27/11/2024

Tết không về hãy đến nhà cô

Cô chủ nhiệm lớp đại học đã nói với tôi như vậy mỗi dịp tết đến.

 

Tết không về hãy đến nhà cô

 

Cô chủ nhiệm lớp đại học đã nói với tôi như vậy mỗi dịp tết đến. 

 

 

 

Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần

Cứ đến gần dịp tết, cô lại hỏi vừa như nhắc khéo tôi: “Nếu tết em không về thì đến nhà cô ăn tết cho vui nhé. Nhà cô cũng neo người, có thêm em tết sẽ vui hơn”.

Nhớ lại ngày ấy, cứ gần tết, tôi luôn phải cân nhắc giữa việc nên về quê ăn tết hay ở lại thành phố tranh thủ làm thêm. Mỗi hôm làm thêm dịp cuối năm, lương tôi nhận được cao gấp mấy lần ngày bình thường.

Sinh viên năm đầu (2004), tôi nuốt nước mắt ở lại để làm thêm. Cô tình cờ nhìn thấy tôi đi phát tờ rơi, câu đầu tiên cô hỏi tôi: “29 tết rồi sao em còn ở đây?”. Tôi trả lời cô: “Dạ, tết này em không về cô à”.

Như hiểu ra hoàn cảnh của tôi, cô nắm đôi vai tôi: “Hãy đến nhà cô ăn tết nhé. Gia đình cô luôn chào đón em”.

Tết đó, tôi đã đến nhà cô. Số tiền ít ỏi tôi ở lại làm thêm dịp cuối năm đủ để trang trải sinh hoạt trong hai tháng sau đó.

Kinh tế nhà cô khi ấy cũng không khá giả gì nhưng cô vẫn dành cho tôi một khoản lì xì. Khoản tiền ấy đủ để tôi ăn tiết kiệm trong một tháng. Những cái tết sau cũng vậy, cô luôn chủ động nhắc khéo để tôi khỏi ngại.

Hết năm nhất, tôi đã định bỏ học giữa chừng. Nếu tôi tiếp tục đi học thì hai đứa em khi đó (một đứa lớp 12, một đứa lớp 9) sẽ phải nghỉ học vì bố mẹ tôi không đủ chu cấp cho cả ba anh em.

Khi biết tôi có ý định bỏ học để đi làm thêm kiếm tiền gửi về quê, cô đã kể cho tôi nghe khi cô còn tuổi học sinh, nhà nghèo, không có tiền đi mừng ngày nhà giáo nhưng thầy giáo chủ nhiệm lớp cô đã đem kẹo, một ít hoa quả đến trường chia cho lũ học trò nghèo.

Cô bảo rằng cô không thể quên được những cái kẹo ấy, không quên được lời thầy dạy ngày ấy: “Các em nhà nghèo nên càng phải nỗ lực hơn gấp trăm, gấp nghìn lần người khác”.

Kể rồi cô quay ra nói với tôi: “Em cũng vậy nhé, trước mắt khó khăn đấy nhưng đừng chùn bước. Nếu chỉ vì khó khăn mà em từ bỏ ước mơ của mình thì tương lai của em sẽ chẳng thể hơn bố mẹ ở quê được.

Nếu cô cũng vì cái nghèo mà bỏ học thì bây giờ đâu có ngồi đây để nói với em những lời này. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo nghe em”.

Nghe cô, tôi tiếp tục đến giảng đường, một buổi đi làm thêm. Bố mẹ không còn phải chu cấp thêm nữa mà thi thoảng tôi vẫn chắt chiu gửi về quê một số tiền nhỏ. Rồi bốn năm đại học cũng trôi qua, trước ngày nhận bằng tốt nghiệp, tôi đến nhà cô cầm theo cuốn sổ giáo án.

Tôi nói với cô: “Cảm ơn cô và gia đình đã giúp đỡ em trong thời gian em cơ nhỡ. Em sẽ không bao giờ quên ơn cô và không bao giờ quên những cái tết ăn ở nhà cô.

Ngày mai em đã tốt nghiệp đại học rồi, sẽ phải lăn lộn với cuộc đời. Ngày em thành đạt, em mới dám quay về thăm cô, như vậy mới xứng đáng với cô”. Cô khẽ gật đầu: “Cô tin ở em”.

Đúng như lời hứa, sau bao nhiêu vất vả, khó khăn, có lúc thất bại không một xu dính túi, nợ nần chồng chất, nhưng nhớ lời dạy của cô, những hi vọng của cô, tôi đã không chùn bước.

Giờ đã trở thành trưởng phòng một công ty liên doanh với nước ngoài, tôi mới dám gặp cô. Cô vẫn vậy, giản dị và gần gũi.

Tôi kể cho cô nghe những khó khăn gặp phải trong cuộc sống và đã vượt qua như thế nào nhờ lời dạy của cô.

Cô mỉm cười: “Có những học trò như em càng khiến cô yêu nghề hơn. Cô mừng vì em đã nên người, đã trưởng thành rồi Long ơi”.


CAO LONG