27/11/2024

Châu Á tiếp tục là đầu tàu kinh tế thế giới

Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại nhưng Ấn Độ sẽ chứng minh sức mạnh của mình.

 

Châu Á tiếp tục là đầu tàu kinh tế thế giới

 

Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại nhưng Ấn Độ sẽ chứng minh sức mạnh của mình. 

 


 

 

Thị trường Ấn Độ được xem là đầy tiềm năng với dân số trẻ và có nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ - Ảnh: Reuters
Thị trường Ấn Độ được xem là đầy tiềm năng với dân số trẻ và có nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ – Ảnh: Reuters

Tăng trưởng của khối châu Á đang phát triển sẽ cao gấp đôi phần còn lại của thế giới.

Dẫu những yếu tố bất ngờ như giá dầu, biến động chính trị… còn là ẩn số nhưng hầu hết chuyên gia đều đồng thanh nhận định kinh tế năm 2015 sẽ tốt hơn 2014.

Theo Ngân hàng Standard Chartered, GDP của thế giới sẽ tăng 3,4% trong năm nay, hơn con số 2,9% của năm rồi. Riêng ở châu Á, Ấn Độ và Indonesia sẽ thật sự nổi bật trong kinh tế sau kỳ bầu cử ổn định năm qua.

Báo Les Echos của Pháp dẫn phân tích của văn phòng TAC, chuyên nghiên cứu và cố vấn về kinh tế và tài chính quốc tế các xu hướng của 2015 cho thấy kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục nhưng châu Á mới là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, khởi động từ sáu tháng cuối năm 2014 vừa rồi.

Nhờ nhu cầu trong nước

Cũng nhờ nhu cầu trong nước nên sức tăng trưởng của khu vực châu Á vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay là 3,3% nhưng chủ yếu nhờ vào khối châu Á có sức tăng trưởng đến 6,6%.

IMF thậm chí cho rằng 10 quốc gia khối ASEAN càng tiêu biểu cho sự tăng trưởng hơn cả vì vẫn còn tiếp nhận được đầu tư nước ngoài nhờ nhu cầu trong nước cao và lực lượng nhân công rẻ, lành nghề.

Đáng kể nhất trong đầu tàu kéo này là Ấn Độ và Indonesia, hai quốc gia được xem là đang có thiên thời địa lợi nhân hòa. Báo Les Echos đánh giá Ấn Độ đang có (đây là trường hợp hiếm hoi) thời cơ thuận lợi nhờ dàn lãnh đạo năng động và giỏi giang kết hợp với chu kỳ tăng trưởng kinh tế tích cực.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang lên kế hoạch đồ sộ với chương trình “Do Ấn Độ làm ra” nhằm ghi dấu ấn với tiềm lực khoa học, công nghệ của Ấn Độ. Những dự án hạ tầng khổng lồ cũng được tiến hành thu hút nhiều quốc gia phát triển lưu tâm. Đánh giá tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay lên đến 6,5%.

Indonesia với tân Tổng thống Jokowi Widodo cũng được đánh giá cao với những quyết sách thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế của Indonesia được dự báo tăng đến 5,7% nhờ vào các đầu tư cho hạ tầng sẽ khởi động trong dịp đầu năm 2015.

Trường hợp kỳ lạ của Malaysia

Chưa năm nào mà chỉ vì vài biến cố bất chợt, hết nền kinh tế này đến nền kinh tế kia lung lay, thậm chí ở ngưỡng sụp đổ. Thế nhưng, nếu có một chuỗi nước sản xuất dầu “sa cơ” thì có nước lại hầu như không sao!

Như Malaysia không chỉ cùng trải qua cuộc khủng hoảng giá dầu mà còn chịu nhiều tai ương bất ngờ khác đã vẫn tự mình đứng vững qua bao bão tố. Nguồn thu ngân sách từ Hãng dầu Petronas chiếm đến 1/3 thu ngân sách của chính phủ nước này (nguồn: cctv-america, 1-12-2014). Thêm hai thảm hoạ máy bay chỉ trong vòng bốn tháng là quá nặng buộc phải “giải cứu” Hãng Malaysia Airlines bằng cách quốc hữu hoá.

