Chất lượng thấp nhưng giá đường VN đắt gấp đôi thế giới
Khi giá đường cao, các doanh nghiệp mía đường có chia sẻ lợi ích với nông dân? Lúc giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân…
Chất lượng thấp nhưng giá đường VN đắt gấp đôi thế giới
Khi giá đường cao, các doanh nghiệp mía đường có chia sẻ lợi ích với nông dân? Lúc giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân…
Ông Nguyễn Cẩm Tú – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú vừa có bài viết chỉ thẳng một số vấn đề của ngành mía đường tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Cẩm Tú nói:
– Việc tôi viết bài đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương không phải do có vấn đề gì với Hiệp hội Mía đường mà dựa trên yêu cầu công tác. Tất cả thông tin, vấn đề được đưa ra đều dựa trên thực tế điều hành nhiều năm qua, trong đó nhiều vấn đề chính ngành mía đường báo cáo…
* Vấn đề ông đặt ra được rất nhiều người quan tâm là giá đường ở VN đắt hơn gấp đôi, gấp rưỡi giá thế giới, trong khi chất lượng lại thấp hơn. Nhận định trên được ông dựa trên căn cứ nào?
– Vấn đề này đã được đề cập trong nhiều báo cáo của Hiệp hội Mía đường khi “kêu” giá thành trong nước cao, để đề nghị Nhà nước bảo hộ và cũng đã được vô vàn bài báo đề cập.
Chỉ cần vào cơ sở dữ liệu để đọc lại các bài báo trong nhiều năm qua là rõ. Tôi chỉ nêu cụ thể thêm một ví dụ để chúng ta cùng suy ngẫm: hằng năm, theo thoả thuận với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ta phải cấp hạn ngạch thuế quan cho nhập khẩu đường (năm 2014 là trên 77.000 tấn) và đường trong hạn ngạch vẫn phải nộp thuế, với đường thô là 20% và đường trắng là 40%.
Thường vào cuối năm, hạn ngạch thuế quan mới được phân bổ cho doanh nghiệp. Thế mà mỗi khi cấp xong, các doanh nghiệp đều nhập khẩu hết phân bổ. Nên vấn đề ở đây chỉ là chất lượng và giá cả.
Cứ giả sử chất lượng của ta bằng các nước, vậy giá trong nước phải cao thế nào các doanh nghiệp mới nhập khẩu, dù phải chịu thuế. Hay nếu giá đường trong nước bằng hoặc thấp hơn giá thế giới, thì chất lượng phải thế nào các doanh nghiệp mới nhập khẩu với thuế suất cao như thế chứ?…
* Ông đã nói thẳng các nhà máy đường chưa quan tâm chia sẻ lợi ích khi giá cao, lúc giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai nông dân. Đưa ra nhận định này ông chứng minh như thế nào?
– Tất cả điều tôi viết ra đều có cơ sở. Vấn đề này báo chí cũng đã viết rất nhiều, tôi không muốn nói lại, chỉ bình thêm để cùng suy ngẫm.
Hãy xem khi giá đường cao thì các doanh nghiệp mía đường có cơ chế như thế nào để chia sẻ lợi ích đó cho người nông dân. Hãy chỉ cho tôi xem cơ chế đó. Không có cơ chế như vậy! Chỉ cần đọc lại báo chí những thời kỳ giá đường tăng cao hoặc hỏi chính nông dân trồng mía sẽ thấy rõ điều này.
Còn khi khó khăn, tại sao người nông dân VN lại phải chặt bỏ cây mía, trong khi họ đã bỏ vào đó không biết bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi và cả nước mắt. Theo tôi, đó chỉ có thể vì họ buộc phải chuyển sang cây trồng khác có thể đem lại lợi ích cao hơn, đảm bảo cho cuộc sống của họ.
