Tổng thống Mỹ xin quyền tấn công IS
Ông Obama từng tuyên bố không cần quốc hội cho phép khi mở cuộc tấn công IS hồi tháng 8-2014 dù bị cáo buộc vượt quá thẩm quyền theo quy định của hiến pháp.
Tổng thống Mỹ xin quyền tấn công IS
Ông Obama từng tuyên bố không cần quốc hội cho phép khi mở cuộc tấn công IS hồi tháng 8-2014 dù bị cáo buộc vượt quá thẩm quyền theo quy định của hiến pháp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động cuộc chiến chống IS từ nửa năm trước – Ảnh: Reuters |
Tổng thống Barack Obama đã đệ trình lên quốc hội dự luật nhằm hợp pháp hoá cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đã bắt đầu gần nửa năm qua.
Ông Obama từng tuyên bố không cần quốc hội cho phép khi mở cuộc tấn công IS hồi tháng 8-2014 dù bị cáo buộc vượt quá thẩm quyền theo quy định của hiến pháp. Nay nếu được quốc hội chính thức trao quyền sẽ giúp chiến dịch của ông Obama có cơ sở pháp lý vững vàng hơn.
Sử dụng bộ binh
Theo Reuters, dự luật mới đệ trình ngày 11-2 xin phép sử dụng vũ lực đối với IS trong ba năm và dựa trên nội dung đạo luật đã cho phép cựu tổng thống George Bush phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2002.
Quốc hội phải thảo luận Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết các cuộc thảo luận của quốc hội sẽ kéo dài trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu. “Tổng thống có nghĩa vụ ra đó và giải thích với người Mỹ tại sao chúng ta phải tham gia cuộc chiến này” – ông Boehner nói. Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này và bỏ phiếu trong thời gian từ ngày 16 đến 20-2. Kể từ năm 2002, quốc hội chưa từng trao quyền điều quân cho tổng thống. Nhà Trắng cho biết những ngôn từ trong dự luật sẽ có nội dung đa nghĩa và cân bằng được quan điểm khác nhau giữa các nghị sĩ về sự cần thiết phải triển khai lực lượng bộ binh trong cuộc chiến này. |
Dự luật cho phép tổng thống sử dụng lực lượng đặc biệt và cố vấn quân sự, nhưng không bao gồm việc “sử dụng lực lượng bộ binh lâu dài”, các quan chức Mỹ cho biết. Tuy nhiên, dự luật sẽ không giới hạn về địa lý đối với chiến dịch, đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tấn công IS ở Libăng, Jordan, Libya hoặc thực hiện không kích phiến quân ở Yemen, Somalia.
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ chiến tranh, dự luật của ông Obama sẽ đối mặt với sự hoài nghi của cả hai đảng. Cộng hòa trước nay vẫn luôn bất đồng với chính quyền ông Obama về chiến lược chống IS. Trong khi đó, một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ của ông Obama cho biết sẽ phản đối dự luật vì các từ ngữ quá “mơ hồ” và vì đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến triền miên nhiều năm qua.
“Nếu tiền hay quân sự có thể thay đổi được thế giới, chúng ta có lẽ đã xong việc từ lâu” –New York Times dẫn lời thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin.
Vấn đề sẽ được tranh luận gay gắt nhất là việc cấm tổng thống triển khai bộ binh. Theo nghị sĩ Angus King, điều này nhằm giới hạn số lượng và mục tiêu của quân Mỹ được triển khai ở Trung đông để chống IS.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tách biệt giữa, chẳng hạn, các lực lượng đặc biệt được triển khai trong vài ngày vì các mục đích cụ thể, hoặc các binh lính bảo vệ các cơ sở của Mỹ, với việc triển khai bộ binh dài hạn. Sẽ phải thảo luận để xác định liệu đây có phải là cụm từ chính xác hay không” – CNN dẫn lời nghị sĩ King.
“Tôi không hiểu từ “lâu dài” có nghĩa gì nữa” – nghị sĩ Barbara Mikulski nói.
Dù vậy, một số nghị sĩ Cộng hoà tỏ ra ủng hộ ông Obama khi phản đối việc cấm tổng tư lệnh quân đội Mỹ triển khai lực lượng bộ binh. “Tôi bất đồng với tổng thống về chính sách đối ngoại của ông ấy nhưng quốc hội cần trao quyền sử dụng vũ lực quân sự. Các đồng minh và kẻ thù của chúng ta cần biết rằng chúng ta thống nhất về vấn đề này” – Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều nghị sĩ Dân chủ cũng lo sợ dự luật sẽ được tổng thống kế tiếp sử dụng vì có giá trị đến năm 2017 trong khi nhiệm kỳ của ông Obama sẽ kết thúc trong một năm tới. Một số nghị sĩ Dân chủ khác yêu cầu dự luật cần giới hạn phạm vi địa lý và các lực lượng vũ trang sẽ được điều động tham chiến.
Ông Bob Menendez, nghị sĩ có uy tín trong các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ, trước đó cho biết Tổng thống Obama và đảng này đã thống nhất về quan điểm chỉ duy trì việc trao quyền sử dụng vũ lực cho tổng thống trong thời hạn ba năm, đồng thời chấm dứt đạo luật năm 2002 nhưng chưa rõ khả năng có kết thúc đạo luật năm 2001 hay không.
Mỹ xác nhận con tin thiệt mạng
Trước đó một ngày, gia đình và chính quyền Mỹ xác nhận nữ nhân viên cứu trợ Kayla Mueller, 26 tuổi, bị IS bắt cóc ở Syria năm 2013, đã thiệt mạng. Tổng thống Obama cho biết Mỹ đã cố hết sức và hành động mạo hiểm để giải cứu con tin. Tuy nhiên, ông Obama vẫn tuyên bố cứng rắn rằng nước Mỹ không bao giờ trả tiền chuộc cho khủng bố.
Thông tin đưa ra bốn ngày sau khi IS nói rằng cô Mueller đã chết trong một cuộc tấn công của Jordan. Dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cái chết của cô Mueller không làm lung lay quyết tâm tiêu diệt IS của Mỹ.
Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ trong văn bản tài liệu chuẩn bị cho cuộc điều trần tại Ủy ban An ninh nội địa vào ngày 11-2 cho biết hiện có ít nhất 3.400 công dân các nước phương Tây trong tổng số hơn 20.000 tay súng từ 90 quốc gia tham gia lực lượng thánh chiến IS ở Iraq và Syria, theo AFP.
Số lượng công dân phương Tây gia nhập nhóm chủ chiến IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác trên khắp thế giới cao hơn nhiều so với những người nước ngoài từng tham gia các cuộc thánh chiến ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen hoặc Somalia trong 20 năm qua.