09/01/2025

Những người ‘bán than’

Không khí vui tươi và tràn đầy hứng khởi dường như chẳng còn, qua tết, các mạng xã hội lại chất chứa bao nỗi niềm ưu tư của dân mạng.

 

Những người ‘bán than’

 

 

Không khí vui tươi và tràn đầy hứng khởi dường như chẳng còn, qua tết, các mạng xã hội lại chất chứa bao nỗi niềm ưu tư của dân mạng.

 

 

 

Những người 'bán than'Than vãn thì có gì vui đâu – Ảnh: shutterstock
“Lại tiếp tục phải nghe bài ca… than thở”, thành viên Quang Sang đã ví von như thế khi dạo một vòng Facebook.
Sở dĩ “lại tiếp tục”, bởi theo thành viên này, bao năm qua đã rất nhiều lần nghe thấy bạn bè thở dài ngao ngán, than vãn bất kể chuyện gì. Và ở bất kỳ thời điểm nào, giữa năm hay cuối năm, cả trong những ngày đầu năm như thế này, đều có chuyện để mà than thở.
Lỡ gặp một vài người bạn ta thán còn đỡ, đằng này thành viên Thùy Duyên rơi vào trường hợp gặp phải “hội những người… bán than” (từ dân mạng sử dụng để nói về những người hay than thở – NV) lên đến hàng chục người. “Mới đầu năm mà sao vào trang cá nhân nào cũng toàn thấy… kể khổ, làm bản thân tự nhiên bị ảnh hưởng, cũng thấy buồn theo”, Thùy Duyên viết.
Có muôn kiểu để dân mạng than vãn. Như thành viên Trân Lê thì kể lại chuyện cuối năm chẳng có tiền về quê ăn tết, đã ứng trước tiền lương. “Giờ chẳng biết phải sống thế nào khi đi làm không lương”, cô bạn thở dài. Nhiều người bấm like status này và bảo “chuyện chẳng của riêng ai”, “mình cũng giống bạn”… Những người có chung tình cảnh cứ thế than khổ cho nhau nghe với hàng trăm bình luận.
Bi đát hơn, trên mạng xã hội Zing Me, thành viên Viết Tuân bảo cũng vì kẹt tiền tiêu tết đã đem xe máy đi cầm. Giờ vào lại TP.HCM chẳng biết lấy đâu tiền để chuộc ra, chẳng biết đi học, đi làm thêm bằng phương tiện gì.
Dễ nhận thấy chuyện “cơm áo gạo tiền” là điểm nhấn đáng chú ý trong những lời than vãn. Ngoài ra còn có vô số lý do để dân mạng buồn rầu, than thở nghe đến não lòng.
Nào là được về quê nghỉ tết đến gần cả tháng nên quyết định trả phòng cho đỡ tốn. Vậy là mới mùng 4 tết đã kêu ca “tết vào chẳng biết ở đâu bây giờ”. Còn thành viên Xuân Hòa thì rên rỉ: “Đầu năm vào, phòng trọ tăng giá thêm ba trăm ngàn đồng”. Lời kể khổ này đã khiến nhiều người nơm nớp âu lo, bởi chẳng biết bao giờ “tăng giá” sẽ gõ cửa phòng trọ mình.
Trên trang YuMe, thành viên Thanh Tuyết thì thở dài chuyện tốt nghiệp ĐH Sư phạm loại giỏi, nhưng phải về nhà phụ bán cơm suốt hơn một năm qua. “Ước gì năm mới may mắn hơn và kiếm được việc làm”, Thanh Tuyết viết. Có cùng tâm trạng, khá nhiều thành viên vì nhảy việc, đã cảm thấy lo lắng “chẳng biết tìm được công việc mới hay không”…
Người thiếu thốn than thở đã đành, không ít thành viên giàu có cũng luôn miệng kêu ca, ta thán, như có thành viên khiến nhiều người “ước gì được than giống anh ấy” khi viết status: “Mercedes sao càng lúc càng tốn xăng, dạo một tí đã ngốn mấy trăm ngàn, chắc phải đổi qua BMW quá”…
Thùy Duyên bảo rằng cuộc sống có nhiều áp lực, lo toan và những lời than vãn đôi khi sẽ giúp nhẹ lòng hơn, giải toả những bực bội, bức bách, giảm bớt những cảm xúc tiêu cực và mong tìm sự đồng cảm. Thế nhưng nếu than vãn quá nhiều sẽ bị người khác xem là yếu đuối, bi luỵ thiếu ý chí.
Còn theo Vũ Anh, than thở chẳng được gì: tốn thời gian, vô ích và đôi lúc làm phiền người khác, tác động xấu tới tinh thần của mọi người xung quanh. “Vì lẽ đó hãy thôi nghĩ vẩn vơ và ngừng than vãn. Hãy cố gắng sống vui, nhìn đời qua lăng kính tích cực. Có như vậy thì dần dần sẽ loại bỏ được thói quen than thở và hưởng thụ cuộc sống vui”, Vũ Anh mong mỏi.
Bình luận
“Lẽ nào mùa nào cũng là mùa than thở hả? Sao đâu đâu cũng thấy kể khổ, than vãn thế này?”.
(Bảo Lê/Facebook)
“Dường như tất tần tật mọi chuyện đều có thể biến thành chủ đề để than vãn thì phải”.
(Thanh Miu/YuMe)
“Dừng than thở thì đời sẽ khác. Đừng than vãn nữa, vì đây là độc tố hại người nghe”.
(Kim Cương/Facebook)
“Nếu một người có thói quen than thở, có thể dần dần sẽ mất đi nhiều người bạn. Vì họ không đủ kiên nhẫn để thường xuyên nghe những lời than thở ấy”.
(Quốc Bảo/Facebook)

Xuân Phương