09/01/2025

Tai nạn trực thăng UH1 7912: Tết này, các anh không về…

Nỗi đau quá lớn làm vợ con của các chiến sĩ hi sinh trong tai nạn trực thăng UH1 7912 gần như ngã quỵ. Nước mắt không còn để khóc con, khóc chồng, khóc cha…

 

Tai nạn trực thăng UH1 7912: Tết này, các anh không về…

 

Nỗi đau quá lớn làm vợ con của các chiến sĩ hi sinh trong tai nạn trực thăng UH1 7912 gần như ngã quỵ. Nước mắt không còn để khóc con, khóc chồng, khóc cha…

 

 


 

 

Bà Võ Thị Dung (trái) – chủ tịch Uỷ  ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – đến thăm và động viên bà Nguyễn Thị Vân, mẹ chiến sĩ Nguyễn Việt Cường (26 tuổi), hi sinh trong vụ trực thăng rơi tại huyện Bình Chánh – Ảnh: Hữu Khoa

11g, con hẻm đường Thăng Long, Q.Tân Bình (TP.HCM) dẫn vào nhà thượng tá Đỗ Văn Chính thường ngày vắng lặng nay đông người ghé qua.

Cách chừng 200m là nhà của thượng tá Trần Văn Đức cũng chung cảnh tang trắng. Hai đầu hẻm, hai tấm bảng “nhà có tang” dựng chơ vơ.

Thượng tá Đoàn Thông Cảm, cùng công tác tại trung đoàn không quân 917 (sư đoàn không quân 370), kể lại những phút giây chờ đợi tin tức thượng tá Đỗ Văn Chính với giọng nghẹn cứng:

“Khi nghe tin trực thăng có anh Chính ngồi bị rơi ở Bình Chánh, tôi chạy xe xuống hiện trường ngay. Trên đường đi, tôi nhận được tin anh Chính đã hi sinh.

Nhưng đến tận hiện trường, tôi vẫn có cảm giác anh còn sống vì đinh ninh quá trình chuẩn bị bay có nhiều giai đoạn, khó có thể xảy ra chuyện rắc rối gì được”.

Chị Đinh Thị Hiền (trái) – vợ đại uý  Lê Hồng Quân – đau đớn trước sự hi sinh đột ngột của chồng mình – Ảnh: Yến Trinh

Khăn tang ở xóm phòng không

Hai người cùng nhập ngũ năm 1982, cùng đi học ở Liên Xô sau đó, đã có hơn 30 năm đồng đội có nhau. Cách đây mười ngày, bạn bè cùng lớp của hai người từ miền Bắc vào Sài Gòn chơi, cả nhóm còn gặp nhau.

Thượng tá Cảm nhà gần thượng tá Chính nên mỗi khi rỗi rảnh lại hẹn nhau uống trà. Ông nói: “Anh Chính hiền lắm, quen biết ảnh mấy chục năm tôi chưa hề thấy ảnh nổi giận lớn tiếng. Ảnh hiền nhưng lại mạnh mẽ, mê tập võ. Chúng tôi gắn bó như anh em trong nhà, thường giúp nhau mỗi khi có khó khăn, chuyện học hành của con cái…”.

Từ đôi mắt người lính già, hai giọt nước mắt nhỏ xuống, cùng câu hỏi: “Đồng đội tôi đâu rồi?”.

Sáng 28-1, ông Nguyễn Văn Ba (65 tuổi, anh họ thượng tá Chính) gọi cho em mình hẹn gặp nhau như mọi lần nhưng đáp lại chỉ là những hồi chuông dài.

“Bình thường tôi gọi Chính bắt máy ngay, nay thấy lạ nên tôi linh cảm có điều gì đó không hay. Một lúc sau thì nhận được tin, tôi ngẫm nghĩ hoài cũng không thể tin được em mình đã mất” – ông Ba nhớ lại.

Ông cũng là người đọc họ tên em mình cho phóng viên chương trình thời sự phát lúc 19g ngày 28-1, lúc đó ông cố gắng để giọng mình không xúc động mà nước mắt chảy ngược vào trong.

Ông nói: “Anh em họ hàng đều nói gương mặt tôi rất giống Chính, tình thân của hai anh em không khác gì máu mủ ruột rà nên tôi càng đau đớn hơn khi Chính ra đi không lời từ biệt”.

Đường Thăng Long và Giải Phóng (Q.Tân Bình) nhiều người biết vì ở đây có khoảng 50 gia đình bộ đội phòng không không quân cư trú. Khi thượng tá Chính và thượng tá Đức hi sinh, “xóm” phòng không như chết lặng bởi họ vừa mất đi hai đồng đội, mất đi hai hàng xóm nghĩa tình gắn bó nhiều năm qua.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (80 tuổi) kể: “Hai ngày nay tôi cứ đi qua đi lại hai ngôi nhà ấy với tâm trạng thẫn thờ. Hai vợ chồng hiền lành, mẫu mực. Hai con cũng học giỏi lắm, vậy mà…”.

Anh trai của thượng tá Đức nói thêm: gia đình có năm anh em mà hai người đã là liệt sĩ chiến trận, nay thêm một người em nữa thành liệt sĩ.

