09/01/2025

Trò thảnh thơi, thầy bơ phờ

“Học kỳ I đã kết thúc từ tháng 12 nhưng đến thời điểm này (cuối tháng 1), tôi vẫn chưa làm xong sổ sách” – cô T., giáo viên âm nhạc ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết.

 

Trò thảnh thơi, thầy bơ phờ

 

“Học kỳ I đã kết thúc từ tháng 12 nhưng đến thời điểm này (cuối tháng 1), tôi vẫn chưa làm xong sổ sách” – cô T., giáo viên âm nhạc ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết. 

 

 


 

 

Một giáo viên tiểu học ở TP.HCM viết nhận xét vào sổ liên lạc sau học kỳ I năm học 2014-2015 – Ảnh: N.Hùng

Không còn học sinh tiểu học khoe được học sinh giỏi hay xuất sắc, giấy khen không còn rập khuôn một mẫu mà được viết tay với những “hạng mục” khen thưởng khác nhau, giáo viên không còn vào điểm (trong học bạ, sổ liên lạc) mà phải viết nhận xét.

Đó là những thay đổi đáng kể sau học kỳ I năm học 2014-2015, học kỳ đầu tiên cả nước thực hiện thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học.

Những áp lực thành tích thường thấy trước đây đối với học trò không còn. Tuy nhiên với thầy cô thì khác, hầu hết đều kêu oải, nhất là giáo viên bộ môn.

Tinh thần của thông tư 30 rất nhân văn, làm giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh nhưng làm tăng áp lực cho giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn. Ngoài việc ghi nhận xét thì việc khen thưởng cũng mất rất nhiều thời gian của giáo viên
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở TP.HCM

Phải làm cho xong nghĩa vụ

“Mặc dù chương trình học kỳ I đã kết thúc từ tháng 12 nhưng đến thời điểm này (cuối tháng 1-2015) tôi vẫn chưa làm xong sổ sách” – cô T., giáo viên dạy môn âm nhạc ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết.

Năm nay cô T. giảng dạy 11 lớp với gần 400 học sinh: “Hằng tháng tôi phải hoàn thành 11 cuốn sổ theo dõi – đánh giá học sinh. Lớp nào có 35 học sinh còn đỡ, lớp nào trên 35 học sinh thì giáo viên phải canh, chỉnh trong Excel để có đủ danh sách tất cả học sinh, nhận xét từng em rồi in ra dán vào sổ cho đẹp (vì mẫu sổ này chỉ in 35 học sinh). Đến cuối học kỳ, tôi phải ghi nhận xét và ký tên vào gần 400 sổ liên lạc và gần 400 cuốn học bạ của học sinh, tổng cộng gần 800 cuốn sổ. Thời gian làm sổ sách thật sự là một áp lực đối với giáo viên bộ môn chúng tôi”.

Nhưng như thế vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều giáo viên khác.

“Trường tôi sĩ số mỗi lớp 50 em, tôi dạy 16 lớp, đợt vừa rồi viết nhận xét và ký tên cho 1.600 cuốn sổ liên lạc và học bạ, ký đến mỏi tay luôn, rất oải. Ngay cả việc đánh giá bằng nhận xét hằng tháng thì giáo viên cũng không thể ngồi mà tư duy, viết nhận xét cho 1.600 học sinh được. Nói thật là chúng tôi có “ngân hàng lời phê”: cứ nhìn vào đó mà sao chép. Chỉ những em nào thật sự đặc biệt: hoặc có giọng hát rất tốt theo kiểu thiên phú, hoặc vẫn còn nói ngọng, phát âm chưa tròn vành rõ chữ tôi mới nhận xét thật sự” – một giáo viên dạy âm nhạc ở vùng ven TP.HCM thông tin.

Hồ sơ đánh giá

1. Hồ sơ đánh giá là minh chứng cho quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh; là thông tin để tăng cường sự phối hợp giáo dục học sinh giữa giáo viên, nhà trường với cha mẹ học sinh.

2. Hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh gồm:

a) Học bạ.

b) Sổ theo dõi chất lượng giáo dục.

c) Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học.

d) Phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh (nếu có).

