10/01/2025

Cùng hành động để biển Đông có hoà bình

“Muốn bảo vệ hòa bình trên biển Ðông phải “khuấy động” biển Ðông một cách hoà bình”.

 

Cùng hành động để biển Đông có hoà bình

 

“Muốn bảo vệ hoà bình trên biển Ðông phải “khuấy động” biển Ðông một cách hòa bình”. 

 

 

 

 

Tàu cá Việt Nam trong những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa đã giăng biểu ngữ bằng chữ Trung Quốc: “Đây là vùng biển Việt Nam, yêu cầu các người ngừng ngay hành động vi phạm và rời khỏi khu vực này” – Ảnh: Hữu Khá

Ðó là đề xuất trong luận văn cao học “Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông” vừa được Học viện Hành chính quốc gia chấm điểm tuyệt đối.

Trong dịp đầu năm mới, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với tác giả – nhà nghiên cứu trẻ Lê Phú Nguyện, chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa (thành phố Ðà Nẵng).

Ông Nguyện nói: “Chúng ta vừa trải qua năm 2014 đầy căng thẳng trên biển Ðông. Năm 2015 sẽ tiếp tục căng thẳng nếu không có sự chủ động hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, trước hết là các nước ven biển Ðông và các quốc gia có lợi ích trên biển”.

Ông Lê Phú Nguyện – Ảnh: H.Khá

 

Cần một vị chỉ huy biển, đảo

* Ðã căng thẳng, sao ông lại đề xuất phải “khuấy động” biển Ðông?

– Biển Ðông căng thẳng là do tham vọng và đòi hỏi quá vô lý của Trung Quốc. Nơi đây là không gian sinh tồn ngàn năm của cư dân các nước ven biển Ðông, không liên quan gì đến cái bản đồ hình lưỡi bò.

Trong khi đó, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và gần 1/3 diện tích biển Ðông, hơn ai hết chính chúng ta cần chủ động thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên biển Ðông để biến một khu vực tranh chấp với sự chi phối của sức mạnh đơn phương từ Trung Quốc thành một khu vực hợp tác đa phương, sôi động với sự hiện diện của tất cả các quốc gia có chủ quyền, có lợi ích trên biển Ðông.

Chỉ khi biển Ðông trở thành một khu vực hợp tác đa phương, sôi động và đảm bảo cân bằng lợi ích, chiến lược của tất cả các bên liên quan thì mới có thể có hòa bình trên biển Ðông. Nói cách khác, “muốn có hòa bình trên biển Ðông thì phải “khuấy động” biển Ðông một cách hoà bình”.

Hợp tác và phát triển kinh tế, quốc phòng trên biển là giải pháp kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, kết hợp lợi ích và sự tuân thủ luật lệ quốc tế của mỗi bên trên biển Ðông, là con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Ðông.

* Trước bức tranh biển Ðông phức tạp như vậy, theo ông Nhà nước cần phải làm gì?

– Chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước theo tôi phải ưu tiên bốn vấn đề: một là nâng cao khả năng chỉ huy của bộ máy quản lý biển đảo, hai là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, ba là hệ thống thể chế quản lý phải đầy đủ, rõ ràng và bốn là thông tin chủ quyền biển đảo phải đầy đủ, kịp thời.

Về bộ máy, chúng ta có hơn 11 bộ tham gia quản lý biển đảo nhưng đầu mối tham mưu tổng hợp lại là đơn vị cấp tổng cục thuộc Bộ Tài nguyên – môi trường, đó là chưa kể đến đầu mối chuyên môn ngành dọc ở bốn cấp chính quyền địa phương.

Trong điều kiện bình thường thì không sao, nhưng trước tình hình phức tạp của biển đảo thì dễ dẫn đến sự phân tán, thiếu nhất quán về chính sách do quá nhiều đầu mối, thứ bậc, quan hệ hành chính, đặc biệt là năng lực kiểm soát, quản lý tranh chấp, xung đột.

Vậy nên cần có một cơ quan đặc trách về các vấn đề biển đảo thuộc Chính phủ, có quan hệ trực tuyến và trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết nối thông tin, chính sách tới các bộ, ngành, địa phương.

Phải có một cơ quan chỉ huy như vậy mới đảm bảo quản trị được các chiến lược biển đảo, kiểm soát và tiếp nhận, kết nối, xử lý thông tin, tình hình và đặc biệt là đảm bảo năng lực quản lý tranh chấp, xung đột trên biển. Cũng nên có một đầu số quốc gia về biển đảo để thu thập và xử lý thông tin.

Sức mạnh chủ quyền trong dân

* Ông có đề xuất lấy ngày 19-1 hằng năm là Ngày Hoàng Sa, vì sao?

– Năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất nhưng mọi người Việt Nam đều phải biết và khắc ghi trong tâm trí mình rằng thống nhất nhưng chưa toàn vẹn, Hoàng Sa vẫn còn bị chiếm đóng trái phép. Do đó chúng ta nên lấy ngày 19-1 là Ngày Hoàng Sa để tạc vào tâm trí người Việt, nhất là thế hệ trẻ, về một trọng trách còn dang dở.

* Có phải ông cho rằng thế hệ trẻ ít biết về ngày Hoàng Sa bị đánh chiếm 19-1-1974?

