10/01/2025

Thêm miếng ngon cho người nghèo

21 tháng chạp, khi mọi người đang chuẩn bị cúng ngày ông Táo về trời thì chị Nguyễn Thị Thu Trang lại tất bật với chuyến đi vùng cao để chuẩn bị tết cho trẻ em nghèo.

 

Thêm miếng ngon cho người nghèo

 

 21 tháng chạp, khi mọi người đang chuẩn bị cúng ngày ông Táo về trời thì chị Nguyễn Thị Thu Trang lại tất bật với chuyến đi vùng cao để chuẩn bị tết cho trẻ em nghèo.

 

 

 

 

Tết của bà con xã Cải Viên năm nay ấm áp hơn vì có nước sạch và bánh chưng gạo nếp – Ảnh: Đ.Q.

Những ngày cận tết, khi mọi người trở về nhà để chuẩn bị tết cho tổ ấm của mình thì có những người đang dành hết thời gian, tâm sức cho người nghèo, với mong muốn mang đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn được đón một cái tết thêm phần ấm áp, trọn vẹn…

Bánh chưng ngon, thịt heo ngon

Nơi chị Thu Trang (PV báo Phụ Nữ TP.HCM) tổ chức tết là ngôi trường thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đó là nơi nuôi nấng, dạy dỗ 40 em nhỏ – đa số đều mồ côi hoặc bố mẹ đi tù. Hành trang chị Trang mang theo trên chuyến xe bán tải tự lái từ Hà Nội là bốn bộ bàn ăn, mấy chiếc xoong cỡ lớn, bánh chưng, bánh kẹo, giò lụa, áo ấm, bao lì xì…

“Phải làm cái gì đó thật ấm áp cho các em, ít nhất là một miếng ngon. Sẽ kiếm một con heo, làm bữa cho 40 đứa trẻ ăn no nê, có đứa được đưa từ bản rất xa về. Sẽ có đào rừng, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…”

Chị Thu Trang (PV báo Phụ Nữ TP.HCM) 

Rồi chị nhờ các thầy cô giáo của trường mua một con heo 40kg. Ngày 23 tháng chạp, bữa tiệc ấm cúng được tổ chức ngay tại trường. Các em được phát áo ấm, được ăn bánh chưng, bánh kẹo, được ăn thịt no nê chứ không phải thiếu thốn như ngày thường. Mỗi em còn được mang về chiếc bánh, giò lụa và bao lì xì 200.000 đồng.

Món quà ấy là gói ghém tất cả tình yêu thương của những trái tim thiện nguyện từ đồng bằng nhờ chị Trang mang đến Điện Biên cho các em.

Khi bài báo này lên khuôn, anh Nguyễn Đình Quý (42 tuổi) vẫn còn một mình ở xã Cải Viên, huyện Hòa Quảng, tỉnh Cao Bằng với công trình trạm bơm cho bà con – một nơi mà người dân quanh năm phải ăn món cháo ngô thay cơm (vì vùng núi đá không trồng được lúa).

Anh bảo: “Khi đến Cải Viên để tặng quần áo cho bà con, tôi kinh ngạc khi thấy cuộc sống của họ khổ hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng và đọc được trên báo chí. Nhà sàn súc vật ở phía dưới, người ở trên. Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi đầy nhà. Nguồn nước ở đây lại cực kỳ thiếu. Mùa mưa dân hứng nước từ mái nhà, mùa khô thì thồ nước bằng ngựa. Ai không có ngựa thì phải gánh nước từ dưới suối lên”.

Sau nhiều ngày trăn trở, anh Quý đã lên Facebook kêu gọi ủng hộ để xây dựng một trạm bơm cao 200m để bơm nước từ dưới suối lên cho bà con sử dụng. Những ngày cuối năm này, công trình vẫn đang được thi công gấp rút để bà con có nước sử dụng vào dịp tết.

Dự tính xong trạm bơm sẽ trở về Hà Nội ăn tết sớm của anh Quý đã không thành khi ở đó anh chứng kiến cảnh bà con quá khổ cực. Người dân quanh năm ăn cháo ngô và canh đậu tương. Gạo ở Cải Viên là thứ xa xỉ mà dịp quan trọng họ mới có để dùng. Anh Quý lại lên Facebook kêu gọi quyên góp để bà con có bánh chưng ăn tết chứ không phải ăn bánh gạo tẻ trộn ngô, nhân đỗ tương như mọi năm.

