10/01/2025

Tiền thiêng liêng

Quỹ Từ thiện Tình thương TPHCM (Quỹ TTTT) – nơi quản lý các quán cơm xã hội 2.000 đồng mang tên “Nụ Cười” và các chương trình trợ giúp y tế – là một quỹ từ thiện theo mô hình Chi phí quản lý bằng 0 (Admin Cost = Zero), theo đó tiền đóng góp từ nhà hảo tâm được chuyển hết cho người thụ hưởng.

Tiền thiêng liêng

Lê Văn Chính (*)

Giá một phần ăn trưa chỉ 2.000 đồng, ảnh chụp tại quán cơm Nụ Cười 3, 1276 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM. Ảnh: TUYẾT HUỆ

(TBKTSG) – Quỹ Từ thiện Tình thương TPHCM (Quỹ TTTT) – nơi quản lý các quán cơm xã hội 2.000 đồng mang tên “Nụ Cười” và các chương trình trợ giúp y tế – là một quỹ từ thiện theo mô hình Chi phí quản lý bằng 0 (Admin Cost = Zero), theo đó tiền đóng góp từ nhà hảo tâm được chuyển hết cho người thụ hưởng.

Tiền từ nhà hảo tâm đóng góp được chúng tôi trân trọng gọi là “tiền thiêng liêng” với tâm niệm luôn rất cẩn thận khi sử dụng. Mỗi khi tiếp nhận đề nghị xin trợ giúp, phải rất đắn đo khi quyết định chi tiền từ ngân quỹ thiêng liêng này.

Chúng tôi thiết lập các quy trình, thủ tục cho mỗi quyết định duyệt chi đều minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh hệ thống kiểm soát nội bộ và công khai tài chính hàng ngày, toàn bộ hoạt động thu chi còn được Công ty Ernst & Young kiểm toán hàng năm. Chúng tôi mong muốn mọi chuyện thật chu đáo và hoàn hảo nhất.

Nhưng thực tế không đơn giản như mình tưởng tượng. Chúng tôi thường bị giằng co bởi hành xử duy lý theo nguyên tắc tài chính khắt khe, với những thôi thúc bởi rung động của tình người.

Chẳng hạn khi tiếp nhận một ca y tế ngặt nghèo, rất xứng đáng để giúp đỡ theo cảm tính. Chỉ kẹt bệnh nhân không đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy trình, giấy tùy thân không có mà giấy xác nhận hộ nghèo cũng không. Nếu đề nghị bệnh nhân về quê làm cho xong mấy thứ giấy này thì chắc họ chết mất trước khi xong thủ tục.

Lại có những bệnh nhân người dân tộc thiểu số, không nói được tiếng Việt, chẳng biết làm cách nào mà lần mò đến được bệnh viện tuyến trên với chứng bệnh hiểm nghèo cấp tính, trong hoàn cảnh không tiền bạc, không thân thích, không giấy tờ, không ngôn ngữ. Quỹ từ thiện chưa kịp giải quyết vướng mắc quy trình giúp đỡ thì bệnh nhân đã trốn về mất tiêu khi được bệnh viện thông báo khoản tạm ứng viện phí vượt quá khả năng của họ. Tương lai thật mờ mịt chỉ vì không có vài triệu đồng giúp họ giải phẫu kịp thời.

Gặp những trường hợp như vậy, từ chối thì không đành mà làm liều thì vi phạm luật nội bộ. Rất nhiều khi người của Quỹ từ thiện phải chi bằng tiền túi của mình, bởi không thể hành xử kiểu “tòng quyền” mà cũng không thể nhẫn tâm làm ngơ trước những hoàn cảnh thương tâm.

Rút kinh nghiệm, chúng tôi vận động một số nhà hảo tâm thân thiết đồng ý tham gia vào nhóm “nhà hảo tâm dự trữ”. Gặp ca khẩn cấp không kịp chờ đợi làm xong thủ tục với Quỹ TTTT, trái tim thì cần giúp nhưng quy trình thì không ổn, vậy là mời ngay “nhà hảo tâm dự trữ” đến trao tiền trực tiếp cho bệnh nhân. Quỹ TTTT lúc đó chỉ là người giới thiệu, tiền từ nhà hảo tâm đi thẳng đến bệnh nhân không cần nhập vào chi ra qua quỹ nữa. Chúng tôi gọi đùa đây là mô hình từ thiện Peer-to-Peer (thuật ngữ công nghệ thông tin).

Việc quản lý các quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng cũng không đơn giản. Mỗi ngày vài ngàn suất ăn được bán ra với sự góp sức tích cực của rất nhiều tình nguyện viên có lòng, phần lớn làm việc không lương. Chúng tôi biết rõ trong số các tình nguyện viên, không ít người đang rất khó khăn, có khi khó khăn hơn cả những người lao động nghèo vào quán ăn cơm 2.000 đồng nữa.

Có lần bắt gặp một em tình nguyện viên đang khóc vì nghe tin mẹ ốm nhưng không có tiền về quê chăm mẹ. Chúng tôi thật xót xa, tuy cầm tiền tỉ trong tay nhưng là tiền để lo cho các bữa cơm 2.000 đồng, còn trường hợp thương tâm này thì không quy trình, thủ tục nào cho phép duyệt chi, dù để chi cho những người đã góp công góp sức cho các quán cơm Nụ Cười trong những lúc khó khăn.

Biết làm sao được, lại phải chạy vạy tìm phương cách khác để giúp đỡ.

Cầm đồng tiền của nhà hảo tâm trong tay, chúng tôi tự thấy mình vất vả hơn các bác trong “hành chính công” rất nhiều. Các vị ấy sử dụng tiền thuế dân, luật thuế và cũng là nghĩa vụ bắt buộc người dân phải đóng góp, chỉ cần xài tiền cho đúng luật là được.

Còn tiền thiêng liêng mà chúng tôi đang giữ không phải từ nghĩa vụ đóng góp mà từ trái tim nhân ái, từ tấm lòng thơm thảo của nhà hảo tâm. Tám ngàn đồng của ông bà cụ bán vé số, 20.000 đồng từ anh chạy xe ôm, hoặc chỉ 2.000 đồng từ một cháu học sinh lượm ve chai… Nhận tiền đóng góp tuy ít nhưng cảm động như vậy chúng tôi đã rưng rưng rồi, nỡ nào vung tay xài tiền bừa bãi được. Chúng tôi thường nói với nhau, cũng như với người cầm tiền đi chợ hàng ngày cho quán cơm rằng tiền này có linh hồn đấy – nó rất thiêng liêng!

Dạo sau này, chúng tôi thấy cảm xúc nhiều hơn không chỉ ở niềm vui của người nghèo được ăn cơm ngon hay được chữa trị nữa. Cảm xúc bây giờ là khi ngồi ở bàn thu ngân, quan sát nhà hảo tâm đến ủng hộ tiền. “Thưa bác đóng góp hả, để con viết phiếu thu”. Tần ngần cầm mấy tờ giấy bạc, chỉ 8.000 đồng thôi – ánh mắt ông bà cụ bán vé số lúc đó đã ám ảnh chúng tôi mãi sau này. Pha trộn nhiều thứ: ngại ngần vì số tiền ít ỏi, nhưng vẫn ánh lên niềm tin vào điều tốt đẹp và ngời ngời hạnh phúc, như thể chân lý đang hiển lộ đâu đây.

Giá trị của những tờ bạc lẻ đó, cao hơn mệnh giá của nó gấp trăm, gấp ngàn lần…

(*)Chủ tịch Quỹ Từ thiện Tình thương TPHCM