– Không. Tôi không nói là cả thế hệ trẻ đâu. Nhưng sự thật có một số bạn trẻ, mà không chỉ trẻ, cũng có người lớn, thậm chí người giữ chức vụ quản lý khi trao đổi với tôi về vấn đề này cho thấy họ rất mơ hồ, có người còn hỏi tôi ngoài đó mình còn giữ được mấy đảo…

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được thư của học sinh ở các tỉnh thành trong cả nước gửi về mà trong đó thể hiện các em không hiểu rõ thực trạng chủ quyền. Ðó là một điều đáng buồn!

* Theo ông, tại sao có hiện tượng đó và chúng ta phải làm gì để khắc phục?

– Cái đó là lỗi của người lớn, lỗi của chúng ta. Trong một thời gian rất dài vấn đề Hoàng Sa ta cứ coi là nhạy cảm, rất ít khi được nhắc đến trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Sách giáo khoa cũng không nói thì sao các em biết được. Mà thiếu thông tin và không hiểu biết thì rất dễ bị xuyên tạc, kích động, đó là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực chống phá.

Ðiều này đã được khắc phục một phần kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có những thông điệp mạnh mẽ và chính thống tại mittinh tuần lễ biển đảo và diễn đàn Quốc hội vào năm 2011 cũng như một số diễn đàn khu vực, quốc tế các năm sau đó.

Chúng ta biết rằng biển đảo gắn với quá trình dựng nước và giữ nước, và không chỉ là vấn đề của quá khứ mà còn là thách thức hiện tại và tương lai của dân tộc. Các cơ quan quản lý và hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền cần khẩn trương đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo đến các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ một cách thường xuyên, đầy đủ, có hệ thống.

Khi dân hiểu biết đầy đủ không chỉ lịch sử chủ quyền mà cả thực trạng chủ quyền, biết chủ trương đấu tranh của ta, biết tình hình tranh chấp của các bên thì dân sẽ luôn vững tin ủng hộ. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là một việc cam go, lâu dài nhưng là nhiệm vụ không ai được phép quên.

Vì vậy chúng ta phải bảo vệ ý chí chủ quyền trong lòng dân, đó cũng là xây dựng sức mạnh chủ quyền trong dân. Một khi nhân dân không quên thì chủ quyền của Tổ quốc sẽ không bao giờ mất!

Nên mở rộng địa giới huyện Hoàng Sa về đất liền

* Ông có nêu trong đề tài, kể từ ngày thành lập đơn vị hành chính này, huyện Hoàng Sa là một thực thể hành chính không đầy đủ tại sao?

– Việc thành lập huyện Hoàng Sa là bước đi có ý nghĩa pháp lý quan trọng, lãnh thổ của ta thì ta phải có cơ quan nhà nước quản lý. Nhưng thành lập rồi cũng phải củng cố địa vị pháp lý chứ suốt 33 năm qua huyện Hoàng Sa không có bộ máy, trụ sở, nhân sự, biên chế riêng, chỉ thể hiện vai trò tượng trưng quyền quản lý thì không ổn.

Gần đây có được quan tâm củng cố nhưng chưa căn cơ. Chúng tôi cho rằng cần mạnh mẽ hoàn thiện thực thể này gắn với dân cư và lãnh thổ để vừa quản lý kinh tế xã hội vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là thực thi các biện pháp quản lý nhà nước trên vùng biển Hoàng Sa như giải quyết chính sách cho ngư dân, thực thi hoạt động hành chính tư pháp… thì mới bền vững.

Nên kéo dài địa giới huyện Hoàng Sa về phía đất liền, hoàn thiện thực thể hành chính này một cách đầy đủ và lấy địa bàn này làm trọng điểm hợp tác kinh tế – quốc phòng để bảo vệ vùng nước, bảo vệ ngư dân, ngư trường Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền, cũng là cách để ngăn chặn mở rộng tranh chấp, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên khu vực này.

Một mặt nữa là vị trí pháp lý của huyện Hoàng Sa không chỉ ở đó mà trong toàn bộ hệ thống thể chế quản lý nhà nước, nó thể hiện sự thống nhất giữa ý chí và hành động chủ quyền thông qua văn bản. Cần phải quy định cụ thể, rõ ràng các bộ ngành làm gì, huyện Hoàng Sa được làm gì chứ còn mơ hồ, chung chung như hiện nay thì khó làm lắm.

Chính vì vậy mà dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng, thậm chí “nhạy cảm hoá”, né tránh trách nhiệm.

Bạn đọc làm thiệp biển đảo ủng hộ 250 triệu đồng

Sau một tháng phát động trên tuoitre.vn, đã có 5.832 lượt bạn đọc tham gia làm thiệp biển đảo chúc tết các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo Việt Nam, trong đó có 4.898 tấm thiệp chia sẻ thành công.

Mỗi thiệp được bạn đọc chia sẻ thành công, Công ty DP Consulting ủng hộ 50.000 đồng/thiệp để hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Ước tính bạn đọc đã ủng hộ gần 250 triệu đồng cho chương trình.

Chương trình Cánh thiệp mùa xuân bắt đầu từ ngày 23-1 và kéo dài đến hết ngày 22-2 (tức mùng 4 Tết Ất Mùi 2015).

Toàn bộ số tiền bạn đọc ủng hộ qua từng cánh thiệp sẽ được góp vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Ðông” của báo Tuổi Trẻ để chăm lo cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và cán bộ chiến sĩ hải quân.

TTO

HỮU KHÁ