Dư ra niềm vui và hạnh phúc
Nụ cười an nhiên, hạnh phúc là ấn tượng đáng nhớ nhất trong những ngày cuối năm khi chúng tôi tham gia thiện nguyện cùng các bạn trẻ.
Dư ra niềm vui và hạnh phúc
Nụ cười an nhiên, hạnh phúc là ấn tượng đáng nhớ nhất trong những ngày cuối năm khi chúng tôi tham gia thiện nguyện cùng các bạn trẻ.
Anh Bùi Công Hoà (phải) bỏ tiền thuê miếng đất trống, làm nhà trọ cho người nghèo tá túc – Ảnh: P.Vũ |
Đi cùng họ mới thấm rõ được điều đã được nghe từ rất lâu: người trao sẽ “được” nhiều hơn người nhận.
Tôi không dư dả tiền bạc lẫn thời gian, nhưng bớt tiền bạc, thời gian của mình để chia sẻ với người khác, tôi lại dư ra niềm vui và hạnh phúc |
Anh BÙI CÔNG HOÀ |
1. Đêm đã chuyển sang ngày mới. Nhóm bạn trẻ tấp vào xe hủ tiếu góc đường Nguyễn Văn Cừ, tíu tít gọi thức ăn. Tóc nâu, tóc vàng, giày cao, váy ngắn, nụ cười hồn nhiên vô tư, ríu rít chuyện chuẩn bị đón tết… Nhưng không phải họ vừa kết thúc một cuộc chơi đêm.
Theo chân họ, chúng tôi đã lượn vòng vèo trên cung đường: chợ Bến Thành – Trần Hưng Đạo – Bệnh viện An Bình – Nguyễn Tri Phương – Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông – bến xe Chợ Lớn – Hậu Giang – chợ Bình Tây…
Họ tìm người vô gia cư, trẻ em đường phố, người lao động mưu sinh vất vả trong đêm. “Cô/Chú nằm đây có lạnh lắm không? Làm việc mệt vậy có đủ sống không? Ở lề đường đã bao lâu rồi? Cho phép chúng cháu tặng món quà nhỏ nhé”… Thuỷ, Quí – hai cô gái xinh đẹp của nhóm – cùng ngồi xuống thăm hỏi, trò chuyện với từng người.
Có chị đang gồng sức đập bẹp từng lon nước giải khát bỏ vào bao ve chai ngẩng lên ngỡ ngàng. Có bác xích lô trùm tấm áo khoác dỗ giấc ngủ mệt nhọc chợt bừng tỉnh rồi mỉm cười. Có em bé đang cùng mẹ cặm cụi phân loại đống ve chai bật reo lên khi thấy bao lì xì đỏ…
Trên những gương mặt nhuốm màu sương gió bừng lên nụ cười rưng rưng, những nếp nhăn nhọc nhằn giãn ra. Trên gương mặt các bạn trẻ, nụ cười còn rạng rỡ hơn nữa. Gói quà không lớn: chiếc bánh chưng, tấm mền, chiếc áo, gói bánh, lốc sữa, chai dầu gió, thêm chiếc phong bao đỏ mùa tết nhưng những câu chuyện giữa người trao, người nhận trong cơn gió lạnh se sắt lại bừng lên niềm vui, hơi ấm của cả một mùa xuân.
Và Sài Gòn vẫn có muôn mặt của nó. Ở đoạn Hải Thượng Lãn Ông – bến xe Chợ Lớn, cả nhóm bị một số thanh niên chạy xe đạp và cả xe máy bám theo chực giật quà. Đầy kinh nghiệm, hai xe của các bạn nam chạy dấn lên trước, nhóm người “nhận quà chuyên nghiệp” lập tức đuổi theo.
Xe của hai cô gái tụt lại phía sau và mau chóng bẻ cua quay ngược lại nơi có hai đứa bé đang lê la nhặt vỏ chai nhựa trên bãi cỏ. Thuỷ quay lại cười: “Thấy giống phim hình sự không? Tụi mình cũng đủ chuyên nghiệp để nhận ra những người chuyên ỷ lại, sống dựa vào sự mở lòng của người khác đó. Với những đối tượng ấy, chúng mình tránh xa…”.
Chiếc áo Thuỷ mặc có dòng chữ trên lưng: “Chung vòng tay, góp hơi ấm”, chỉ dấu nhận diện của nhóm Sao Khuê. Đã bốn năm nay, cứ mỗi tối thứ bảy, mọi người lại cùng nhau họp mặt trước cổng chợ Bến Thành, cùng gom góp từng phần quà, cùng rong ruổi trên các cung đường Sài Gòn, cùng nắm tay chia sẻ với những người kém may mắn.