đ) Giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh trong năm học (nếu có).

(Trích quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo thông tư số 30/2014/TT – BGDĐT ngày 28-8-2014 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

Theo các giáo viên, vì quy định nên phải làm cho xong nghĩa vụ chứ đối với những môn học thiên về năng khiếu như âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, kỹ thuật… thì không cần phải nhận xét hằng tháng.

Lý do: chỉ một số ít học sinh có năng khiếu thật, các em còn lại sẽ học để biết mà thôi. Việc ghi nhận xét như hiện tại đang gây áp lực rất lớn cho giáo viên: “Thời gian ấy đáng lẽ để cho giáo viên tư duy những phương pháp dạy học nhằm thu hút học sinh mới phải” – một giáo viên dạy mỹ thuật đề xuất.

Ở quận 9, để giảm bớt áp lực cho giáo viên bộ môn, có trường tiểu học đã kêu gọi giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ giáo viên bộ môn trong việc làm sổ sách.

“Ngoài ra, tôi cũng nói với giáo viên là nhà trường không bắt buộc giáo viên phải ghi đầy đủ trong sổ theo dõi – đánh giá học sinh. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn lo lắng và vẫn hoàn tất các loại sổ sách. Tôi có xem qua thấy các thầy cô nhận xét rất giống nhau, nếu không muốn nói là sao chép” – hiệu trưởng trường này tiết lộ.

Vẫn âm thầm chấm điểm

Tại Gò Vấp, Phòng Giáo dục – đào tạo quận có hẳn một “tổ tư vấn về thông tư 30” để hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện.

Thắc mắc của các trường chủ yếu liên quan đến vấn đề sổ sách mới, cách đánh giá với học sinh đặc biệt, cách xếp loại…

Cô K., hiệu phó một trường tiểu học tại quận này, cho hay: “Nói là không cho điểm học sinh nhưng thật ra giáo viên vẫn âm thầm chấm điểm và lưu vào sổ nháp của mình để theo dõi tình hình tiến bộ của học sinh. Còn trên vở không được chấm nhưng được nhận xét nên học sinh sẽ biết mình tốt ở đâu, sai ở đâu. Điểm mạnh của nhận xét là học sinh bớt áp lực, được giáo viên chỉ rõ lỗi của mình. Tất cả bài kiểm tra hay bài tập đều có trả bài, sửa bài theo hướng động viên, khuyến khích”.

Tuy nhiên, cũng theo hiệu phó này, công việc của giáo viên nặng hơn trước do có quá nhiều sổ sách.

Ngày thường ngoài nhận xét vào vở học sinh, giáo viên phải nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng học tập. Công việc này càng đội lên nhiều vào dịp cuối học kỳ, khi giáo viên phải đánh giá vào sổ theo dõi lẫn sổ liên lạc và học bạ cùng một nội dung nhận xét (năng lực, phẩm chất, nhận xét từng môn) và vào sổ các điểm kiểm tra học kỳ.

Hiện ở quận Gò Vấp hầu hết trường tiểu học đều sử dụng các mẫu sổ mới của NXB Giáo Dục phù hợp với việc thực hiện thông tư 30 theo hướng “linh động”: lớp có trên 35 học sinh sử dụng hai cuốn (vì mỗi cuốn chỉ đủ ghi tên 35 học sinh theo chuẩn); học sinh lớp 4 và 5 dùng cuốn học bạ tiểu học màu cam 14 trang, từ lớp 1 đến lớp 3 dùng học bạ thường màu vàng dày 30 trang. Giáo viên chủ nhiệm có thêm phần đánh giá vào sổ chủ nhiệm.

