11/01/2025

Ăn tết thế nào?

Ngày đầu tuần, anh đồng nghiệp kéo ghế ngồi cà phê than thở: “Năm nay công ty mình thưởng tết ít lắm, chừng 1/3 năm ngoái thôi” rồi thở dài có vẻ buồn bã.

 

Ăn tết thế nào?

 

Ngày đầu tuần, anh đồng nghiệp kéo ghế ngồi cà phê than thở: “Năm nay công ty mình thưởng tết ít lắm, chừng 1/3 năm ngoái thôi” rồi thở dài có vẻ buồn bã. 

 


 

Vợ chồng anh Hồng Văn Hậu (Sóc Trăng) trắng đêm rán bánh bán cho ngày về quê dịp tết - Ảnh: Tiến Long
Vợ chồng anh Hồng Văn Hậu (Sóc Trăng) trắng đêm rán bánh bán cho ngày về quê dịp tết – Ảnh: Tiến Long

Tôi nghe qua cũng thoáng buồn vì còn nhiều dự định cần đến tiền vào dịp cuối năm tết đến.

Rồi nỗi buồn nhanh chóng qua đi khi đọc báo thấy đây đó nhiều người giờ này còn chưa biết tết có về không vì lương còn bị nợ, huống gì nói đến thưởng tết. Đó là những người làm công ăn lương, có chỗ làm ổn định, còn những người lao động tự do làm ngày nào hay ngày đó, tiền ngày nào xài ngày đó thì thế nào. Nghĩ ra mình được thưởng tết thì vẫn còn may mắn. Mà có giảm tiền thưởng thì cũng cả công ty bị giảm chứ chỉ có mình mình đâu.

Quý bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ, có thể chia sẻ thêm những câu chuyện, kinh nghiệm và suy nghĩ của mình về việc “Ăn tết thế nào?” để chúng ta có những ngày xuân ý nghĩa. Mọi ý kiến chia sẻ xin gửi về: [email protected] hoặc 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Đọc báo Tuổi Trẻ mấy ngày gần đây thấy nhiều người cả mấy năm trời chưa có cơ hội về quê một lần trong dịp tết để ôm con thơ vì gần tết giá vé về quê quá cao. Ngày tết nhiều người nghỉ nên có việc gì làm thêm thì ráng ở lại thành phố để “cày”.

Lại có những vùng trẻ em còn đi gọt vỏ khoai mì phụ gia đình kiếm miếng cơm hằng ngày, hay đã đến mùa lạnh mà còn tới trường với tấm áo mỏng manh. Tôi tự hỏi có phải tết với những trẻ em này sẽ ấm áp (đúng nghĩa đen) hơn nếu có sự chia sẻ nhiều hơn nữa?

Nhớ lại những năm trước, cũng qua báo chí, không thiếu hình ảnh người nghèo đón tết chỉ với thùng mì gói, chai nước tương, gói đường của những tấm lòng thiện nguyện cũng thấy nhói lòng.

Hỏi vậy vì nói đến những người chưa biết tết có về không, lại chợt nghĩ chuyện mình đang ăn tết như thế nào. Những năm trước kinh tế khá giả, chẳng thiếu cảnh nhiều nhà ăn tết thừa mứa và dường như đó đã là “truyền thống” trong nếp sinh hoạt của nhiều người mỗi độ tết đến xuân về.

Người khó khăn hơn thì dường như dành dụm cả năm cũng chỉ để lo mấy ngày tết “bùng nổ”, chính xác với câu “no ba ngày tết, đói ba tháng hè”. Tết trở thành áp lực lớn, là nỗi niềm “lo sợ” của rất nhiều người. Chưa kể những tệ nạn từ tết: bia rượu quá đà, cờ bạc say máu…

Chẳng nói đâu xa, mỗi độ tết về là tình hình tai nạn giao thông lại tăng vọt, mà trong số đó bia rượu quá đà bao giờ cũng là nguyên nhân chính. Mới năm ngoái tại Long An còn xảy ra chuyện “nhậu không tới nơi tới chốn” mà có người bị đâm chết. Vậy là có nhà đón xuân trong cảnh có người xộ khám, người đón xuân trong cảnh tang tóc đau thương…

Trước đây tôi từng sống tại một khu lao động ở quận 1 (TP.HCM), khi ấy người gom rác (chưa có dịch vụ công ích, thu gom rác dân lập) của khu mỗi tháng chỉ thu được 5.000 đồng tiền công/hộ. Thế rồi tết đến thấy người này say sưa bên chiếu bạc với mỗi “cây” đặt lên đến 100.000 đồng. Ba lá bài cào xoèn xoẹt trôi qua trong tích tắc, người này thua liên tục, anh ta đổ mồ hôi hột, đỏ mặt tía tai. Hình ảnh đó ám ảnh tôi đến tận bây giờ nếu so sánh những chiều đẩy xe rác hôi hám với những ngày “xuân chóng qua” của người gom rác.

Trước nay, không chỉ trong việc xài tết, nhiều người nói “tiền của tôi tôi xài” trong nhiều vụ việc khác. Tiêu tiền trong ngày tết cũng là công sức của cả năm lao động, chẳng ai có quyền cấm họ sử dụng nhưng tôi có đa sầu đa cảm quá chăng khi nghĩ về hình ảnh có nhà sau ba ngày tết đem đồ ăn thức uống đổ, trong khi lại không thiếu những người chỉ mong tết qua nhanh trong sự mặc cảm thiếu thốn.

Vậy thôi, dù gì thì cũng chỉ hơn một tháng nữa tết lại về. Có lẽ tôi nên quên chuyện thưởng ít thưởng nhiều mà nghĩ về cái tết thật ý nghĩa. Chăm sóc bàn thờ, mồ mả tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ…”, lên kế hoạch thăm viếng người thân, bạn bè… chắc chắn là việc phải có vì đó là nét đẹp truyền thống.

Chắc chắn cũng phải điều chỉnh cách đón tết lãng phí tiền bạc, sức khỏe, những gì gọi là “biến tướng” của tết thì chắc cần phải nghiêm túc xem lại. Và trên hết dành sự chia sẻ dù ít dù nhiều cho những người kém may mắn hơn, những người cả đời chẳng biết đến một đồng thưởng tết.

Xã hội đang ngày càng văn minh, và việc ăn tết như thế nào chắc cũng phải điều chỉnh cho về đúng giá trị của tết truyền thống. Nói cách khác, chúng ta có thể ăn tết một cách văn minh và ý nghĩa hơn không?


PHÚC NGUYÊN