“Trong gói quà này có sự cảm thông để hiểu, có niềm vui để nhân lên, có lời cầu mong may mắn, an yên để chia sẻ, có lời chúc tết vui vẻ để cùng nhau cười thật tươi. Giá trị gói quà của chúng tôi chỉ lớn ở tình cảm…” – anh Hoà, người đàn ông trung niên được cả nhóm gọi bằng chú, mỉm cười khi trao phần quà cuối cùng.
“Từ chủ trương mới của thành phố đưa người lang thang hồi gia, chúng tôi đang tính kế hoạch chương trình mới cho năm tới, ví như nấu cơm ở mái ấm, nhà mở, như thành lập cơ sở dạy nghề giúp người nghèo mưu sinh. Nhưng hiện tại họ vẫn còn trên đường phố, chúng tôi còn đi”.
Nói rồi, mỗi người lại sôi nổi bàn về kế hoạch tết của riêng mình. Xong tô hủ tiếu gõ, tiền ai nấy trả, họ chia tay nhau, mỗi người một ngả khi đêm đã dần về sáng. Khuya, mệt, còn bao nhiêu việc phải lo toan, nhưng trên môi ai cũng một nụ cười tươi rỡ.
2. Sáng, theo lời hẹn cà phê, chúng tôi gọi điện cho anh Bùi Công Hoà, “lão tiền bối” của Sao Khuê. Ngỡ là anh còn ngủ sau một đêm rong ruổi, hay đang nhâm nhi bên tách cà phê và tờ báo, chẳng ngờ anh bảo: “Tôi đang dở tay chút ở bên quận 2…”.
Đến nơi, chúng tôi gặp anh đang hì hụi cưa cây, vác ván, giăng bạt trên một mảnh đất trống giữa khu xóm trọ chen chúc nhà tạm bợ. “Ở đây một phòng trọ 9m2 có tới tám công nhân cùng ở trọ. Tối, một nửa số người phải ra ngoài giăng võng ngủ. Thấy còn mảnh đất trống, tôi đến thuê 300.000 đồng/tháng, dựng tạm nhà cho họ ở” – anh Hoà nói, bình thản như đó chính là công việc của mình.
“Tôi bắt đầu tham gia các công tác xã hội, từ thiện từ 11 tuổi, và từ đó những việc ấy trở thành một nửa cuộc sống của tôi”, anh vẫn thản nhiên như thế. Một nửa cuộc sống tức là các buổi tối ngoài giờ làm việc, là các thứ bảy, chủ nhật, anh cùng các bạn Sao Khuê “đi đêm”, thực hiện các chương trình với trẻ em đường phố, hướng dẫn các bạn sinh viên cách thức tổ chức, tiếp cận, tìm hiểu người nghèo và các chương trình riêng, giúp đỡ một gia đình, một cụ già, một nhóm công nhân nào đó.
Anh cười thật hiền: “Tôi không dư dả tiền bạc lẫn thời gian, nhưng bớt tiền bạc, thời gian của mình để chia sẻ với người khác, tôi lại dư ra niềm vui và hạnh phúc”.
Uống hết ly nước, anh quay trở về “công trường”. Phụ giúp anh hôm nay có ông Vũ Thanh Tùng, một người sống cạnh khu xóm trọ. Nghỉ mất sức ở nhà, ngày ngày ông Tùng đi quanh các bãi phế liệu nhặt những thanh ván về làm củi. Mỗi ngày, ông chụm lửa nấu đủ 15 ấm nước 5 lít cung cấp sáng tối cho cả xóm…
3. “Tưng bừng, sạch bong” là cảm giác đầu tiên khi đi cùng các nhóm sinh viên tham gia dự án “Nhà sạch đón tết” đến các hộ gia đình mà nhóm nhận việc. Lễ tổng kết chương trình cũng “tưng bừng và sạch bong” như thế.
“Em học được cách sử dụng máy hút bụi rồi”, Lý Vĩ Kỳ cười toe khoe. “Thú thật là những việc này ở nhà em không phải làm, nhưng khi tham gia chương trình, chủ nhà yêu cầu sao em làm hết” – Bảo Hân mỉm cười trong dáng điệu tiểu thư.
“Em cùng các bạn dọn được sáu hộ gia đình, cũng là nhiều nhất chương trình”, chủ nhiệm dự án Tuấn Vũ xòe đôi bàn tay tấy đỏ, lột da vì chất tẩy rửa kể. Diễn ra trong ba tuần, hàng trăm sinh viên tham gia, số tiền hơn 44 triệu đồng thu được không nhiều nhưng những bài học về giá trị lao động, kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ cộng đồng với các bạn là vô kể.
“Sang năm em sẽ tiếp tục tham gia”, hầu hết các bạn đều hứa. “Sang năm chúng tôi sẽ mở rộng chương trình”, đại diện ban tổ chức (Lãnh sự quán Nam Phi tại TP.HCM – NV) cam kết.
Ra về trong nắng xuân, gió xuân, các bạn rạng rỡ cười.