09/01/2025

Cơm trưa tình thương

Nhóm học trò gần 100 em nán chân ở khu vực nhà xe giáo viên và nhanh nhảu xắn tay áo phụ các thầy cô sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho bữa “Cơm trưa tình thương”.

 

Cơm trưa tình thương

 

Nhóm học trò gần 100 em nán chân ở khu vực nhà xe giáo viên và nhanh nhảu xắn tay áo phụ các thầy cô sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho bữa “Cơm trưa tình thương”.




 

 

Thầy Nguyễn Ngọc Chín hạnh phúc khi nhìn những học trò nghèo có bữa cơm trưa tươm tất – Ảnh: T.Ba
Nếu năm đầu tiên chỉ giải quyết cơm trưa cho 48 em, trung bình mỗi suất ăn khoảng 12.000 đồng thì đến nay danh sách chương trình đã lên đến gần 100 em và khẩu phần ăn của học trò cũng cải thiện với 14.000 đồng/em”
Cô Trần Thị Mỹ Dung

Nhờ tấm lòng thơm thảo của các thầy cô, hàng trăm học trò nghèo Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã quẳng bớt nỗi lo cơm áo và vững bước đến trường với học bổng từ chương trình “Cơm trưa tình thương”.

11g trưa, tiếng trống Trường THPT Trần Đại Nghĩa vang lên báo hiệu giờ tan học đã điểm, cả nghìn học sinh nối gót nhau ùa ra khỏi cổng trường. Trong số đó, có nhóm học trò gần 100 em vẫn nán chân ở khu vực nhà xe giáo viên và nhanh nhảu xắn tay áo phụ các thầy cô sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị cho bữa “Cơm trưa tình thương”.

Xin cơm cho trò

Đang lụi hụi bày thức ăn lên mâm khi học trò đã tập trung đông đủ, thầy Nguyễn Ngọc Chín, phó hiệu trưởng nhà trường kiêm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phụ trách chương trình “Cơm trưa tình thương” – cho hay: “Bắt đầu từ năm học 2012, trường tổ chức cơm trưa miễn phí cho học trò có hoàn cảnh khó khăn. Đó là ý tưởng xuất phát trong một lần thầy cô bắt gặp hình ảnh một số học sinh ở lại buổi trưa lang thang ngoài đường và ăn tạm mì gói sống. Thương cảnh các em nhà nghèo ở xa, toàn thể giáo viên đồng lòng quyên góp và đi vận động kinh phí thực hiện chương trình nhằm san sẻ một phần khó khăn với học trò”.

Vậy là ba năm nay, đều đặn vào các ngày thứ hai, ba, tư, sáu, những học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và quãng đường từ nhà đến trường của các em trên 10km sẽ được giáo viên chủ nhiệm ghi danh vào “Cơm trưa tình thương” và an tâm dùng cơm ngay tại trường, chấm dứt tình cảnh vất vưởng ngoài đường hay hì hục đạp xe cả giờ về nhà chỉ để ăn bữa trưa rồi lật đật quay lại lớp học buổi chiều.

Những bát cơm nóng hổi, mâm ăn với đầy đủ rau, thịt, cá… giúp các em ấm bụng luôn chứa chan tình yêu thương bao la của người thầy dành cho học trò.

Để có được tiếng cười giòn tan của các em khi xúm xít bên mâm cơm “đại gia đình”, những “ông bụt, bà tiên” trong mắt học trò nơi đây phải chắt chiu từng đồng lương được đánh đổi từ bao giọt mồ hôi để lo cho bữa ăn của học trò nghèo.

“Cuối tháng, mỗi thầy cô tình nguyện trích một ít tiền lương quyên góp cho chương trình. Ngoài ra, giáo viên trong trường không ngại ngần gõ cửa các đơn vị hảo tâm gần xa với mục đích duy trì và bổ sung cho bữa ăn tình thương”, cô Trần Thị Mỹ Dung, giáo viên đảm nhiệm nguồn quỹ chương trình, cho biết.

Học bổng từ “Cơm trưa tình thương”

Nhắc đến ý nghĩa của chương trình “Cơm trưa tình thương” mà nhà trường đã và đang thực hiện, thầy Chín cho rằng đó là nghĩa cử tốt đẹp được thực hiện dựa trên sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm.

“Thành quả mà chương trình gặt hái không chỉ riêng công sức của giáo viên trong trường mà còn ghi dấu ấn đậm nét của các tổ chức như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học huyện và đặc biệt một phần đóng góp không nhỏ đến từ các chi đoàn giáo viên trường THCS ở các xã. Với nền tảng đang có, nhà trường dự định xúc tiến triển khai bếp ăn ngay tại trường và các thầy cô giáo là những đầu bếp trực tiếp nấu ăn chứ không phải đặt thức ăn bên ngoài như bây giờ”, thầy Chín chia sẻ.

Theo thầy Chín, “Cơm trưa tình thương” những năm qua như một sợi dây kết nối giữa nhà hảo tâm với học trò nghèo trong trường bởi thông qua chương trình, hàng trăm học sinh có tên trong danh sách đã may mắn nhận những suất học bổng tiếp sức đến trường. Trường hợp của Lê Thị Thu Hiền, hiện là sinh viên Trường cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, là minh chứng cho vai trò của chương trình “Cơm trưa tình thương”.

Năm 2014, khi Hiền đang là học sinh lớp 12 và dùng cơm trưa đều đặn tại trường, một đơn vị ở TP.HCM đã trực tiếp đến trường và sau khi hỗ trợ chương trình, đoàn công tác này đã trao học bổng trị giá 15 triệu đồng cho Hiền với mong muốn tạo động lực giúp em phấn đấu trong chặng đường học nghề sau này.

Nói đến chương trình “Cơm trưa tình thương”, ông Trần Ngọc Du, chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quế Sơn, nhận xét: “Quả thật chương trình mà Trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện những năm qua mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc.

Rất nhiều học trò nghèo trên địa bàn huyện đã may mắn được các thầy cô tiếp sức cùng vô số học bổng do chương trình này kết nối. Huyện và tỉnh luôn ghi nhận tấm lòng mà thầy cô trong trường đã dành cho học sinh. Trường đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen về công tác khuyến học từ cấp huyện đến cấp tỉnh trao tặng”.

THANH BA