08/01/2025

Ngăn bạo lực học đường bằng cách nào?

Ngăn chặn bạo lực học đường trước hết cần bắt đầu từ chính gia đình của mỗi học sinh. Muốn trẻ không sử dụng bạo lực với người khác thì trước hết chính cha mẹ phải là người nói không với việc sử dụng vũ lực khi răn dạy con cái.

 

Ngăn bạo lực học đường bằng cách nào?

Đã có hàng ngàn ý kiến bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ, sốc, đau lòng… về câu chuyện nữ sinh lớp 7 bị bạn đánh tại trường ở Trà Vinh.

Để ngăn ngừa bạo lực học đường cần hướng học sinh tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, lòng yêu thương. Trong ảnh: học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q.3, TP.HCM trong ngày lễ “trưởng thành và tri ân” do nhà trường tổ chức – Ảnh: Như Hùng

Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến bàn giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường này.

Nhận diện sự bắt nạt ở học đường

Việc em nữ sinh lớp 7 bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng tại Trường Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh vừa qua đã diễn ra từ lâu mà thầy cô và phụ huynh chỉ biết sau khi xuất hiện đoạn video clip ghi lại cảnh này được phát trên mạng.

Như vậy có thể thấy rằng các thầy cô và phụ huynh chưa được trang bị những kiến thức nhận diện hiện tượng bắt nạt trong học đường để có thể có những giải pháp can thiệp sớm.

Ở đây cần nói thêm rằng việc bắt nạt ở học đường không chỉ thể hiện qua hành động bạo lực giữa học sinh/nhóm học sinh này với học sinh/nhóm học sinh khác, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức khác như bắt nạt qua lời nói (chửi bới), bắt nạt mang tính xã hội (cô lập, không cho người khác chơi với người bị bắt nạt…), tức là có nhiều hình thức bắt nạt khác nhau ở học đường với những dấu hiệu mà giáo viên, phụ huynh có thể nhận biết được. Dưới đây là một số dấu hiệu cho biết trẻ bị bắt nạt ở học đường:

* Có những thương tích trên người nhưng không giải thích được cặn kẽ nguyên nhân tạo ra những thương tích đó.

* Thay đổi thói quen ăn uống thường ngày.

* Thể hiện sự lo âu bồn chồn mỗi khi đi học.

* Thành tích học tập sa sút.

* Vắng học thường xuyên.

* Ít giao tiếp với người khác.

* Tỏ vẻ buồn chán, không hoạt bát như thường ngày.

* Mất ngủ hoặc có những biểu hiện bất thường trong giấc ngủ.

* Thường xuyên ở một mình, không chơi với nhóm bạn thường ngày.

Nhiều dấu hiệu trên được thể hiện rõ trong trường hợp em nữ sinh bị bạn bè bắt nạt theo kiểu bạo lực ở Trường Lý Tự Trọng (Trà Vinh) vừa qua, nhưng rõ ràng phụ huynh của em lẫn thầy cô đã không chú tâm tìm hiểu cặn kẽ mà chỉ hỏi han qua loa nên không thể có những giải pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ ngay từ sớm.

Bên cạnh việc nhận diện các biểu hiện của tình trạng bắt nạt trong học đường, nhà trường cũng cần phải thiết kế ngay những việc nhằm ngăn ngừa và can thiệp tình trạng này.

Trước hết, nhà trường phải tạo cơ chế sao cho nạn nhân có thể lên tiếng về tình trạng bị bắt nạt của mình một cách an toàn, bởi nhiều em bị bạn bè bắt nạt, bạo hành nhưng không dám hay không thể lên tiếng.

Đồng thời giáo viên, giám thị cần thường xuyên trò chuyện với các em học sinh để có thể nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra trong lớp học, những mâu thuẫn ẩn ngầm giữa các nhóm học sinh vốn có thể là nguồn gốc gây ra hành động bạo lực.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo dựng mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường nhằm nhận diện sớm những biểu hiện bất thường nơi học sinh.

Cuối cùng, nhà trường cần thường xuyên thông tin cho các em học sinh về vấn đề bắt nạt bạo lực học đường, giúp các em biết được đâu là những hành vi hợp chuẩn khi giải quyết những bất đồng với bạn bè.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

Giáo dục kỹ năng, cách sống đẹp

Ngăn chặn bạo lực học đường trước hết cần bắt đầu từ chính gia đình của mỗi học sinh. Thời gian các em gắn bó với gia đình, ở bên cha mẹ chắc chắn nhiều hơn thời gian các em đến trường.

