11/01/2025

Một ngày ở con hẻm “miễn phí”

Một con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn đông đúc xe, vội vã người qua lại nhưng là nơi ấm lòng với người nghèo. Ở đây từ bình trà đá, bơm vá, sửa xe, xe ôm đến thuốc uống, bông băng y tế và ngay cả cung cấp hòm, trợ táng… đều miễn phí cho người nghèo.

 

Một ngày ở con hẻm “miễn phí”

Một con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn đông đúc xe, vội vã người qua lại nhưng là nơi ấm lòng với người nghèo. 

Chị Đỗ Tú Quyên, một người dân trong hẻm 96 Phan Đình Phùng, kiểm tra lại các loại thuốc trong tủ thuốc từ thiện – Ảnh: My Lăng

Ở đây từ bình trà đá, bơm vá, sửa xe, xe ôm đến thuốc uống, bông băng y tế và ngay cả cung cấp hòm, trợ táng… đều miễn phí cho người nghèo.

9g sáng một ngày cuối năm 2014. Ở đầu hẻm 96 đường Phan Đình Phùng (P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), một nhóm sáu người lao động ngồi chụm lại bên chiếc bàn nhựa cũ.

Thành phần dự họp là ông Út xe ôm, ông Kiên – hiện đang không có việc làm, chị Quyên bán thuốc lá và xăng ở đầu hẻm, bà Trang nội trợ, bà Hạnh bán bánh cuốn, chị Phượng phụ quán cơm.

“Phòng họp lộ thiên” là cái góc sát tường nhà dân đầu hẻm đầy bụi, nắng và tiếng còi xe inh ỏi, tiếng xe chạy ồn ào. Ông Út đi dép lê, gấu quần cong queo. Bà Trang mặc bộ đồ thun chắc mua đã lâu.

“Tụi tôi họp để chuẩn bị kế hoạch phát cơm qua năm 2015. Mọi người bàn năm sau sẽ nấu thêm cái gì, tiền vận động ở đâu, phát cơm chỗ nào, giao nhiệm vụ từng người. Năm 2015 chắc sẽ phát nhiều suất cơm hơn” – ông Đỗ Văn Út, chủ trì cuộc họp và cũng là người tiên phong về các dịch vụ miễn phí ở hẻm 96 Phan Đình Phùng, nói.

Nhật ký

Cuộc họp vừa xong thì một bà bán vé số líu ríu tới hỏi xin thuốc đau đầu. Bà bảo mấy bữa nay nắng quá, bị đau đầu riết nhưng tiếc tiền không dám vô tiệm thuốc tây. Một ông mua vé số dẫn ra đây chỉ, bà mới biết chỗ này. Bà tên Loan, 75 tuổi, quê Quảng Ngãi, vô đây ở chung một nhà với mấy chục người bán vé số. Tiền trọ trả từng ngày, 4.000 đồng một ngày cho cái ngả lưng ban đêm…

Trên bức tường nhà dân đầu hẻm gắn hai tủ thuốc nhỏ xíu, một tủ đựng một số thuốc chữa bệnh thường gặp có dòng chữ dí dỏm “Tủ thuốc từ thiện xin đừng phá em” và một tủ kính nhỏ đựng bông băng, gạc, oxy già… Tủ thuốc ấy có từ năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Phúc, 60 tuổi, chạy xe ôm đầu hẻm, bảo: “Tuyến đường này đụng xe nhiều, mỗi lần có tai nạn tụi tôi đều chạy ra coi người ta có cần cấp cứu, băng bó vết thương gì không. Mấy lần gặp người bị nặng quá, bê bết máu mà không được sơ cứu tại chỗ. Có tai nạn nửa đêm, tụi tôi chạy đến tiệm thuốc tây mua bông băng cầm máu thì đóng cửa”.

Sau vài lần như thế, tủ thuốc từ thiện xuất hiện, trong đó để sẵn bông băng, gạc. “Mạnh thường quân” là ba người lao động trong con hẻm 96 này: ông Út và ông Bá xe ôm, bà Hạnh bán bánh cuốn. Qua thời gian, tủ thuốc từ thiện ấy bây giờ đã phong phú hơn với đủ các loại: dầu gió, thuốc đau đầu, cảm cúm, tiêu chảy, đau bụng…

“Cái tủ thuốc này 24/24 giờ đều có người trực, ai cần thuốc đều có. Tôi vá xe ở đây cả ngày, tới 6g tối giao lại chìa khóa cho cô bán bánh ướt. Bán tới 3g sáng, cổ giao lại vợ chồng anh giao nước đá sớm. 5g15 tôi lại ra thay” – ông Đỗ Văn Út kể.

Trưa Sài Gòn, nắng phương Nam của những ngày gần tết, nóng đến quay quắt. Một thanh niên đi giao hàng, một chị mua ve chai, một người đàn ông lang thang không nhà cửa… ghé ngang qua bình trà đá miễn phí, có người uống đến năm ly rồi lại đi. Như quen biết, mà cũng như không…

Bình trà đá miễn phí này đã có hơn hai năm nay. “Tôi đặt bình trà đá miễn phí vì thấy mấy bà mua ve chai, mấy ông chở hàng mỗi lần mua trà đá dựng xe kẹt đường, kẹt xe, chủ quán không muốn bán. Một ngày mình bỏ ra 20.000 đồng, giúp được 200 người khát nước. Mình cũng nghèo, chỉ giúp người nghèo được như vậy thôi nhưng vui lắm” – ông Út cười vô tư, nói.