Lại thêm khủng hoảng giá dầu cọ, một sản phẩm chủ lực của Malaysia, giảm đến 20%, tác động đến mấy trăm ngàn hộ chuyên canh cây cọ. Nhưng do nền kinh tế Malaysia lại không mong manh từ nền tảng – một trong hai điều kiện (điều kiện kia là tác động bất ngờ bên ngoài) để suy sụp mà Frédéric Lasserre, chủ tịch Quỹ Belaco Capital, nhận định – nên không “sụp” như các nước khác.

Mặt khác, Chính phủ Malaysia đã nhanh chóng khai thác việc giá dầu hạ: chấm dứt trợ cấp dầu hoả (giúp chính phủ khỏi phải chi ngân sách để bù giá dầu), kiểm soát được việc hạ cước vận tải cùng các chi phí khác, nên không làm người tiêu dùng cảm thấy bị cắt bù giá (ở Malaysia thay vì áp phụ thu, phí, thuế trên dầu hoả, người ta bù giá dầu).

Nhờ đó mà bất chấp các tai biến, Malaysia kết thúc năm 2014 với các loan báo sau: “Tăng trưởng GDP thực tế hằng năm của Malaysia trong quý thứ ba tương đối đạt 5,6% tuy có giảm so với quý trước là 6,5%” (do dầu hỏa) (nguồn: Malaysian Institute of Economic Research). So với tăng trưởng 5,1% quý 4-2013, tăng trưởng như thế là tăng khá! Thậm chí trong đánh giá năm nay, Malaysia sẽ còn tăng trưởng đến 6%.

“Sức mạnh tốc độ”

Khó tin nổi rằng qua bao “đời” giải Nobel kinh tế với bao nhiêu phát kiến kinh tế học ứng dụng, những tưởng kinh tế học đã là vô cùng tiến bộ, vậy mà vào năm 2014 cả một nhóm trong số các nước sản xuất dầu trong OPEC và bên ngoài OPEC đều “gần chết” vì nguyên nhân đầu tiên là dự báo kém, để rồi chỉ cần một biến cố nhất thời, mà ở đây là những điều chỉnh dự báo cầu từ tháng 1 đến tháng 6 giảm một nửa, cũng đủ tác động lên nền tảng mong manh của một số nền kinh tế.

Đến ngày 29-12 mà còn nghe Algeria kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng bảo vệ lợi ích các nước thành viên. E rằng quá muộn rồi, thậm chí đợi đến tháng 12-2014 mới bắt đầu nói đến “giảm sản lượng, tránh bán rẻ dầu thô” hoặc hô hào”Phải thay đổi cơ chế quản lý giá cước vận tải” cũng đã là muộn rồi! Một sự chậm chạp như thế ở năm 2014 là đi ngược lại một xu thế mới của thuật trị quốc ngày nay là “tốc độ”.

Diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La năm nay của tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược IISS kiêm chủ tọa Đối thoại, tiến sĩ John Chipman, phản ánh xu thế này: “Trong cách thức mà mọi thứ quyền lực trong thế giới ngày nay đang trộn lẫn, mọi việc thay đổi rất nhanh.

Trong các điều kiện đó, thế kỷ của chúng ta mang một sắc thái của “thuyết tiến hóa Darwin – tân thời”. Nay không còn mấy chỗ cho “sức mạnh thuộc về ai khéo léo nhất” để “sống còn”, nhờ vào “thích hợp nhất”, mà là tốc độ quyết định các thắng lợi ngoại giao và thậm chí cả quân sự, tạo ra các lợi thế tài chính, chứ không phải là lực nâng…

Thậm chí, tốc độ đã trở thành một thuộc tính của quyền lực và điều kiện cần thiết của sự thành công. Thêm vào các khái niệm “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”, “sức mạnh thông minh” thường được sử dụng cho đến nay, có thể thêm khái niệm “sức mạnh tốc độ”: tức khả năng nhanh chóng dự kiến được trước các sự kiện sao cho hiệu quả, một kỹ năng mà tất cả các chính phủ và doanh nghiệp cần phải triển khai có hiệu quả”.


DANH ĐỨC – N. QUÂN