27/11/2024

Có quà tết, em không phải bỏ học

Ngày 9-2, gần 1.800 phần quà tết cuối cùng của chương trình “Tết cho học sinh biên cương” đã đến với các thầy trò ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

 

Có quà tết, em không phải bỏ học


Ngày 9-2, gần 1.800 phần quà tết cuối cùng của chương trình “Tết cho học sinh biên cương” đã đến với các thầy trò ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

 

 


 

 

Em Hồ Văn Đào, học sinh khuyết tật Trường PTDT bán trú Pa Nang (Quảng Trị), nói rằng đây là lần đầu tiên em nhận được quà tết - Ảnh: Ngọc Hiển
Em Hồ Văn Đào, học sinh khuyết tật Trường PTDT bán trú Pa Nang (Quảng Trị), nói rằng đây là lần đầu tiên em nhận được quà tết – Ảnh: Ngọc Hiển

Dưới cái rét cắt da cắt thịt, hàng trăm học sinh và cả phụ huynh tại điểm Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Pa Nang của xã Pa Nang (huyện Đakrông, Quảng Trị) đã nở những nụ cười tươi đón đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ đến trao quà tết.

Đã có tết rồi

Bạn đọc ủng hộ hơn 4 tỉ đồng

Sau hơn một tháng phát động, chương trình “Tết cho học sinh biên cương” đã tiếp nhận hàng ngàn tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ chia sẻ và ủng hộ hơn 4 tỉ đồng gồm 1 tỉ đồng tiền mặt và quà (sữa, bánh kẹo, áo ấm, giày dép mới…) trị giá hơn 3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng còn tổ chức đêm nhạc Vòng tay yêu thương gây quỹ ủng hộ chương trình.

Từ ngày 2 đến 9-2-2015, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng bảy tỉnh đoàn biên giới gồm: Kiên Giang, Kon Tum, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Lào Cai cùng đại diện một số đơn vị tài trợ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức trao toàn bộ số tiền và quà đầy nghĩa tình của bạn đọc đến với hơn 5.500 học sinh và giáo viên ở các vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đón tết.

TỐ OANH

Pa Nang là xã nghèo nhất của huyện Đakrông. Để đến nhận quà tết, học sinh ở bản Ngược, bản xa nhất của xã Pa Nang, đã “cuốc bộ” hơn bốn giờ, vượt gần 20km đường rừng trong sương sớm.

Nỗi háo hức nhận quà đã giúp các em quên nhọc nhằn của đường đi, bởi với nhiều em, đây là lần đầu tiên các em biết đến màu đỏ của bao lì xì ngày tết.

Em Hồ Văn Đào (lớp 8B Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang) nói rằng em vui lắm vì là lần đầu được nhận quà tết. Đào là học sinh khuyết tật, phải đi bằng hai đầu gối nhưng em vẫn kiên trì đeo đuổi sự học và được thầy cô trường này nuôi ăn, nuôi ở.

“Nghe tin được nhận quà tết, em nôn nao cả tuần nay. Ba năm đi học xa nhà, đây là lần đầu em có quà mang về chia sẻ cho các em của mình. Có quà là các em của em vui, thế là tết rồi chú ạ!” – Đào tâm sự.

Thầy Hồ Ngọc Vương, giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang, cho biết hai cái tết vừa rồi thầy chở Đào về nhà ở bản Ngược ăn tết nhưng lòng bùi ngùi vì chẳng có gì cho em ăn tết. Thầy Vương năm nay gần 40 tuổi, là người dân tộc Vân Kiều, dạy ở trường này đã gần chục năm nhưng đây cũng là lần đầu tiên thầy nhận quà tết có giá trị.

Tại điểm trao ở Trường TH&THCS A Xing (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị), nhiều em học sinh đến nhận quà trong những chiếc áo đã ngả màu, những đôi chân đất lấm lem. “Số tiền lì xì của chương trình đủ cho các em sắm những đôi dép, những chiếc áo mới để đến trường, thế là tết rồi chứ không cần gì xa xôi” – thầy Nguyễn Hữu Quảng, hiệu trưởng Trường TH&THCS A Xing, nói.

