07/01/2025

Thực phẩm bẩn: lo ngay ngáy!

Càng gần tết, thực phẩm bẩn trà trộn vào thị trường càng gia tăng. Làm sao nhận biết thực phẩm bẩn? Những tác hại? Người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình ra sao?

 

Thực phẩm bẩn: lo ngay ngáy!

 

Càng gần tết, thực phẩm bẩn trà trộn vào thị trường càng gia tăng. Làm sao nhận biết thực phẩm bẩn? Những tác hại? Người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình ra sao?

 

 

 

 

Trong những ngày cận tết, lực lượng chức năng đã kiểm tra bắt giữ nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh. Trong ảnh: đoàn kiểm tra của Trạm thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM) bắt quả tang một lò giết mổ trái phép tại xã Bình Hưng – Ảnh: Tiến Long

Tham gia chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm sao nhận biết được thực phẩm bẩn?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 6-2, bác sĩ (BS) Đỗ Thị Ngọc Diệp (giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), BS Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) và luật gia Phan Thị Việt Thu (phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh vấn đề này.

Cẩn thận với rau củ đẹp bất thường

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp lưu ý mọi người cẩn thận với những rau củ có thân to, mập, ngọn dài khác thường, màu quá đậm, quá mướt, bóng. Tuy nhiên, không phải cứ rau củ quả xấu là an toàn. Khi lựa chọn rau nên có một số lưu ý về nguồn gốc, mùa vụ và hình thức bên ngoài.

Theo khuyến cáo của BS Diệp, mọi người chỉ nên chọn mua trái cây tươi mới ở những nơi uy tín, tránh mua sản phẩm bị rụng phần cuống hoặc bị giập, nứt nẻ để đề phòng thuốc bảo quản có thể thâm nhập.

Nếu chỉ căn cứ vào cảm quan, theo BS Diệp, rất khó có thể nhận ra các loại mứt tết nào là an toàn và mứt tết nào là không an toàn.

Tuy nhiên, mọi người không nên mua các loại mứt nhìn có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ bất thường, ví dụ quá trắng (mứt dừa, mứt bí…), quá đỏ (mứt cà chua, mứt cà rốt, các loại ô mai…), quá xanh (mứt kiwi…), quá vàng (mứt khoai, mứt dừa…) và để quá hai tuần mà không chảy nước, không đổi mùi. Những loại mứt nào có vị đậm đà quá mức, mùi nồng hơn so với tự nhiên cũng không nên mua.

Đối với vấn đề bảo quản, BS Diệp lưu ý dù thời tiết ngày tết hơi lạnh nhưng bánh chưng, bánh tét đều không thể sử dụng nếu để quá một tuần. Các món kho chỉ nên sử dụng trong ba ngày. Nếu các sản phẩm này được cấp đông trong tủ lạnh, có thể sử dụng tối đa 10 ngày. Riêng các món xào chỉ nên sử dụng trong ngày để đảm bảo sức khỏe.

Thực phẩm bẩn ảnh hưởng chất lượng giống nòi

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết thực phẩm bẩn có hai loại. Một là thực phẩm bẩn bởi nhiễm những chất vô cơ, những chất phụ gia không nằm trong danh mục và giới hạn cho phép (các kim loại nặng, các chất phụ gia hoặc phẩm màu công nghiệp…). Hai là những sản phẩm bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, có vật thể lạ hoặc các độc tố của vi khuẩn.

“Đối với thực phẩm bẩn theo nhóm một, điều nguy hiểm là chúng gây ngộ độc tích tụ từ từ. Cơ thể khó tự đào thải ra được. Về y học, thật sự chưa có cách nào hạn chế những độc hại của thực phẩm bẩn này. Với thực phẩm bẩn theo nhóm hai, thường chúng sẽ gây những biểu hiện cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Các triệu chứng này sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bẩn” – BS Phương chia sẻ.

Cũng theo BS Phương, cho đến nay vẫn chưa có cách nào để hạn chế tác dụng tiêu cực một khi đã ăn phải những thực phẩm này.

“Có nhiều người cùng ăn nhưng mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc đề kháng của cơ thể, lượng thức ăn bẩn nạp vào cơ thể và một số loại thuốc men đang dùng kèm theo” – BS Phương nói.

Trong khi đó, BS Diệp nhận định tình trạng ngộ độc các loại hoá chất còn tồn dư trong các loại rau củ quả thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, nhưng đây là một tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng và chất lượng giống nòi.

Luật gia Phan Thị Việt Thu (phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM):

Chỉ nên mua hàng có nguồn gốc xuất xứ

Để hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn… tràn lan trên thị trường hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên người tiêu dùng cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Người tiêu dùng chỉ nên mua những loại hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn chứng từ, đồng thời tẩy chay hàng nhái, hàng giả, hàng bẩn.

Ngoài ra, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn, người tiêu dùng cũng thể hiện quyền của mình bằng cách báo cho các cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời. Sự hợp tác từ người tiêu dùng sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn tình trạng này.

TRÀ MY