Nhìn thẳng sự thật để phát triển đất nước
“Trung ương khuyến khích phải nói thẳng, nói thật. Chẳng có cách nào khác đâu, mình phải đối mặt với sự thật, phải tiếp cận đúng bản chất của sự thật thì mới giải quyết được tình hình”.
Nhìn thẳng sự thật để phát triển đất nước
“Trung ương khuyến khích phải nói thẳng, nói thật. Chẳng có cách nào khác đâu, mình phải đối mặt với sự thật, phải tiếp cận đúng bản chất của sự thật thì mới giải quyết được tình hình”.
Cần thêm nhiều chính sách để phát triển doanh nghiệp Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Trong ảnh: phòng thí nghiệm tại trung tâm R&D Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: ĐÌNH DÂN |
Ông Vũ Ngọc Hoàng – uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – nhấn mạnh như vậy tại hội nghị báo cáo viên tháng 3-2015 do cơ quan này tổ chức ở TP.HCM bắt đầu từ chiều 11-3 (dự kiến kéo dài đến hết ngày 12-3).
Trong buổi làm việc đầu tiên, hội nghị đã nghe trình bày hình thức và những nội dung cần thiết (vấn đề mới) trong các văn kiện trình đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành trung ương khóa XI cần xin ý kiến góp ý của đại hội Đảng các cấp và ý kiến góp ý của nhân dân.
“Phải nhắc lại”
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, vào những kỳ đại hội Đảng hoặc các đợt sinh hoạt chính trị, Đảng có chỉ thị, nghị quyết… với chủ trương nói thẳng, nói thật và mỗi lần có chủ trương này, dân chủ nội bộ khá lên. Trả lời câu hỏi tại sao có chuyện như vậy (chủ trương khuyến khích nói thẳng, nói thật), ông Hoàng nói “có nghĩa là việc nói thẳng, nói thật trong nội bộ Đảng chưa tốt, cho nên thỉnh thoảng phải nhắc lại”.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Thông – tổng thư ký Hội đồng lý luận trung ương – trình bày những nội dung cơ bản và mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
Ông Thông nêu rõ năm thành tố của chủ đề đại hội (cũng là tiêu đề của báo cáo chính trị), trong đó cho biết so với chủ đề Đại hội XI có thành tố mới là “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đồng thời đưa ra thành tố “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại”, trong khi chủ đề Đại hội XI là “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong nội dung này cũng xác định thành tố “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” (so với chủ đề Đại hội XI thêm cụm từ “đồng bộ”)…
Xây dựng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nòng cốt Liên quan đến nội dung tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh một số định hướng đáng chú ý, trong đó nêu mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Có chính sách thúc đẩy phát triển để các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. |
Theo ông Thông, trung ương đã thống nhất cao cần có sự đổi mới kết cấu báo cáo chính trị, không theo mục như lâu nay mà theo hệ thống các vấn đề để dễ trình bày, dễ theo dõi, dễ hiểu.
Với định hướng này, kết cấu báo cáo chính trị có 15 vấn đề, trước tiên là đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016).
Về thành quả được đánh giá “nhìn tổng quát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng”.
Một số điểm nhấn cụ thể được nhấn mạnh là nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên: GDP theo giá hiện hành năm 2015 khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.200 USD.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn năm năm trước nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi (năm 2011 là 6,24%, 2012: 5,25%, 2013: 5,42%, 2014: 5,98%, kế hoạch năm 2015: 6,2%, tăng bình quân 5,82%/năm).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trình bày của ông Thông cũng nêu nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Một số mặt cụ thể được chỉ ra như đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện; một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.
Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…
“Dân là gốc”
Với nội dung nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), trình bày của ông Thông cho biết dự thảo đã nêu: nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cũng theo ông Thông, một số ý kiến đánh giá 10 năm gần đây kết quả đạt được thấp, cho nên không thể đánh giá 30 năm đạt được thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử. Song, trung ương nhất trí đánh giá “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.
Đánh giá này được giải thích bằng những nội dung: 20 năm đổi mới (1986-2006) đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong 10 năm gần đây, đất nước tiếp tục phát triển. Đại hội X đưa ra mục tiêu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đại hội XI đã khẳng định: “đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình”.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, đã rút ra năm bài học, mỗi bài học đề cập một số vấn đề nổi bật nhất. Trong đó, trước tiên là bài học về “chủ động” và “sáng tạo”; kế đến là phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết…
Bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về CNXH Sáng 11-3, Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”. Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh (uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) nêu rõ nghị quyết 37 giữ vai trò đặc biệt quan trọng về công tác lý luận, chứa đựng những định hướng lớn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Do vậy việc học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nghị quyết 37 trong cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình triển khai nghị quyết. Theo ông Đinh Thế Huynh, sau hơn 20 năm kể từ khi ban hành nghị quyết số 01 của Bộ Chính trị (khóa VII) “về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, công tác lý luận của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở VN. Cùng với việc phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm của nghị quyết 37, ông Đinh Thế Huynh yêu cầu sau hội nghị, các đại biểu sẽ tích cực triển khai nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết này. |