09/01/2025

Đàm phán cân não về hạt nhân Iran

Cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5 + 1 (Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc) phải kéo dài hơn dự kiến để tháo gỡ các bất đồng.

 

Đàm phán cân não về hạt nhân Iran

 

Cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5 + 1 (Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc) phải kéo dài hơn dự kiến để tháo gỡ các bất đồng.


 

 

Đàm phán cân não về hạt nhân Iran - ảnh 1Gương mặt mệt mỏi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại Lausanne – Ảnh: AFP
Thời hạn ban đầu để phái đoàn do ngoại trưởng các nước liên quan dẫn đầu đạt được thoả thuận chính trị về giải quyết hoà bình tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Iran là ngày 31.3. Tuy nhiên, sáng qua, các nhà đàm phán đã quyết định tiếp tục thảo luận tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) để giải quyết các điểm còn gây bất đồng. Tờ Le Monde dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định: “Chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình đàm phán. Phần lớn các khúc mắc đã tìm được giải pháp”. Ông Zarif cho rằng đàm phán sẽ kết thúc vào tối 1.4 (giờ địa phương). Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov còn lạc quan hơn khi khẳng định “đạt được thoả thuận khung” và văn bản chi tiết đang được soạn thảo. Trong khi đó, một nhà đàm phán Đức nói với AFP: “Còn vướng mắc ở nhiều vấn đề then chốt nhưng đàm phán vẫn đang tiến triển”.
Theo Le Monde, sau hơn nửa tháng nghị sự ở Lausanne, giữa Iran với nhóm P5+1 vẫn còn nhiều điểm bất đồng. Về thời hạn có hiệu lực, trong lúc các nước phương Tây muốn thoả thuận chính thức được áp dụng trong 15 năm trong khi Tehran chỉ chấp nhận “bị giám sát” trong 10 năm. Kế đến, EU và Mỹ muốn “đóng khung” chương trình hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo trong trường hợp nước này đơn phương chấm dứt thoả thuận thì cũng phải mất tối thiểu 1 năm mới chế tạo được bom nguyên tử. Đây là một vấn đề rất phức tạp vì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng, chủng loại và công suất của máy ly tâm; trữ lượng uranium… Tình hình lại thêm căng thẳng khi Tehran vừa từ chối gửi phần lớn trữ lượng uranium đến Nga, thay vào đó sẽ xử lý làm loãng trong nước để đảm bảo sẽ không sử dụng cho mục tiêu quân sự.
Bên cạnh đó, Iran muốn tất cả lệnh trừng phạt của LHQ, EU và Mỹ áp dụng với nước này sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi thỏa thuận chính thức được áp dụng. Đây là điều mà các nước phương Tây sẽ khó chấp nhận vì không muốn mất đi phương tiện để gây áp lực lên Tehran khi “hữu sự”. Ngay cả việc soạn thảo thoả thuận chính thức cũng sẽ không đơn giản vì trái với Mỹ và EU, Iran không muốn một văn bản quá dài và quá chi tiết sẽ làm nước này chịu nhiều ràng buộc. Đó là chưa kể các nỗ lực cản phá từ phía Israel.
Nếu không thể đạt được thoả thuận khung tại Lausanne, Hạ viện Mỹ nhiều khả năng sẽ xem xét gia tăng trừng phạt lên Tehran vào giữa tháng 4. Điều này có thể sẽ làm tiến trình đàm phán lại rơi vào bế tắc và mọi nỗ lực ngoại giao từ cuối năm 2013 đến nay đều trở nên vô nghĩa.

Lan Chi