Cô K. cho biết: “Trường đang lấy ý kiến giáo viên về việc xây dựng tiêu chí khen thưởng cuối năm học, thay vì đánh giá học sinh bằng danh hiệu như mọi năm cũng như xây dựng phương án sử dụng sổ điện tử để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên. Trong dịp sơ kết học kỳ I tại quận vừa qua, nhiều trường cũng có ý kiến về gánh nặng sổ sách và đề nghị giảm tải theo hướng tích hợp các loại sổ hoặc dùng sổ điện tử”.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số giáo viên dùng con dấu để chấm điểm cho học sinh: dấu mặt cười, dấu bông hoa, dấu ngôi sao…

Theo giải thích của một giáo viên ở quận 1, “việc ghi nhận xét vào vở của học sinh chỉ cần thiết đối với một số trường hợp đặc biệt, chứ ghi nhận xét hoài, học sinh đọc sẽ rất chán. Thỉnh thoảng sau khi chấm bài của các em, tôi đóng cho các em một dấu mặt cười thì các em rất thích thú bởi biết như vậy là mình có tiến bộ, mình làm bài tốt”.

Khen thưởng cuối kỳ: “trăm hoa đua nở”

Một hiệu trưởng tại quận 4, TP.HCM cho biết hơn 1.000 giấy khen cuối học kỳ I đã được chuyển về từng lớp để giáo viên chủ nhiệm trực tiếp quyết định học sinh nào được khen, khen vì thành tích gì.

Cô cho biết: “Mọi năm công tác khen thưởng làm rất nhanh, cập nhật danh sách học sinh được khen sau đó in hàng loạt, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nay đành giao về cho giáo viên để các cô tự viết vào giấy khen với những mục khen thưởng khác nhau, có tính khích lệ. học sinh điểm còn thấp nhưng có tiến bộ so với đầu năm cũng được khen, học sinh chỉ có tiến bộ ở môn toán thì khen môn đó, em nào làm tốt phong trào thì khen mặt đó. Giáo viên là người nắm học sinh rõ nhất về sự tiến bộ qua quá trình nhận xét suốt một học kỳ. Viết giấy khen xong, giáo viên tuyên dương và tặng học sinh ngay tại lớp”.

Dời khen thưởng đến cuối năm

Hiệu trưởng một trường tiểu học mới thành lập chia sẻ: “Trường mới thành lập nên một mặt chưa có kinh phí, mặt khác vẫn còn lúng túng với sổ sách cũng như công tác nhận xét cuối năm. Vì vậy, mọi việc tổng kết, khen thưởng hay danh hiệu đều dời đến cuối năm. Sau một học kỳ thực hiện, chúng tôi thấy thông tư 30 giảm rất nhiều áp lực cho học sinh, phụ huynh cũng phấn khởi với nhận xét của cô, tuy nhiên các áp lực này lại đổ lên vai giáo viên. Áp lực hay không cũng tùy khả năng giáo viên nữa. Với những giáo viên có tâm, họ vất vả, đau đầu hơn và mất nhiều thời gian hơn vì muốn thực hiện đúng tinh thần của thông tư, nhưng cũng có giáo viên chỉ làm hời hợt cho có để hoàn thành nhiệm vụ nên việc thực hiện thông tư lại trở nên nhẹ nhàng, không nhức đầu”.

Tương tự, một hiệu trưởng ở quận 9 cho biết đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa tiến hành khen thưởng học sinh vì: “Đã khen phải khen sao cho chính xác và việc khen thưởng phải thật sự mang ý nghĩa động viên học sinh học tập và rèn luyện. Không thể khen thưởng tràn lan được”.

Trong khi đó cô Đỗ Thị Sửu, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM, đánh giá: “Khen thưởng theo thông tư 30 có khá nhiều ưu điểm. Nếu như trước đây chỉ những học sinh được điểm cao mới được khen thì bây giờ những học sinh không xuất sắc nhưng có tiến bộ trong học tập cũng được khen, có em học các môn văn hóa không giỏi nhưng nổi trội về âm nhạc, mỹ thuật… cũng được khen”.

“Đó là chưa kể trước khi tiến hành khen thưởng, giáo viên còn cho học sinh bình chọn bạn mình. Đây là cách làm rất hay, có học sinh học giỏi nhưng không tham gia phong trào, không giúp đỡ bạn bè… nên không được các bạn đề cử”, cô Sửu nói.

HOÀNG HƯƠNG – LƯU TRANG