Thu hoạch mía tại Gia Lai – Ảnh: N.C.T. |
* Ở một số nước có luật riêng cho mía đường, với cơ chế ưu đãi. Vì vậy có ý kiến cho rằng với ngành mía đường trong nước còn non trẻ, nên cần được hỗ trợ?
– Nền kinh tế VN mới trải qua gần 30 năm đổi mới. Rất nhiều nếu như không nói là hầu hết ngành sản xuất đều còn non trẻ, đều cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng Nhà nước thì còn nhiều khó khăn, không thể hỗ trợ tất cả ngành hàng và với từng ngành hàng cũng không thể hỗ trợ mọi việc theo mong muốn của họ.
Các ngành nghề phải tự vươn lên và thực tế nhiều ngành hàng ở VN đã vươn lên thành công. Riêng ngành mía đường đã hỗ trợ rất nhiều, tôi không thể kể ra hết được, chỉ nhắc lại ba việc lớn: Thứ nhất là chương trình 1 triệu tấn mía đường.
Thứ hai là quyết định 26/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển ngành đường đến năm 2010, định hướng 2020 với các cơ chế đi kèm. Thứ ba, đường là một trong bốn mặt hàng (đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá) VN kiên quyết bảo hộ khi đàm phán WTO.
Còn nhiều ngành hàng khác (như điều, hạt tiêu…) chưa được Nhà nước quan tâm như vậy, nhưng họ đã phát triển, không chỉ thành công trong nước mà đã vươn ra thành công trên thị trường thế giới.
* Nhưng có ý kiến cho rằng đất đai ở VN manh mún và Luật đất đai của VN khác biệt so với nhiều nước, kể cả các nước ASEAN đang có ngành đường cạnh tranh với VN. Đây sẽ là khó khăn cho ngành mía đường phát triển?
– Mọi ngành hàng đều phải phát triển và cạnh tranh trên cơ sở nền tảng môi trường pháp lý của đất nước. Khó khăn thì nói do cơ chế là dễ nhất. Nhưng thực tế các ngành hàng, ngành sản xuất nông, công nghiệp ở VN đều đang thực hiện chung một Luật đất đai và các văn bản liên quan.
Nhiều ngành như sữa, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… đang cùng chung Luật đất đai nhưng họ vẫn thành công, tại sao Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không thành công?
Hay ngay trong ngành mía đường cũng có những doanh nghiệp làm ăn bài bản, đổi mới công nghệ, đầu tư cho vùng nguyên liệu, gắn bó với nông dân… và họ đã có bước tiến dài. Như doanh nghiệp Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành, họ không kêu ca, không đòi hỏi bảo hộ. Chẳng cần học đâu xa, các doanh nghiệp ngành đường hãy học hỏi ngay Thành Thành Công.
Nói rộng ra, đến năm 2018 VN phải thực hiện theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đến lúc đó, Luật đất đai của VN chắc không có nhiều thay đổi, và luật các nước ASEAN cũng không thể thay đổi theo VN. Vậy ngành mía đường có định cạnh tranh với các doanh nghiệp ASEAN hay không? Hay là cứ phải chờ Luật đất đai mới thì mới nghĩ đến việc cạnh tranh?
Cuối cùng, tôi muốn chốt lại rằng: tôi, cũng như báo giới có bài cảnh báo, hay các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… muốn viết ra những điều không dễ nghe là để chúng ta cùng hiểu và cùng chuẩn bị tốt cho hội nhập trong giai đoạn mới.
Đất nước đã có những bước thành công khi gia nhập WTO và để hội nhập thành công vào Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như khi thực hiện các hiệp định thương mại lớn khác, các doanh nghiệp, hiệp hội cần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi, cạnh tranh thành công. Chỉ điều này mới đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia khi đất nước hội nhập sâu hơn nữa.
