàm Cống qua sông Hậu nối Đồng Tháp – Cần Thơ (khởi công tháng 9-2013) và cầu Cao Lãnh qua sông Tiền tỉnh Đồng Tháp (khởi công tháng 10-2013). Dự kiến các công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Như vậy, các công trình trên khi hoàn thành sẽ nối khu vực phía tây của ĐBSCL tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với quốc lộ 1.
Theo kế hoạch, đến năm 2019 hoàn thành tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cùng với cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1. Đồng thời rút ngắn vài chục kilômet đi từ TP.HCM về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang so với đi quốc lộ 1.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc hình thành các tuyến đường cao tốc về các tỉnh miền Tây sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực vựa lúa, thuỷ sản lớn nhất cả nước.
“Lời ăn, lỗ chịu” Theo Cửu Long CIPM, Thủ tướng đã đồng ý đầu tư kết hợp giữa vay vốn ODA và đầu tư BOT dự án đường cao tốc Tân Vạn – Nhơn Trạch (TP.HCM, Đồng Nai) dài 34km. Giai đoạn 1 đầu tư 17km đường cao tốc này, trong đó chia thành hai đoạn: đoạn 1A đầu tư theo hình thức vay vốn ODA dài 7,5km, trong đó có cầu Nhơn Trạch vượt qua sông Đồng Nai dài khoảng 2km, có tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Còn đoạn 1B đầu tư theo hình thức BOT dài khoảng 9,5km, có tổng mức đầu tư 230 triệu USD. Tuyến đường cao tốc này khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đã khánh thành tháng 2-2015). Hiện các tập đoàn Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư đoạn 1B của dự án đường cao tốc Tân Vạn – Nhơn Trạch. “Có thể nói đây là dự án đường cao tốc đầu tiên sẽ do nước ngoài đầu tư xây dựng mà ngân sách không bỏ vốn đầu tư. Nhà nước không bảo lãnh vốn vay ngân hàng như đã áp dụng cho các công trình BOT trước đây – nghĩa là Nhà nước giảm được gánh nợ công. Các nhà đầu tư vào dự án này chịu trách nhiệm theo kiểu lời ăn, lỗ chịu” – ông Dương Tuấn Minh cho biết. |
Kết nối các tuyến đường cao tốc Theo ông Mai Tuấn Anh – tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là đường cao tốc dài nhất ở các tỉnh phía Nam với tổng chiều dài 57,1km, được khởi công vào tháng 7-2014 và dự kiến hoàn thành năm 2018. Dự án đường cao tốc này sẽ nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai, Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành (trong tương lai). Trong tương lai, dự án đường cao tốc này sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong, mở rộng từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia), TP.HCM – Vũng Tàu. Hiện nay, VEC đang xúc tiến dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài khoảng 78km. Trong giai đoạn đầu sẽ xây dựng trước đoạn dài khoảng 30km kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự kiến khởi công năm 2016. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chung Khánh – tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 Bộ Giao thông vận tải, đơn vị đang xúc tiến lập dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) dài khoảng 55km, sẽ rút ngắn thời gian hành trình từ TP.HCM đến cửa khẩu biên giới Campuchia. |