10/01/2025

Lũng Vầy có ngôi trường mới

Ở rẻo cao núi đá lởm chởm nơi hướng tây của tỉnh Cao Bằng, một ngôi trường mới xây dựng từ sự góp sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ vừa được khánh thành vào ngày 23-3.

 

Lũng Vầy có ngôi trường mới

 

Ở rẻo cao núi đá lởm chởm nơi hướng tây của tỉnh Cao Bằng, một ngôi trường mới xây dựng từ sự góp sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ vừa được khánh thành vào ngày 23-3.



 

 

Trao quà cho học sinh điểm trường Lũng Vầy - Ảnh: Quang Thế
Trao quà cho học sinh điểm trường Lũng Vầy – Ảnh: Quang Thế

Đó là Trường mầm non ở điểm trường Lũng Vầy, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc.

Chỉ cách thành phố Cao Bằng gần 150km, nhưng để đến được điểm trường Lũng Vầy bằng ôtô cũng phải mất 5-6 giờ do đường đi chủ yếu qua vùng đồi núi, vực sâu, dốc cao…

Trên đường đưa chúng tôi vào khánh thành điểm trường, một cán bộ công tác nhiều năm ở Tỉnh đoàn Cao Bằng nói: “Những năm trước đây đường sá đi lại còn khó khăn hơn nhiều. Lần này có trường mới khang trang, không chỉ thầy cô và học sinh vui mà cả người dân địa phương cũng mừng lắm”.

Điểm trường trong sương mù

Trường mầm non mới ở Lũng Vầy bao gồm phòng học, nhà công vụ và công trình vệ sinh có tổng trị giá trên 1,4 tỉ đồng, trong đó quỹ Tháng 3 biên giới của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 700 triệu đồng, UBND huyện Bảo Lạc góp 260 triệu đồng, còn lại kêu gọi xã hội đóng góp ở các khâu tư vấn, thiết kế, giám sát, hiến đất, góp công lao động của nhiều đoàn viên thanh niên…

Ai đến Lũng Vầy cũng dễ dàng cảm nhận thời tiết khắc nghiệt ở vùng đất này, trời đang nắng nhưng bất chợt một trận sương mù, mưa phùn lại kéo xuống…

Nhiều thầy cô giáo ở điểm trường Lũng Vầy (gồm trường mầm non và trường tiểu học nằm kế bên) kể rằng những năm gần đây hầu như năm nào về mùa đông Cô Ba cũng có tuyết rơi và đóng băng, mùa hè thì mưa đá và gió lốc.

Cô Nông Thị Nhâm, công tác gần tám năm tại điểm trường Lũng Vầy, tâm sự: “Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao, cuộc sống dựa vào một ít diện tích cây sao mộc và lúa trên nương nên còn nhiều khó khăn. Nhiều lúc học sinh đến lớp quần áo không đủ mặc, nhìn thương lắm. Trường thì dột nát, vách hở, mùa đông gió thổi vào lạnh ngắt, khi trời mưa nước tràn cả vào lớp khiến các cháu không học được. Thương các cháu nhưng chúng tôi cũng không có cách nào khác. Nay có trường kiên cố rồi, thầy cô chúng tôi sẽ cùng với các cháu cố gắng dạy và học cho thật tốt”.

Thầy giáo Hoàng Văn Thằn (giáo viên lớp 2 điểm trường Lũng Vầy) cũng kể trước đây chưa có nhà kiên cố, các thầy cô trong trường mầm non khi hết giờ dạy học đều phải lấy bàn ghế làm giường ngủ.

Tất cả ở điểm trường này hầu như đều tạm bợ. “Đến hôm nay trường có cả khu nhà giáo viên dành cho thầy cô, rồi cả nhà vệ sinh tự hoại. Chúng tôi giảng dạy bên cạnh mà vui lây” – thầy Hoàng Văn Thằn nói.

Không còn phải đưa con lên nương

“Một điểm trường kiên cố được dựng lên ở một nơi quanh năm mây phủ rất vắng khách ghé vào, quả là ân tình với chúng tôi!” – cô Hoàng Thị Lợi, phó hiệu trưởng trường mầm non xã Cô Ba, bày tỏ.

Cô Hoàng Thị Lợi kể rằng do đường sá đi lại khó nên lượng học sinh đến điểm trường Lũng Vầy không được ổn định. Có năm gần 40 em học sinh theo học tại điểm trường nhưng có năm chỉ hơn 10 em.

Những năm đông học sinh, nhà trường bố trí thêm giáo viên để tăng cường. Cô Dịu, giáo viên tại điểm trường mầm non Lũng Vầy, tâm sự: “Tôi mới về điểm trường được hơn tháng. Thầy cô giáo ở trong này hầu như luân chuyển liên tục, người nào ở lâu cũng chỉ được vài năm vì đây là địa bàn thuộc loại đặc biệt của huyện, thời tiết khắc nghiệt và đường sá đi lại khó. Ngày trước khó khăn như vậy nhưng nhiều thầy cô vẫn gắng bám bản để mang con chữ cho các em học sinh nơi đây. Bây giờ có trường mới rồi, không có lý do gì mà thầy cô giáo trẻ như chúng tôi lại không ở lâu dài để dạy học”.

Còn thầy Quan Văn Kiên, tổ trưởng phân trường Lũng Vầy, nói trong nghẹn ngào: “Không nói thì các anh cũng biết ở đây khó khăn như thế nào. Học sinh lúc nào cũng là người thiệt thòi. Hôm nay được nhận quà, được nhận trường mới thì thầy trò chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn…”.

Góp mặt tại buổi lễ khánh thành trường mới ở Lũng Vầy còn có nhiều người dân địa phương đến để chia sẻ niềm vui với các thầy trò nơi đây.

Chị Phủng Lờ Mầy (người dân xã Cô Ba) kể: “Hôm qua nghe con gái đang học ở đây về nói ngày mai nhà trường có trường mới nên hôm nay tôi không đi làm, đến đây để chia vui với thầy cô”.

Còn bà Phủng Mùi Phây (xã Cô Ba) nói trong vui mừng: “Hôm nay vui lắm vì có trường mới kiên cố ở bản. Từ giờ người dân ở đây có con nhỏ sẽ đưa đến trường để học, không phải đem con cùng lên nương nữa”.

Ông Vũ Khắc Quang – phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Cao Bằng – cho biết khi trường mầm non Lũng Vầy đi vào hoạt động, bản thân ông vô cùng xúc động vì đây là một điểm trường hết sức khó khăn.

“Để có được công trình như vậy chúng tôi vô cùng cảm ơn bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã có những hỗ trợ làm nên điểm trường này. Điểm trường được khánh thành không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn là yếu tố giúp đồng bào ở vùng núi, đặc biệt là những nơi giáp biên yên tâm, ổn định phát triển kinh tế cũng như các vấn đề giáo dục, văn hoá” – ông Quang nhấn mạnh.

QUANG THẾ