10/01/2025

THẾ GIỚI 300 người gia nhập IS, Trung Quốc lo an ninh nội địa

Giới chức Malaysia tiết lộ hơn 300 công dân Trung Quốc đã chọn Malaysia làm quốc gia trung chuyển, trước khi sang Syria và Iraq gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

300 người gia nhập IS, Trung Quốc lo an ninh nội địa

 

Giới chức Malaysia tiết lộ hơn 300 công dân Trung Quốc đã chọn Malaysia làm quốc gia trung chuyển, trước khi sang Syria và Iraq gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 

 

 

 

Thông tin thanh niên Hàn Quốc tham gia IS đang khiến công dân nước này lo ngại - Ảnh: AFP
Thông tin thanh niên Hàn Quốc tham gia IS đang khiến công dân nước này lo ngại – Ảnh: AFP

Ngày 22-1, Bộ trưởng Bộ nội vụ Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi cho biết dù Trung Quốc và Malaysia đã có thỏa thuận chống chủ nghĩa khủng bố nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng khi nhiều người Trung Quốc sang Malaysia để từ đây đi một nước thứ ba gia nhập IS. 

“Do có sự liên kết giữa những kẻ khủng bố ở Trung Quốc và ở các nước Đông Nam Á nên tình hình đang rất đáng quan ngại” – hãng tin Bernama dẫn lời ông Zahid nói. 

Đe doạ an ninh nội địa Trung Quốc

Giới chuyên gia an ninh cho rằng những người Trung Quốc này một ngày nào đó có thể sẽ trở về quê nhà và trở thành những mối đe doạ cho an ninh nội địa.

Truyền thông và giới chuyên gia an ninh Trung Quốc khẳng định phần lớn công dân Trung Quốc tham gia IS là người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của phong trào Hồi giáo Đông Thổ Nhĩ Kỳ – nhóm ly khai mà Bắc Kinh cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương trong thời gian qua.

Giới chức Trung Quốc thừa nhận “một số công dân của họ đã tham gia huấn luyện từ IS” nhưng chưa công bố con số chính xác.

Rohan Gunaratna, chuyên gia nghiên cứu về khủng bố thuộc trường Đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore, nhận định các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Malaysia và Indonesia, đã trở thành những điểm trung chuyển thường xuyên của công dân Trung Quốc, trước khi đến những điểm nóng của IS và các tổ chức khủng bố khác.

“Trước đây họ thường thông qua ngả Pakistan nhưng hiện nay phần lớn họ lại đi qua ngả Đông Nam Á vì Pakistan đang hợp tác rất chặt chẽ với Trung Quốc” – chuyên gia Gunaratna cho biết.

Ông Gunaratna cho biết từ Đông Nam Á, các công dân Trung Quốc sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi vượt biên giới vào Syria hoặc Iraq. Ngày càng nhiều người mang cả gia đình đi theo để được IS ưu tiên tài trợ tài chính.

Đối phó với tình trạng này, ông Lý Vĩ – giám đốc trung tâm nghiên cứu chống khủng bố của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có thể sẽ chia sẻ thêm thông tin tình báo với các nước Đông Nam Á, đồng thời sẽ xem xét kỹ các qui định xuất cảnh đối với người Hồi giáo Trung Quốc đến các quốc trên.

 

Thanh niên Hàn Quốc tham gia IS?

Giới chức Hàn Quốc đang tăng cường theo dõi những thông điệp liên quan đến việc tuyển người của IS hoặc các cuộc tấn công khủng bố đã lên kế hoạch, đang ngày một tăng.

Hiện có những đồn đoán xung quanh việc một thanh niên Hàn Quốc 18 tuổi họ Kim tham gia IS.

Cảnh sát cho biết đã có bằng chứng cho thấy Kim muốn tham gia IS nhưng không thể xác tính được Kim đã làm gì. “Theo điều tra, chúng tôi kết luận rằng Kim đã bị IS ám ảnh trong chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ta đã xoay sở đến Kilis, tìm cách tách rời đoàn du khách và rời khách sạn. Không có bằng chứng cho thấy anh ta bị bắt cóc” – Chuang Jae-il, quan chức thuộc Sở cảnh sát Seoul, cho biết.

Vụ việc đang khiến nhiều người Hàn Quốc lúng túng và họ đặt câu hỏi vì sao thanh niên này lại muốn tham gia IS.

Giới chuyên gia cho biết Kim nghỉ học trung học vì không thể hoà nhập với bạn bè cùng lớp. Hàng xóm của Kim cho biết anh thường không đi ra ngoài và hầu như không có người bạn thân nào.

Nếu thông tin trên được xác nhận thì Kim là người Hàn Quốc đầu tiên tham gia IS. Trong bối cảnh mối quan ngại đang tăng cao này, giới chức Hàn Quốc cho biết họ sẽ chặn việc truy cập hoặc chặn các dịch vụ Internet có liên quan đến thông tin gia nhập các tổ chức khủng bố trên thế giới.

MỸ LOAN