Người đàn ông có dáng người bé nhỏ, lọt thỏm trong bộ đồ cũ kỹ ấy cũng là người chăm chút cho bình trà đá miễn phí đầu hẻm. Cứ 5g sáng ông ra nhận lại chìa khóa tủ thuốc, cọ rửa rồi châm nước cho đầy bình trà đá miễn phí. Mỗi ngày vợ chồng ông nấu 30-40 lít nước. Tằn tiện mỗi ngày những đồng tiền lẻ từ bơm, vá xe (đã miễn phí bơm vá xe cho người khuyết tật), ông Út lấy tiền ấy mua nước đá bỏ bình trà.

Bà Nguyễn Thị Gái (quê Bình Định) làm nghề mua bán ve chai, mỗi ngày đến con hẻm này hai lần để xin nước trà miễn phí – Ảnh: My Lăng

Hội tụ những tấm lòng

Nhóm từ thiện miễn phí ở hẻm 96 này, lớn tuổi nhất là ông Phúc, 60 tuổi. “Trong nhóm đa số là người chạy xe ôm, bán bánh cuốn, làm tạp vụ, phụ bưng cơm… Người ta giàu có mới làm từ thiện, còn tụi tôi toàn “thứ dữ” không mà làm từ thiện. Mình không có nhiều tiền thì mình bỏ công, làm cái nhỏ nhỏ, tích đức” – ông Hoàng Trung Kiên, 50 tuổi, nói.

Hồi trẻ lưu lạc nhiều nơi. 11 năm trước, làm ăn thất bại vợ bỏ đi, dẫn một đứa con về Nha Trang, ông Kiên như người điên dại. Mấy năm nay, ông cùng tham gia nhóm nấu cơm từ thiện của ông Út sau khi cảm nhận được việc làm ý nghĩa này.

Còn ông Út, cả đời quần quật làm vẫn chưa mua nổi căn nhà nhỏ. Vợ chồng ông mới thuê phòng ở Phú Nhuận hơn năm tháng nay. Trước đây, ông và vợ con ở nhờ nhà người em trai tại huyện Hóc Môn.

“Ở đó không mất tiền, nhưng vợ chồng tôi dời về đây thuê nhà để tiện cho việc giúp người hơn. Chớ hồi trước nhằm bữa 12g đêm, người ta điện xuống nói về giúp, con người ta vừa mất. Thằng con bị nhiễm HIV, gia đình không biết làm sao. Ảnh chạy về, lo tắm rửa, hướng dẫn thủ tục… 1-2g mới xong, chạy về Hóc Môn ngủ được gần hai tiếng lại chạy về Phú Nhuận làm” – bà Trang, vợ ông Út, kể.

Bà Trang làm tạp vụ theo giờ, mỗi giờ được trả 20.000-30.000 đồng. Có bữa làm hai giờ, có bữa nhiều người kêu thì được 4-5 giờ. Cả nhà ba người toàn ăn cơm hàng cháo chợ. Phòng 8m2, chật chội, không có chỗ nấu nướng.

Còn ông Phúc, 30 năm chạy xích lô rồi đến xe ôm, 13 người chen chúc trong cái nhà bề ngang 2,5m, dài 12m. Ông chùng giọng kể về chuyện vợ chồng bán vé số người miền Tây đã mấy năm nay không gặp. Chồng thì mù hai mắt, vợ đau bệnh. Hai vợ chồng thuê nhà ở cuối đường Vạn Kiếp – nơi tập trung nhiều lao động nghèo tứ xứ. Mỗi ngày bán vé số về tới đây, nếu không có ông thì ông Bá xe ôm lại chở miễn phí cả hai vợ chồng về nhà trọ. Mỗi cuốc 10.000-15.000 đồng nhưng suốt bốn năm liền, cả mấy ông xe ôm ở đầu hẻm 96 này không một lần tính toán.

 

Trợ táng miễn phí

Nhóm từ thiện ở hẻm này còn thu gom gửi tặng quần áo cũ cho người nghèo. Rồi mỗi tháng còn có hai ngày phát 200-300 suất cơm từ thiện miễn phí. Những thứ “miễn phí” đó không lạ giữa Sài Gòn rộng lớn.

Thế nhưng, giúp hòm, trợ táng miễn phí có lẽ là dịch vụ miễn phí đặc biệt nhất ở con hẻm này. Dưới tấm băngrôn nhận giúp hòm, trợ táng miễn phí chính là số điện thoại của ông Đỗ Văn Út.

Dịch vụ mai táng miễn phí đã có hơn 10 năm nay. Ông Út không quên được người bạn xe ôm, cũng là trường hợp đầu tiên ông làm giúp, tên Phạm Văn Dũng, người gốc phường 13, quận Phú Nhuận, đi kinh tế mới rồi về đây chạy xe ôm.

“Năm đó ảnh 39 tuổi – ông Út kể – Giấc sáng đi phụ chở hàng, khom xuống, chúi xuống luôn, nằm hai ngày thì mất. Bác sĩ bảo bị xuất huyết não. Ảnh không vợ con, gia đình chỉ còn người em gái và bà mẹ già, nhà mướn ở bên Phan Xích Long. Đưa từ bệnh viện về, chủ nhà không cho để hòm. Xóm bên này bảo có sân trống, mang về đây làm đám. Tôi làm giúp mẹ ảnh giấy xác nhận khó khăn rồi tự mình đi xin hòm giùm”.