Không phải lên rừng bẻ đót

Ở các điểm Trường PTDT bán trú TH&THCS số 2 Trọng Hoá, Trường tiểu học Hưng và Trường TH&THCS Thượng Hoá (cùng thuộc huyện biên giới Minh Hoá, Quảng Bình), dù tết cận kề nhưng dường như không có nhiều thay đổi so với thời điểm cách đây hơn một tháng khi chúng tôi vào vùng này để khảo sát địa điểm trao quà tết.

Nhiều em học sinh thậm chí còn không có dép để mang khi đến nhận quà, chứ chưa nói đến áo quần ấm.

Thầy Nguyễn Đại Khờn, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS số 2 Trọng Hoá, cho biết: “Các em đã đến từ hơn 6g sáng. Mấy năm rồi mới có quà tết nên em nào cũng muốn đến thật sớm để chờ”.

Em Hồ Văn Mai, học sinh lớp 4A Trường tiểu học Hưng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) chân đất đi nhận quà tết - Ảnh: Q.Nam
Em Hồ Văn Mai, học sinh lớp 4A Trường tiểu học Hưng, xã Trọng Hóa (Minh Hoá, Quảng Bình) chân đất đi nhận quà tết – Ảnh: Q.Nam

Thầy Khờn cũng cho biết trường có 592 học sinh ở bảy điểm lẻ cách nhau xa nhất đến 30km nên việc tất cả các em đến được đây để nhận quà rất khó khăn. Vì thế tại trường này phải chia ra hai điểm lẻ để phát quà, cách nhau 12km đường rừng núi.

Ở điểm trao thứ nhất tại điểm trường Ra Mai, không khó để chúng tôi nhận ra một nhóm học sinh xăn quần tới gối đang ngồi trong hàng học sinh lớp 8 của trường. Ống quần một số em vẫn chưa kịp khô sau khi phải lội qua hai lần suối.

Em Hồ Thị Lam, một em trong nhóm, cho biết nhóm em ở tận bản Ka Oóc, là điểm xa và khó nhất, về học tại điểm trường Ra Mai. Bình thường mỗi ngày khoảng 20 học sinh của bản này phải đi bộ hơn hai giờ đường rừng để đến lớp. Sáng nay đi nhận quà tết, cả nhóm phải đi từ 4g sáng để kịp thời gian nhận quà.

“Đi sớm trời tối, lạnh ngắt. Nhưng phần sợ trễ giờ, phần cũng háo hức được nhận quà tết nên cả mấy bạn quyết định đi sớm hơn bình thường khoảng nửa giờ”, Lam nói.

Cô giáo Đinh Thị Hồng Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A điểm trường Ra Mai, kể đặc thù ở vùng biên giới này là bà con người Mày, Khùa cuộc sống rất khó khăn nên chuyện học sinh thi thoảng phải nghỉ học cả tuần để đi rừng lấy đót, hái lá dong về bán phụ bố mẹ là chuyện mà giáo viên buộc phải chấp nhận.

Trước đó mấy hôm, em Hồ Hưng, học sinh lớp này, cũng lên xin cô Vân cho nghỉ một tuần để đi rừng hái lá dong kiếm tiền tiêu tết. Bố mẹ Hưng đã ly dị. Hưng sống với ông bà ngoại nhiều năm nay. Hưng thường xuyên phải nghỉ học đi rừng. Mỗi chuyến đi em cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng giúp ông bà mua gạo.

“Hôm rồi, tôi nói Hưng sắp được nhận quà tết của báo Tuổi Trẻ. Hưng mừng quá, nói với ông bà là khỏi đi rừng chuyến này. Cũng nhờ vậy, mấy hôm nay Hưng vẫn đi học bình thường”, cô Vân nói.

Thầy Lê Thanh Tùng, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang, cũng chia sẻ rằng mùa này học sinh của trường thường nghỉ học lên rừng bẻ đót kiếm tiền tiêu tết. Những phần quà và số tiền của chương trình đến kịp thời đã giúp nhiều em không phải nghỉ học lên rừng bẻ đót nữa.


NGỌC HIỂN – QUỐC NAM