07/01/2025

Sao y ở phòng công chứng

Từ ngày 1-1-2015, các phòng công chứng, văn phòng công chứng có chức năng chứng thực sao y bản chính, công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký như tại UBND xã, phường, quận, huyện.

 

Sao y ở phòng công chứng

 

Từ ngày 1-1-2015, các phòng công chứng, văn phòng công chứng có chức năng chứng thực sao y bản chính, công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký như tại UBND xã, phường, quận, huyện.

 

 

 

Ông Hoàng Mạnh Thắng – Ảnh: N.Hà

Gần hai tháng kể từ ngày Luật công chứng mới có hiệu lực (ngày 1-1-2015) trao chức năng nói trên cho các tổ chức hành nghề công chứng, nhiều người dân vẫn chưa biết quy định này. Ông Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 7 (TP.HCM), cho biết:

– Trong tháng 1-2015, Phòng công chứng số 7 chỉ thực hiện gần 4.000 bản cho ba chức năng mới là công chứng bản dịch, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký.

Số lượng này rất ít so với khả năng tiếp nhận của phòng là mỗi công chứng viên có thể tiếp nhận khoảng 1.500 đến 2.000 bản/ngày. Điều này chứng tỏ nhiều người dân chưa biết về các chức năng này của các tổ chức hành nghề công chứng.

* Các thủ tục trên thực hiện ở phòng công chứng thế nào, thưa ông?

– Thủ tục chứng thực sao y giấy tờ, chứng thực chữ ký, công chứng bản dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng không khác ở UBND quận, huyện, phường, xã. Người dân đến thực hiện các thủ tục trên tại các tổ chức hành nghề công chứng sẽ được thực hiện ngay chứ không phải chờ đợi.

Đến nay, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn về lệ phí chứng thực, sao y tại các tổ chức hành nghề công chứng nên chúng tôi vẫn áp dụng mức lệ phí như tại UBND xã, phường, quận, huyện.

Theo tôi, các thủ tục trên thực hiện ở các tổ chức công chứng thuận tiện hơn cho người dân ở chỗ các công chứng viên có tính chuyên nghiệp cao, không đòi hỏi thêm những loại giấy tờ khác như hộ khẩu, hay buộc phải về nơi cư trú để xác nhận chữ ký.

Nếu nội dung của văn bản không trái pháp luật, không trái thuần phong mỹ tục, không vi phạm các quy định thì sẽ được chứng thực.

Trong thực tế, việc chứng thực chữ ký trên những giấy tờ cam kết của người dân chỉ có ý nghĩa chứng minh người viết ký trước mặt công chứng viên, còn độ chính xác của nội dung do người ký chịu trách nhiệm. Khi xảy ra tranh chấp, người ký tên phải chịu trách nhiệm chứ không phải là công chứng viên.

Giá trị sử dụng và thời hạn hiệu lực của các bản chứng thực thực hiện tại các tổ chức công chứng như những bản được chứng thực tại UBND các cấp như nhau.

* Trước đây, các phòng công chứng cũng từng có chức năng chứng thực bản sao, chữ ký… nhưng sau đó chuyển chức năng này về UBND các phường do phòng công chứng quá tải. Còn lần này thì sao?

– Trước năm 2007 (Luật công chứng 2006 có hiệu lực) các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động theo nghị định 75 CP năm 2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực chưa được xã hội hóa. Khi đó, toàn TP.HCM chỉ có bảy phòng công chứng.

Nay cả TP đã có gần 60 tổ chức hành nghề công chứng rải rác ở các địa bàn, rất thuận tiện cho người dân nên không lo xảy ra tình trạng quá tải.

* Ở UBND quận, huyện chứng thực chữ ký trên bản dịch, còn tại các tổ chức hành nghề công chứng lại công chứng bản dịch. Hai bản chứng này khác nhau như thế nào?

– UBND quận huyện chỉ chứng thực chữ ký của người dịch trên bản dịch chứ không chịu trách nhiệm về nội dung dịch thuật. Công chứng viên công chứng bản dịch sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

Giá trị sử dụng và pháp lý của hai bản chứng này hiện chưa có quy định phân biệt. Nếu có xảy ra sai sót trên bản dịch công chứng thì công chứng viên chịu trách nhiệm bồi thường, còn sai sót ở bản dịch chứng thực thì người biên dịch phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Theo ý kiến cá nhân của một trưởng phòng Sở Tư pháp TP.HCM thì không hẳn là người dân chưa biết các tổ chức công chứng được chứng thực sao y, chữ ký và công chứng bản dịch theo Luật công chứng 2014.

Việc người dân vẫn lựa chọn thực hiện các thủ tục này tại UBND phường, xã, quận, huyện nhiều hơn vì đến UBND phường, xã gần.

Bên cạnh đó, tổng chi phí khi thực hiện các thủ tục ở UBND phường, xã cũng thấp hơn bởi lệ phí thì ngang nhau nhưng tại các tổ chức công chứng thường có thêm các chi phí về soạn thảo, đánh máy.

Lệ phí chứng thực tại UBND quận, huyện thấp hơn lệ phí công chứng bản dịch tại các tổ chức công chứng.

Trong Luật công chứng 2014, việc chứng thực bản sao y, chữ ký và công chứng bản dịch của các tổ chức hành nghề công chứng chỉ quy định ở điều 77 – điều khoản chuyển tiếp.

Điều này có thể hiểu rằng chức năng chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký không phải là chức năng chính của các tổ chức công chứng mà chỉ là một nhiệm vụ mà các tổ chức này gánh thêm, “chia lửa” với UBND phường, xã, quận, huyện (nhất là UBND các phường).

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện