Bài toán khó của quân đội Malaysia
Hải quân và không quân Malaysia đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực hiện đại hoá để đáp ứng tình hình mới.
Bài toán khó của quân đội Malaysia
Hải quân và không quân Malaysia đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực hiện đại hoá để đáp ứng tình hình mới.
Su-30MKM được cho là đóng vai trò quan trọng nhất trong phi đội của không quân Malaysia – Ảnh: malaysiandefence.com
|
Với tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp và vùng hoạt động rộng lớn, hạm đội của hải quân Malaysia (RMN) được cho đang phải căng sức để đảm trách sứ mệnh của mình. Trong bài phân tích thuộc số tháng 3-4, chuyên san quốc phòng châu Á Defense Review Asia (DRA, Singapore) chỉ ra rằng RMN hiện chỉ sở hữu khoảng 40 tàu nổi, trong đó phân nửa là tàu tấn công nhanh và tàu tuần tra, cùng 2 tàu ngầm. Cũng vì thiếu tàu mà RMN đã không thể tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC năm 2014.
Ngân sách eo hẹp
Theo DRA, trong nhiều năm qua, RMN nhiều lần muốn mở rộng hạm đội nhưng chính phủ Malaysia vẫn chần chờ trong việc cấp ngân sách cần thiết. Tình trạng trên đã khiến RMN mất cơ hội mua tàu tuần tra xa bờ lớp Nakhoda Ragam do Công ty BAE Systems (Anh) đóng. Tư lệnh hải quân Malaysia Aziz Jaafar tiết lộ chính phủ đã bác đề nghị cấp ngân sách mua tàu Nakhoda Ragam của RMN. Hải quân Malaysia cũng từng muốn mua khu trục hạm lớp Perry của hải quân Mỹ nhưng sau đó phải bỏ ý định do không có đủ kiến thức chuyên môn để vận hành động cơ dành cho loại tàu đó. Ngay cả chương trình đóng 6 tàu tác chiến cận bờ (LCS) dù đã được chính phủ Malaysia thông qua, nhưng vẫn không được thực hiện đầy đủ theo ý tưởng ban đầu. Cụ thể, lúc đầu, LCS được kỳ vọng sẽ có thể vận hành máy bay không người lái, nhưng khả năng này đã bị huỷ do thiếu ngân sách. Theo kế hoạch, chiếc LCS đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào giai đoạn 2017 – 2018.
Ngoài ra, chương trình đóng 2 tàu huấn luyện lớp Samudera cho RMN đã được hoàn thành trên 80% nhưng vẫn gặp trục trặc. Theo kế hoạch, tàu Samudera do Công ty Malaysia NGV Tech hợp tác sản xuất với công ty đóng tàu Daewoo (Hàn Quốc) sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, do NGV gặp khó khăn về tài chính, 2 tàu này đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Tình trạng đó buộc Bộ Quốc phòng Malaysia phải tìm xưởng đóng tàu khác thay thế NGV, dự kiến 2 tàu có thể được đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Dù gặp nhiều trở ngại, ông Jaafar hồi đầu năm tiết lộ RMN đã đề nghị cấp ngân sách cho 36 chương trình, với tổng kinh phí ước tính hơn 2,8 tỉ USD, bao gồm các chương trình đóng 8 khinh hạm, sắm 6 trực thăng chống ngầm, nâng cấp hệ thống tên lửa, ngư lôi trên các tàu chiến hiện nay… Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu chương trình trong số đó được thông qua, giữa lúc giá dầu giảm tác động đáng kể tới nguồn thu của chính phủ Malaysia.
Tương lai khó đoán
Tương tự hải quân, chương trình hiện đại hoá không quân Malaysia (RMAF) hiện cũng gặp không ít trục trặc. Trong những năm đầu của thập niên này, chính phủ Malaysia đã tính tới chuyện thay thế chiến đấu cơ lỗi thời, kém hiệu quả và có kế hoạch chi 2,4 tỉ USD để sắm 35 – 40 chiến đấu cơ thế hệ mới, nhưng đến năm 2013 lại thông báo hoãn kế hoạch này do vấn đề tài chính, theo DRA.
Phi đội tác chiến nhanh của không quân Malaysia hiện bị đánh giá là tương đối nhỏ, gồm 6 chiếc R/RF-5, 8 chiếc MiG-29M, 8 chiếc F/A-18D, 18 chiếc Su-30MKM và 13 chiếc Hawk 208. Trong đó, F-5 đang “lão hoá”, nhưng vẫn còn duy trì khả năng do thám và vai trò tấn công khiêm tốn cùng các chiếc Hawk. F-18 hiện được đánh giá vẫn còn “chạy tốt”, với khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tốc độ siêu thanh và có thể cung cấp khả năng phòng thủ cùng với Su-30MKM. Các chiếc Su-30MKM do Nga sản xuất được đánh giá là quan trọng nhất trong phi đội của RMAF, với khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có vai trò tấn công rất lợi hại. Theo DRA, với vai trò chủ lực trong không quân Malaysia, Su-30MKM được kỳ vọng sẽ tăng về số lượng và có thể thay các loại chiến đấu cơ khác, đầu tiên là MiG-29M, dự kiến sẽ được cho “về hưu” trong năm nay, và kế đến là F-5.
Khi tiết lộ ý định sắm chiến đấu cơ thế hệ mới, Malaysia được cho là đã quan tâm tới 4 loại chiến đấu cơ đa nhiệm của phương Tây gồm Boeing F/A-18E/F Super Hornet (Mỹ), SAAB Gripen (Thụy Sĩ), Dassault Rafale (Pháp) và Eurofighter Typhoon (châu Âu). Chính phủ Malaysia cũng có thể chỉ đặt mua thêm
Su-30MKM hoặc F/A-18D. Tuy nhiên, theo DRA, khả năng thứ 2 này rất khó xảy ra, nên kế hoạch sắm chiến đấu cơ mới của Malaysia vẫn tiếp tục là chủ đề gây nhiều suy đoán.
Văn Khoa