07/01/2025

Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn khác nhau thế nào?

Liên quan đến Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn, xin cha nói rõ về sự khác biệt giữa Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn?

 

Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn khác nhau thế nào?

 
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau bài trả lời của chúng tôi ngày 30-9-2014, một độc giả đã hỏi thêm để làm sáng tỏ vài điều về lễ tang: 
“Liên quan đến Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn, xin cha nói rõ về sự khác biệt giữa Thánh lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn? Trong phần Lễ Quy, đặc biệt trong Mùa Chay và một số Lễ trọng, chúng con thấy các quy định nói rằng linh mục không được cử hành Thánh lễ cầu hồn, trừ Thánh lễ an táng. Liệu các chữ “không được cử hành Thánh lễ cầu hồn” hàm ý rằng trong các mùa ấy, các tín hữu không thể xin Lễ giỗ, hoặc Thánh lễ cầu hồn cho người thân của họ đã qua đời, trong các Thánh Lễ ngày thường của giáo xứ chăng? Nếu vậy, thưa cha, đâu là lý do?” – X., Dublin, Ireland.

Đáp: Một “Thánh Lễ an táng” thường là Thánh Lễ, mà trong đó thi hài của người quá cố hiện diện, và các nghi thức như rảy nước thánh, xông hương và làm phép xác có thể được cử hành. Trong một số trường hợp, ví dụ, nếu không có sự hiện diện của thi hài, Thánh lễ an táng cũng có thể được cử hành, và lẽ tất nhiên linh mục bỏ qua các nghi thức, vốn đòi hỏi sự hiện diện của thi hài. 
Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 380-381, nói: 
“380. Trong các Thánh Lễ cầu cho người qua đời, đứng hàng đầu là lễ an táng, được cử hành bất cứ ngày nào, trừ ngày lễ trọng buộc, thứ Năm Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua và các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, ngoài ra phải giữ tất cả những gì luật buộc phải giữ”.

381. Thánh lễ cầu cho người qua đời sau khi được tin báo tử, hay lúc mai táng, hay ngày giỗ đầu, có thể được cử hành cả trong những ngày sau Bát Nhật Giáng Sinh, các ngày có lễ nhớ buộc hoặc những ngày trong tuần không phải thứ Tư Tro hoặc Tuần Thánh”.

“Những lễ cầu cho người qua đời khác, còn gọi là “các lễ hằng ngày”, có thể được cử hành trong các ngày trong tuần Mùa Thường Niên, mà trong những ngày này chỉ có lễ nhớ tự do hoặc lễ trong tuần, miễn là thực sự chỉ lễ cho người qua đời” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Như thế, Giáo Hội phân biệt ba hạng lễ: Thánh Lễ an táng, Thánh lễ cầu cho người qua đời vì các lý do đặc biệt được nêu ra tại Điều 381, đoạn 1, và tất cả các Thánh Lễ cầu hồn khác. 
Khả năng cử hành mỗi hạng Thánh lễ này tùy thuộc thật sự vào Mùa phụng vụ. Điều này được thực hiện để tôn trọng tầm quan trọng của sứ điệp phụng vụ trong các mùa, nhằm cho tính liên tục của mùa phụng vụ không bị mất bởi việc cử hành Thánh lễ cầu hồn. Dẫu sao, mỗi ngày trong năm là ngày giỗ của một ai đó. 
Vì vậy, tôi xin trả lời cho thắc mắc của độc giả trên đây của chúng tôi như sau: thực sự trong các ngày phụng vụ được qui định sẵn, các tín hữu không thể xin Thánh lễ cầu hồn, ngoại trừ trong các trường hợp dự kiến ​​trong Điều 381, đoạn 1. 
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là linh mục không thể làm gì được.

Chúng ta phải phân biệt giữa việc xin Thánh lễ cầu hồn, và việc cử hành một Thánh lễ cầu hồn, với ý cầu nguyện cho một linh hồn hay nhiều linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

Bởi vì ý này là cơ bàn ý riêng của linh mục, mặc dù do người khác xin, nên hầu như mọi ý lễ có thể được chấp nhận và vào bất kỳ ngày nào.

Ý lễ riêng này không ảnh hưởng đến các công thức của Thánh Lễ, vốn tuân theo phụng vụ trong ngày, nhưng nói cho đúng là không kém hiệu quả hơn so với Thánh lễ cầu hồn.

Trong các trường hợp như vậy, mặc dù tên của người qua đời không được nhắc đến trong các lời nguyện Thánh lễ, hoặc trong Kinh Nguyện Thánh Thể, linh mục có thể nhắc đến tên ấy ở đầu Thánh Lễ và/hoặc trong lời nguyện các tín hữu.(Zenit.org 29-10-2014)
Nguyễn Trọng Đa