10/01/2025

Xét nghiệm cũng là y đức

Xét nghiệm nói riêng và các kỹ thuật cận lâm sàng nói chung là các phương tiện hết sức cần thiết trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.

 

Xét nghiệm cũng là y đức

 

 

Xét nghiệm nói riêng và các kỹ thuật cận lâm sàng nói chung là các phương tiện hết sức cần thiết trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Xét nghiệm hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán xác định đúng bệnh, loại trừ bệnh này với bệnh khác (chẩn đoán phân biệt bệnh) một cách chính xác, từ đó bác sĩ đưa ra quyết định điều trị đúng và đạt hiệu quả cho bệnh nhân.


Khi đứng trước một bệnh nhân, sau khi bác sĩ (BS) đã tiến hành khám lâm sàng (nhìn, sờ, gõ, nghe) mà vẫn chưa chẩn đoán được bệnh gì, thì nhất định sẽ phải cho tiến hành một số xét nghiệm (XN), bao gồm công thức máu, sinh hoá máu, nước tiểu… hay làm các cận lâm sàng khác (siêu âm, X-quang, CT scanner, MRI…).

Vấn đề cần bàn ở đây là nếu bệnh nhân đã được làm các XN ở chỗ khác, khi chuyển viện thì BS có thể tin để sử dụng các kết quả này hay không, hay bắt người bệnh phải làm XN lại?

Niềm tin của các BS trong trường hợp này đa phần là dựa vào uy tín, “thương hiệu” của các bệnh viện, cơ sở y tế đã thực hiện XN cho bệnh nhân trước đó. Nếu tin tưởng, khi đó BS mới dám sử dụng lại kết quả XN. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cần làm lại vì có những loại bệnh, chỉ số XN có thể thay đổi trong thời gian ngắn; cũng không loại trừ có trường hợp BS bắt người bệnh phải làm lại XN vì “mục đích riêng”.

XN hỗ trợ, “dẫn đường” BS trong chẩn đoán bệnh. Do vậy, nếu kết quả XN bị sai lệch khiến BS nghi ngờ sẽ phải làm lại, vừa tốn kém cho người bệnh, vừa gây chậm trễ cho điều trị. Chưa nói, khi kết quả XN sai, mọi rủi ro thuộc về người bệnh. Vì kết quả XN sai có thể có trường hợp sẽ dẫn đến chẩn đoán bệnh sai, chẩn đoán lệch đường đi – không bệnh thành có bệnh, khiến người bệnh hoang mang lo lắng; hoặc có bệnh thành không bệnh dẫn đến chậm trễ trong điều trị, đưa đến biến chứng, làm bệnh tình trầm trọng hơn, có khi người bệnh mất cơ hội chữa trị.

Vì vậy, các bệnh viện, cơ sở y tế công, tư – những nơi có làm XN cần thấy được tầm quan trọng của XN đối với sinh mạng người bệnh, để có những biện pháp nhằm đảm bảo cho ra kết quả chính xác nhất. Từ việc trang bị phương tiện, máy móc, sử dụng nguồn hoá chất (thuốc thử) đảm bảo chất lượng, đến việc kiểm tra quy trình, kiểm chuẩn XN tại cơ sở mình trước, trong, và sau XN. Những kỹ thuật viên, BS trực tiếp làm XN cũng hết sức ý thức về trách nhiệm của mình trong từng khâu.

Đó không chỉ là đảm bảo chuyên môn mà còn là y đức đối với người bệnh.

Bác sĩ Đỗ Triều Hưng