Bà Võ Thị Dung, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, thăm hỏi, động viên thượng tá Nguyễn Hữu Dũng – bố ruột của chiến sĩ Nguyễn Việt Cường (26 tuổi), người trẻ nhất hi sinh trong vụ trực thăng rơi tại huyện Bình Chánh, TP.HCM  - Ảnh: Hữu Khoa

Khóc khô nước mắt

Trong ngôi nhà thuê ở hẻm đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), chị Đinh Thị Hiền, vợ đại uý Lê Hồng Quân, cứ khóc mãi mỗi khi có người nhắc tên chồng.

Chị ngồi lặng thinh, đôi mắt đỏ nhìn vô định. Cô con gái út Lê Hồng Ân mới 17 tháng tuổi đâu hay biết gì nỗi đau của mẹ, cứ chạy chơi rồi đòi mẹ ẵm.

Cô con gái lớn Lê Hồng Phương (học lớp 1) cũng vô tư quanh quẩn bên mẹ. Ông bà ngoại của hai bé phải túc trực lo cho hai cháu. Anh Phan Quốc Hưng, em rể đại úy Quân, cho biết gia cảnh anh mình rất khó khăn.

Đại úy Quân cùng vợ thuê căn nhà này từ năm 2007. Chị Hiền ngoài thời gian chăm con còn đi làm thêm đủ thứ việc để có thêm thu nhập. Còn anh Quân thì luôn ước mơ cất được căn nhà tươm tất cho vợ con. Vậy mà giờ anh lại ra đi bỏ vợ con côi cút. 

Đại úy Quân quê ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An, cha mẹ là cựu quân nhân. Anh hi sinh, cả khu xóm thuộc tổ 16, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 ai cũng bày tỏ sự đau xót. Nhiều người kể rằng anh Quân hiền lành, thương vợ thương con và sống chan hoà với hàng xóm.

Cả khu xóm lao động có mình anh là lính không quân. Họ lặng đi khi nhắc đến tên anh. Ông Nguyễn Văn Dũng, hàng xóm, bảo: “Quân nó hiền khô, gặp ai cũng chào hỏi. Con gái Quân ngoan lắm”. Ông cứ nhắc đi nhắc lại những lời này khi tới lui phụ giúp tang lễ đại uý Quân.

Gia đình của trung uý Nguyễn Việt Cường từ Hà Nội vào Sài Gòn tối 28-1. Bố anh Cường là thượng tá Nguyễn Hữu Dũng (58 tuổi, nguyên chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân chủng phòng không không quân Hà Nội).

Trung uý Nguyễn Việt Cường vừa bước qua tuổi 26, là con thứ hai trong một gia đình mà tất cả bốn người đều công tác trong quân đội.

“Cường thích làm phi công nên năm 2007 đã giấu gia đình đi khám tuyển phi công. Đến vòng thứ hai đòi hỏi có sự có mặt của người nhà, Cường chỉ dám nói với mẹ và anh trai. Rồi nó trúng tuyển Trường sĩ quan Không quân” – thượng tá Dũng kể.

Năm 2012, trung úy Cường tốt nghiệp rồi về trung đoàn không quân 917 đến giờ. Chưa vợ chưa con, cả một tương lai đang chờ.

“Hôm bữa nó còn nói tết sẽ về. Cường ơi, giờ con vĩnh viễn không về nữa rồi” – ông Dũng vừa nói vừa khóc. 

Dự kiến công bố nguyên nhân tai nạn ngày 30-1

Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, cho biết công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường được tiến hành gấp rút và cố gắng hôm nay sẽ công bố nguyên nhân tai nạn.

Bộ Quốc phòng cũng sẽ rà soát và kiểm tra kỹ thuật toàn bộ máy bay của không quân trong thời gian tới. Trong đó ưu tiên hàng đầu là rà soát các dòng máy bay trực thăng có niên hiệu sản xuất đã lâu.

Ông Võ Văn Tuấn cũng cho biết Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ gia đình mỗi sĩ quan hi sinh 50 triệu đồng. Bộ Tổng tham mưu hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp của quân đội sẽ có một quỹ hỗ trợ riêng cho gia đình bốn sĩ quan đã hi sinh để vượt qua khó khăn, mất mát.

Theo thông tin từ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không – không quân, lễ viếng các sĩ quan của trung đoàn không quân 917 hi sinh trong tai nạn máy bay UH1 7912 sẽ bắt đầu từ 7g30-10g30 ngày 30-1 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Lễ truy điệu lúc 10g30-11g. Lễ đưa tang lúc 11g cùng ngày.

Sáng 29-1, bà Võ Thị Dung – chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM – đã đến thăm hỏi, chia sẻ mất mát to lớn của gia đình bốn cán bộ chiến sĩ đã hi sinh trong vụ rơi máy bay trực thăng tại ấp 4, xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh).

Theo bà Dung, TP và Q.12 đã bàn bạc để sớm chăm lo nhà tình nghĩa cho gia đình đại uý Lê Hồng Quân (hiện đang ở nhà thuê tại Q.12) nhằm tỏ rõ sự tri ân đối với người đã hi sinh vì nhiệm vụ.

VIỄN SỰ – QUỐC THANH

YẾN TRINH