Ảnh hưởng từ cha mẹ, gia đình đến cách cư xử, hành vi cũng như tâm lý của các em là điều không thể phủ nhận. Cha mẹ thường xuyên gây gổ, dùng lời lẽ thô tục, chửi thề khi nói chuyện, hay sử dụng vũ lực trong gia đình ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến những người con.

Muốn trẻ không sử dụng bạo lực với người khác thì trước hết chính cha mẹ phải là người nói không với việc sử dụng vũ lực khi răn dạy con cái.

Nhà trường mà nói rộng hơn là ngành giáo dục phải có các biện pháp cấp thiết và mang tính lâu dài để nâng cao nhận thức, hướng học sinh – sinh viên đến việc hình thành nhân cách, sống đẹp, cư xử đẹp.

Chương trình học hiện nay, đáng tiếc, chỉ mới giáo dục phần đạo đức cho học sinh tiểu học một cách chung chung, lên các lớp lớn hơn thì lồng ghép vào môn giáo dục công dân và thường bị học sinh xem là môn phụ, không chú trọng đến, trong khi lứa tuổi trung học là lứa tuổi dễ bộc phát, thích thể hiện thì nhà trường lại ít chú trọng đến việc hình thành nhân cách sống lương thiện.

Bản thân giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cũng cần sát sao với học sinh, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những hành vi thiếu tử tế, chứ không thể để đến khi xảy ra thì mới “lấy làm tiếc”.

Tổ chức Đoàn – Hội trong trường cũng cần tổ chức thường xuyên các hoạt động giúp giáo dục kỹ năng, lối sống bên cạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Ngoài ra, đã đến lúc các kênh truyền hình cần phải “dán nhãn” phân loại phim. Không cần phải đi đâu xa, ngay tại Thái Lan, các phim chiếu trên truyền hình có cảnh bạo lực đều bị xếp “nhãn” hạn chế trẻ em và trẻ vị thành niên.

Trong khi đó tại VN, phim chiếu trên tivi nhan nhản cảnh đánh nhau mà ít thấy đài nào làm công tác này.

ThS LÊ QUANG KIỆT

 

GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền (chuyên gia tư vấn trên sóng phát thanh):

Tạo cơ hội đối thoại cho các em

Sau khi vụ việc học sinh đánh nhau ở Trà Vinh, chắc sẽ có một số người đưa ra những nguyên nhân này nọ. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi, là phải hỏi chính các em – những nhân vật tham gia trực tiếp vụ việc.

Theo đó, cần tổ chức một buổi họp tất cả học sinh lớp 7/5 với giáo viên chủ nhiệm.

Trong buổi họp, giáo viên cần tạo ra một không khí thân tình, chia sẻ để học sinh thoải mái nói ra nguyên nhân: tại sao các em lại đánh bạn, những em khác nghĩ như thế nào, em học sinh bị đánh có ý kiến gì… cho các em bộc bạch tất cả bức xúc của mình, được nói chuyện với nhau, đưa ra cách giải quyết vụ việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên với mục đích cuối cùng là giảng hòa, học sinh thông cảm với nhau và xin lỗi nhau.

Nếu mục đích của buổi họp lớp để kỷ luật học sinh thì tôi chắc chắn học sinh sẽ không dám nói hết những điều mình nghĩ.

Tiếp theo đó là tổ chức một cuộc thảo luận cấp trường: cho học sinh toàn trường thảo luận về clip đánh nhau của học sinh lớp 7/5, tạo điều kiện để các em nói lên những mong ước của mình về một môi trường học đường an toàn, cho các em đưa ra những cách ứng xử, những biện pháp ngăn ngừa tình trạng trên.

Và để giải tỏa những bức xúc, lo lắng của phụ huynh, Trường Lý Tự Trọng cũng cần tổ chức một cuộc họp tất cả phụ huynh trong trường (có cho học sinh tham dự) để bàn về những biện pháp phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình.

Cuộc họp này cần cho học sinh tham dự, nếu những ý kiến của người lớn chưa phù hợp và có phần áp đặt, các em sẽ lên tiếng.