Khi nghe anh thông báo sẽ có gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt biếu người dân vào dịp tết này, bà con không dám tin đó là sự thật. Họ hỏi lại anh: “Có thật không? Ô thế thì sướng quá! Mỗi nhà được bao nhiêu cân? Có được 5 cân không để chúng tôi gói bánh chưng dành ăn cả tháng”.

Nghe những tiếng reo vui ấy, thay vì tặng mỗi gia đình 3kg gạo nếp, anh Quý quyết định tăng lên 5kg. Và tối 27 tết này, bữa tiệc liên hoan nhỏ do anh Quý tổ chức cho 241 hộ dân Cải Viên sẽ diễn ra. Họ sẽ vừa hát, vừa uống rượu và nhận gạo nếp, đậu xanh, bánh kẹo, nước ngọt, mứt tết từ đồng bằng chuyển lên. Năm nay, bà con Cải Viên được đón một cái tết ấm áp, trọn vẹn hơn mọi năm…

Sẻ chia từ những tấm lòng

Những hoạt động thiện nguyện chuẩn bị tết cho người nghèo thường được khởi động ngay từ đầu tháng 12. Từ đầu mùa đông, khi đi vùng cao, trên xe của chị Thu Trang luôn có sẵn áo ấm để dọc đường gặp em nào ăn mặc phong phanh, chị sẽ khoác thêm cho các em một chiếc áo, chia thêm cho các em một gói kẹo.

Mấy năm nay, chị Thuỷ Lê (thành viên của nhóm từ thiện Minh Tuệ) đều ủng hộ quần áo, đồ dùng cho các nhóm từ thiện để họ trao cho người nghèo. Đi đâu, thấy gì có thể buôn bán được, chị Lê đều mua về thành phố bán cho bạn bè, người quen.

Toàn bộ số tiền lãi và gốc thu được chị đều dành cho các hoạt động thiện nguyện. Còn anh Nguyễn Đình Quý đã nói như reo vui: “Không thể ngờ rằng măng từ miền núi mang về đồng bằng mà bán được lãi lên tới 40 triệu đồng”. Toàn bộ số tiền đó anh dùng vào các hoạt động dành cho người nghèo ở khắp nơi.

Khi biết việc làm của anh, nhiều người đem đến cho anh bộ quần áo còn mới, người cho vài cân giò, người ủng hộ vài trăm ngàn đồng, người cả ngàn USD… Những món đồ anh sẽ đăng trên Facebook để bán đấu giá. Mọi khoản chi tiêu đều được anh cập nhật trên trang cá nhân kèm theo rất nhiều hình ảnh, địa chỉ và số điện thoại những nơi anh đã đến tặng quà.

“Ngày nào mình chẳng ăn ngon. Ngày nào mình chẳng mặc đẹp. Nhưng các em nhỏ ở vùng cao thì áo ấm không có. Cơm ngày hai bữa còn không có thì mong gì đến chuyện có thịt, bánh chưng vào ngày tết”- chị Thu Trang chia sẻ về những trăn trở cho hoạt động của mình.

Hoa đào vẫn nở, chim vẫn hót và mùa xuân đang về. Mùa xuân ấm áp hơn vì có những trái tim san sẻ yêu thương của những người có tấm lòng như chị Thu Trang, anh Đình Quý, của các nhóm thiện nguyện, của những người đã nhờ họ làm cầu nối đến người nghèo…

Khi công trình trạm bơm ở Cải Viên hoàn thành trước tết, anh Quý viết trên trang cá nhân như một tiếng thở phào: “Thật không có gì khó khi quanh ta có những trái tim yêu thương!”.

Đồ chơi cho bệnh nhi

Tết năm nay, ca sĩ Thái Thuỷ Linh và nhóm từ thiện Tim Hồng không tổ chức gói bánh chưng để phát cho người nghèo như mọi năm vì đã có nhiều nhóm từ thiện làm việc ấy.

Thay vào đó, chị đã tự tay chọn mua đồ chơi và áo ấm loại tốt để phát cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu trung ương và Viện Bỏng quốc gia. Mỗi em được tự chọn một món đồ chơi mà mình yêu thích như ôtô điều khiển từ xa, xe đạp nhỏ, truyện tranh…

Các ông bố bà mẹ cũng được chọn đồ trong các món đồ cũ đã được tình nguyện viên giặt ủi, gói rất cẩn thận. “Cách đây ba năm, khi tôi mang bánh chưng vào bệnh viện tặng thì phải qua rất nhiều thủ tục. Mọi người còn lạ lẫm với việc tặng quà, nhưng mấy năm nay hoạt động từ thiện càng lúc càng sôi động. Tôi rất vui vì điều đó” – ca sĩ Thái Thuỷ Linh chia sẻ.

TÂM LỤA