10/01/2025

Văn khoa những ngày tháng cũ

Ðọc quyển sách Văn khoa một thời sống đẹp do chính những người trong cuộc viết, tôi đọc ngấu nghiến, vừa đọc vừa ứa nước mắt…

 

Văn khoa những ngày tháng cũ

Ðọc quyển sách Văn khoa một thời sống đẹp do chính những người trong cuộc viết, tôi đọc ngấu nghiến, vừa đọc vừa ứa nước mắt…

 

Một cảnh tranh đấu của sinh viên Sài Gòn trước năm 1975 – Ảnh tư liệu

Sài Gòn thế kỷ 20 có hai khu “tam giác sắt” để chỉ vùng đất “xương xẩu” đối với chính quyền VN cộng hoà.

Xương xẩu bởi vì “càn không hết, quét không sạch, đánh hoài mà không lủng”. Ðó là khu địa đạo ở tây bắc Củ Chi và khu vực ba trường đại học Văn khoa – Dược khoa và Nông lâm súc trên đường Cường Ðể (nay là Ðinh Tiên Hoàng), mà Văn khoa là một mũi nhọn.

Ở Củ Chi thì súng đạn đáp trả súng đạn. Còn ở các trường đại học thì sinh viên chỉ có con tim, khối óc và lòng quyết tâm tìm kiếm hoà bình đối mặt với rào kẽm gai, với phi tiễn, lựu đạn cay.

Khi trở thành sinh viên Văn khoa niên khoá 1974-1975, tôi đã nghe khá nhiều về những sinh viên Văn khoa đàn anh như Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Văn Long, Ðôi Nạng Xứ Dừa (Hoàng Nghĩa), Võ Thị Bạch Tuyết, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phan Công Trinh, Trần Xuân Tiến…

Sau năm 1975, quen biết một số anh chị từng tham gia phong trào, tôi lại biết thêm chút ít. Thế nhưng những điều tôi biết như những mảnh ghép chưa đầy đủ của một bức tranh Lego. Còn rất nhiều hoạt động, hình ảnh của các phong trào xuống đường, Hát cho đồng bào tôi nghe, đốt xe Mỹ, chống quân sự học đường… vẫn nằm trong góc khuất. Cho đến khi đọc Văn khoa một thời sống đẹp…

Văn khoa một thời sống đẹp không phải là “cuốn sử” về một ngôi trường. Nhưng những hồi ức, kỷ niệm, tâm sự của các anh chị Văn khoa về những ngày tháng cũ đã vẽ lại một cách tương đối “cái hồn” của những tình cảm, những hình ảnh hào hùng của ngôi trường thân yêu.

Ngôi trường đã khiến anh Nguyễn Kim Ngân (người viết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ trong những ngày sinh viên chiếm tòa đại sứ của chính quyền Lon Nol, được sinh viên Trần Long Ẩn phổ nhạc vang vọng một thời) thốt lên tiếng thơ đầy xúc cảm: “Ba, bốn năm là bao so với cuối đời ngắn ngủi/Mà sao như sông, như suối trải ân tình” (Ta còn nợ nhau).

Bằng đôi tay gầy guộc, bằng ước mơ có được hòa bình và trái tim yêu thương đến tận cùng, sinh viên Văn khoa đã lao vào cuộc chiến. Có người tham gia phong trào vì ghê sợ chiến tranh, có người vì thương bạn bè, có người vì tình cờ, có người do có người thân trong gia đình tham gia cách mạng… Dù đến bằng nhiều con đường nhưng tất cả đã kết thành một khối bền vững, dù dùi cui, lựu đạn, dù xiềng xích, tù đày vẫn không làm họ tan ra.

Tham gia phong trào không có nghĩa là phải “xuống đường”, phải “tuyệt thực”, không phải là phanh ngực áo trước mũi súng của cảnh sát dã chiến để “đấu tranh” mà nhiều khi chỉ là tham gia những cuộc hội thảo về các vấn đề thanh niên thời đại cần quan tâm, tham gia những hội trại của khoa, trường, tổ chức triển lãm, tham gia biểu diễn văn nghệ, tranh giành quyền đại diện sinh viên trong khoa, trường, làm các công tác xã hội cứu trợ đồng bào chạy loạn vì chiến tranh, bị bão lụt…

Hình ảnh các cô sinh viên tiểu thư yểu điệu, xinh xắn thức dậy từ 4, 5 giờ sáng làm bánh mì thịt, ngồi đập đá, pha cà phê… phục vụ trong hội quán sinh viên khiến ai không ngạc nhiên! Hình ảnh những cô sinh viên nhút nhát lại đứng nói sang sảng trước mọi người trong các cuộc hội thảo, ai không ngạc nhiên!

Nhưng hình ảnh một cô sinh viên đứng trước “30 tên lính Nùng cầm súng tuốt lưỡi lê nhảy qua hàng rào xông vô sân trường” (Trần Tuyết Hoa, Văn khoa ngày ấy) thì mọi người phải thán phục!

Ðã hơn 40 năm trôi qua. Trường xưa đã đổi tên thành Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng đẹp với lớp em cháu đang dùi mài học tập. Bạn xưa đầu đã bạc, có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, mỗi người vào đời với một con đường khác nhau nhưng trong họ vẫn còn nguyên đó những ngày tháng cũ.

Ðiều chúng ta khao khát là hoà bình, thống nhất

Là dân chủ, tự do

Ðã đổi bằng máu xương, không phải xin cho

Ðất nước, đồng bào là trên hết

Dù chậm hay nhanh cũng không thể nào khác được

Bây giờ thấy yêu cái thời không kịp yêu

Thấy nhớ cái thời không kịp nhớ

Nếu ước mơ chưa thành

Ðời ta còn nợ.

Ðó là những gì mà anh Nguyễn Kim Ngân nói thay cho lớp lớp sinh viên Văn khoa (và cả những người từng khoác áo sinh viên ở VN) mơ ước.

Sách do NXB Trẻ ấn hành – Ảnh: L.Điền

Rất nhiều sinh viên Văn khoa bị tù đày tại khắp các nhà tù nổi tiếng ở miền Nam như Chí Hoà, Tân Hiệp, Côn Ðảo. Nhưng tù đày không làm họ lùi bước, sờn lòng. Lớp này bị bắt, lớp khác lại tiếp bước để thực hiện giấc mơ đẹp của lứa tuổi 20.

“Khi mà ngoài chuyện học, chuyện đấu tranh vì đất nước, vì đồng bào mình, ngoài mơ tưởng một tương lai tươi sáng ngày mai sẽ đến cho mọi người, bạn bè không ai toan tính gì. Phải, ngày đó, ở tuổi 20, ai không mơ tưởng? Ai không mơ một ngày đất nước liền một dải, không bóng ngoại bang? Ai không mơ một ngày người mẹ tiểu thương Bàn Cờ sống xứng đáng hơn, giàu có hơn? Ai không mơ người cha bến tàu một ngày thoát kiếp làm thuê nghèo đói? Ai không mơ một ngày đất nước hòa bình “ta cùng lên đường đi xây lại Việt Nam”? Rất nhiều giấc mơ đẹp như thế”. (Ðoàn Khắc Xuyên, Ngôi trường và những giấc mơ).

Sinh viên là như thế. Họ không vào cuộc vì lợi ích cho bản thân. Họ không xuống đường vì quyền lợi, họ đứng thẳng trong gông cùm, xiềng xích chỉ vì họ có một ước mơ cháy bỏng: Hoà bình!