Ông Nguyễn Hải (tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN – VSSA): Khó áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất Ngành đường thời gian qua không xin Chính phủ tăng cường các chính sách bảo hộ mà chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng của VN thực hiện đúng lộ trình các hiệp định thương mại đã ký kết. Đúng là giá thành đường của VN hiện nay có cao hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới nhưng không phải là quá cao. Nguyên nhân giá thành đường cao là do giá mía cao, chiếm 75-80% giá thành đường. Mía của VN có chất lượng thấp (chữ đường CCS khoảng 10, trong khi thế giới đạt 12-13 hoặc cao đến 15-16 như Úc) mà giá mua mía của VN lại cao. Cụ thể, giá mía VN các vụ trước là 1-1,2 triệu đồng/tấn, vụ 2014/2015 giảm xuống 850.000-900.000 đồng/tấn do giá đường giảm, trong khi giá mua mía của Thái Lan khoảng 600.000 đồng/tấn. Ngược lại, giá tiêu thụ đường nội địa của VN thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Cụ thể theo số liệu của Tổ chức Đường thế giới (ISO), trong tháng 1-2015 giá bán sỉ đường trắng nội địa của Trung Quốc là 780,3 USD/tấn, EU là 702,4 USD/tấn, Mỹ là 793,7 USD/tấn, Thái Lan khoảng 625,9 USD/tấn, trong khi VN ở mức 11.400-14.700 đồng/kg (khoảng 530-690 USD/tấn). Trong khi đó, nhiều người lại so sánh giá bán sỉ nội địa với giá thương mại thế giới là không hợp lý. Giá thương mại được niêm yết trên các sàn giao dịch đường tùy thuộc rất nhiều yếu tố: cân bằng cung cầu, tồn kho, được mùa hay mất mùa, tình hình kinh tế thế giới, tình trạng đầu cơ và giá dầu mỏ. Nhưng giá đó chưa tính đến chi phí vận chuyển, thuế, phí… nên giá đường thương mại thế giới gần như luôn thấp hơn giá đường tiêu thụ nội địa của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả nước đó sản xuất nhiều đường và xuất khẩu lớn (như Brazil, Thái Lan). Về chính sách, nhìn ra ngành đường thế giới, hầu như nước nào cũng có chính sách để hỗ trợ, còn ngành đường VN ngoài chương trình 1 triệu tấn đường đến năm 2000 và quyết định 28 để cổ phần hóa đến nay chưa có một chính sách đặc thù ưu đãi nào cho ngành mía đường, chỉ là các chính sách chung cho nông nghiệp, nông dân mà nông dân trồng mía và ngành mía đường khó với tới. Giống mía là vấn đề lớn của ngành mía đường nhưng đây là vấn đề của quốc gia. Hầu hết các nước đều quản bộ giống và có cơ chế, chính sách chứ không để như VN. Các nhà máy đường muốn nâng cao công suất cũng khó vì điều kiện sở hữu đất đai của nông dân VN. Do đó, rất khó đầu tư cơ giới hóa nhằm áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành nông nghiệp. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có Luật mía đường 1984 quy định ngành đường sản xuất theo ba mức sản lượng gọi là quota A, B, C do Uỷ ban Mía đường quốc gia gồm nhiều thành phần (các bộ liên quan, đại diện nhà máy đường, đại diện nông dân) điều hành. Mục tiêu để phát triển bền vững phải bảo vệ quyền lợi ba thành phần theo thứ tự ưu tiên: nông dân trồng mía, nhà máy đường, người tiêu dùng. Uỷ ban Mía đường quốc gia định giá đường, giá mía. Đường thuộc quota A và B ưu tiên tiêu thụ trong nước với giá khá cao để đảm bảo cả người trồng mía và nhà máy đường đều có hiệu quả, trong khi người tiêu dùng cũng không mua đường quá đắt. Còn lượng đường dư ra là quota C sẽ được tự do xuất khẩu theo giá của doanh nghiệp quyết định nhưng không được tiêu thụ trong nước. Quota C của Thái Lan chính là nguồn cung cấp tham gia giá thương mại thế giới, và là nguồn cung cấp đường lậu vào VN thời gian qua nên mới có giá rẻ như vậy. |